ĐBP - Ðiện Biên là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; đồng thời cũng là tỉnh có số người nghiện chất ma túy cao. Những năm qua, tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp; nguồn ma túy thẩm lậu chủ yếu từ khu vực “Tam Giác Vàng” qua các tỉnh Bắc Lào vào Ðiện Biên. Các đối tượng hoạt động tinh vi, manh động, sẵn sàng dùng vũ khí “nóng” để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Nhiều chuyên án ma túy lớn, với số lượng lên đến hàng trăm bánh hêrôin đã được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý.
Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về tội phạm, tệ nạn ma túy, phương thức, thủ đoạn, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy bằng nhiều hình thức. Trong đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng chống ma túy vào các buổi sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị; thông qua hoạt động ngoại khóa ở trường học; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, website của ngành, đoàn thể… Ðặc biệt, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy đã đạt được hiệu quả tốt. Ðồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu các thôn, bản, người uy tín tại địa phương để họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống ma túy.
Ðầu tháng 4/2023, Công an tỉnh phối hợp với Cục Hải quan tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy cho gần 500 giáo viên, học sinh Trường THCS xã Thanh Chăn và người dân xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên). Tại các buổi tuyên truyền, lực lượng công an đã giới thiệu kiến thức cơ bản về ma túy, cách nhận biết một số chất ma túy; tác hại của ma túy chính là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm. Bên cạnh đó, các em học sinh và người dân còn được giao lưu, trao đổi, trả lời các câu hỏi xoay quanh vấn đề phòng, chống ma túy; trao đổi các thông tin hữu ích về thủ đoạn của tội phạm ma túy và các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy. Thông qua sự kiện này, mọi người cùng ghi nhớ, nhắc nhở nhau nói không với ma túy; không tham gia vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy. Ðồng thời, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn này.
Ông Lò Văn Pánh, Trưởng bản Tâu 1, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) cho biết: Hàng tháng lực lượng công an xã Hua Thanh thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy cho dân bản. Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú về nội dung, các buổi tuyên truyền đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, người dân nâng cao ý thức phòng, chống ma túy, cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin có giá trị. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn bản Tâu 1 không còn người nghiện ma túy; nhiều năm qua không xảy ra vụ việc liên quan đến ma túy.
Trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 6.000 buổi tuyên truyền về phòng chống ma túy, thu hút gần 436.000 lượt người tham gia; tổ chức gần 1.000 buổi tuyên truyền lưu động, 300 buổi truyên truyền qua hệ thống màn hình LED; tuyên truyền trên 3.300 buổi qua hệ thống loa phóng thanh, chiếu phim tại các xã vùng sâu, vùng xa. Ðồng thời, tổ chức treo gần 5.000 cụm pano, băng rôn, tranh cổ động và phát gần 9.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về tác hại ma túy đối với sức khỏe con người và tác hại xã hội. Cùng với đó, các cơ quan tố tụng đã lựa chọn gần 200 vụ án điểm về ma túy để đưa ra xét xử lưu động tại cơ sở, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy để phục vụ công tác tuyên truyền; xây dựng 12 tủ sách pháp luật, duy trì 130 câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy.
Việc thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy của cơ quan chức năng; cấp ủy Ðảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp đã giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Ðồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống và kiểm soát ma túy, kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia vào phòng, chống ma túy cũng còn những hạn chế như: Nội dung tuyên truyền ở một số nơi còn đơn điệu; đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa số lượng người dân trình độ học vấn thấp nên việc tuyên truyền bằng hình thức kẻ vẽ pa nô, áp phích hay sử dụng những thuật ngữ chưa mang lại hiệu quả cao. Các mô hình, hoạt động điển hình trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy chưa phát huy hết hiệu quả. Công tác kiểm tra, đôn đốc của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục dẫn đến hiệu quả chưa cao.
UBND tỉnh đã ban hành Ðề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, gia đình và xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, toàn dân và từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy với 3 tiêu chí “giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại”. 100% cơ quan, đơn vị, trường học, thôn, bản được tuyên truyền về phòng, chống ma túy; 100% người nghiện có hồ sơ quản lý được áp dụng hình thức cai nghiện phù hợp. Ðến năm 2025 có 20% số xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy giảm mức độ phức tạp so với năm 2020.
Ðể đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy theo hướng đi vào chiều sâu và tiến hành thường xuyên, đổi mới về nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ðặc biệt chú trọng việc đưa thông tin tuyên truyền về nông thôn, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, kết hợp tuyên truyền trên diện rộng với vận động cá biệt; giáo dục người nghiện, gia đình người nghiện ma túy, các đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chính sách pháp luật của Ðảng, Nhà nước về phòng, chống ma túy; hậu quả, tác hại của ma túy; cách nhận biết các loại ma túy; phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy.
13/07/2023 17:33
Lượt xem: 225
1. Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin đúng, có giá trị giúp chính quyền kịp thời phát hiện tiêu cực, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý được xem xét khen thưởng theo quy định.
2. Cá nhân, tổ chức cung cấp, phản ánh thông tin không đúng sự thật, lợi dụng việc cung cấp thông tin qua phản ánh hiện trường để vụ lợi, gây rối hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, uy tín của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại (nếu có), xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
3. Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có thành tích trong công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin qua hệ thống thông tin phản ánh hiện trường được xem xét khen thưởng. Nếu thiếu trách nhiệm, vi phạm Quy định này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.