Chi tiết thông tin tin tức

Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm tại các dự án

ĐBP - Xác định công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, những năm qua cơ quan thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành, HÐND các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện sai phạm và kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng xử lý, chấn chỉnh đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục.

Trong quá trình thanh tra công trình nâng cấp, xây dựng chợ C13 giai đoạn II, đoàn thanh tra tỉnh phát hiện một số sai phạm.

Năm 2022 qua thanh tra 17 dự án tại 3 đơn vị của huyện Nậm Pồ (Phòng Giáo dục và Ðào tạo 1 dự án; Phòng Kinh tế - Hạ tầng 5 dự án và Ban Quản lý dự án các công trình huyện 11 dự án) với tổng mức đầu tư 113,206 tỷ đồng, đoàn công tác của Thanh tra tỉnh phát hiện nhiều sai phạm. Công tác lập dự toán xây dựng tại một số hạng mục công trình còn chưa chính xác, tính sai khối lượng, áp sai định mức đơn giá: tính thừa khối lượng lắp dựng cửa không khuôn (công trình Trụ sở xã Nậm Tin, Vàng Ðán); tính sai khối lượng bê tông xi măng lớp phủ, hạng mục cống bản công trình sửa chữa nâng cấp đường bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ. Tại trụ sở làm việc Ban Chỉ huy quân sự xã - Công an xã của 3 xã Nà Bủng, Na Cô Sa và Si Pa Phìn thi công thiếu khối lượng láng nền sân, hàng rào lưới thép B40… Công tác lập hồ sơ dự toán một số hạng mục còn tính sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá; công tác thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, đề nghị thanh toán chưa phát hiện hết các tồn tại, sai sót dẫn đến đề nghị thanh toán sai giá trị gần 552 triệu đồng.

Ðầu năm 2023, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra 40 dự án trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ với tổng mức đầu tư hơn 152 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án các công trình thành phố làm chủ đầu tư. Các dự án được thanh tra chủ yếu là các công trình sửa chữa, cải tạo các hạng mục cơ sở hạ tầng, như: Ðường giao thông, mương thoát nước, trụ sở làm việc, chợ dân sinh… Qua thanh tra phát hiện nhiều hạn chế, sai phạm như: Công tác lập, đề xuất chủ trương đầu tư đối với một số dự án chưa sát với thực tế, làm tăng chi phí đầu tư. Ðơn cử tại Dự án Nâng cấp đường, rãnh thoát nước bản Tà Lèng đoạn từ đầu bản đến sân bóng xã Thanh Minh, việc đánh giá hiện trạng đường bê tông để lập chủ trương đầu tư chưa sát với thực tế. Tương tự, Dự án Sửa chữa cải tạo đường, rãnh thoát nước tổ dân phố 9, 13, 14 phường Mường Thanh, việc xác định hiện trạng một số tuyến nhánh để lập chủ trương đầu tư chưa sát với thực tế; khi kiểm tra hiện trạng một số tuyến nhánh đang còn sử dụng tốt, cơ quan thẩm quyền đã cắt giảm không đầu tư với số tiền gần 1,5 tỷ đồng... Bên cạnh đó, công tác lập dự toán khảo sát tại một số dự án còn thiếu chính xác, sai khối lượng: Dự toán tính thừa công tác đo lưới khống chế mặt bằng, đường chuyền cấp II tại 4 công trình (sửa chữa đường giao thông tổ dân phố 1, 3, 9 phường Him Lam; sửa chữa, cải tạo đường, rãnh thoát nước tổ dân phố 9, 13, 14 phường Mường Thanh; đường bê tông nội bản Lọng Hỏm, xã Thanh Minh; đường bê tông bản Huổi Phạ) với số tiền hơn 30,2 triệu đồng; dự toán tính sai khối lượng khảo sát địa hình công trình tại 2 công trình (kè chống sạt lở hai bên bờ suối Nậm Rốm, đoạn chảy qua bản Huổi Hẹ, xã Nà Nhạn; đường bê tông, rãnh thoát nước tổ 2, 8, 9 phường Nam Thanh) với số tiền gần 15 triệu đồng; xác định dự toán đầu tư công trình nâng cấp, xây dựng chợ C13 giai đoạn II thiếu chính xác, dẫn đến tính sai chi phí tư vấn với số tiền hơn 20 triệu đồng... Ðoàn thanh tra kiến nghị thu hồi gần 366 triệu đồng số tiền sai phạm; điều chỉnh giảm giá trị gói thầu xây lắp hơn 186 triệu đồng và giảm trừ qua nghiệm thu, thanh toán các công trình hơn 225 triệu đồng. Ðồng thời, kiến nghị Ban Quản lý dự án TP. Ðiện Biên Phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn. Lựa chọn các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế lập dự án, tư vấn thẩm tra, giám sát có đủ năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng các hồ sơ, hạn chế các tồn tại sai sót. Xây dựng kế hoạch và đề xuất UBND thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án để thanh toán dứt điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ngoài các dự án trên, cơ quan thanh tra thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn ngành đã triển khai 47 cuộc thanh tra hành chính và 335 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Cùng đó, HÐND tỉnh tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề, thường xuyên về lĩnh vực đầu tư công. Qua thanh tra, giám sát đã phát hiện những sai phạm, từ đó kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 3,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 2 tỷ đồng, kiến nghị khác về kinh tế gần 1,5 tỷ đồng. Ðồng thời yêu cầu đơn vị chủ đầu tư khắc phục những tồn tại và sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án.

Bài, ảnh: Văn Tâm

 

Lượt xem: 202

Bình luận

Tin mới

[Infographic] 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
 

20/09/2024 16:56 208

Nghề làm giấy người mông Tủa Chùa

ĐBP - Tủa Chùa là huyện vùng cao, trong đó người Mông chiếm hơn 70%. Với địa hình núi đá, các bản làng người Mông thường phân tán, đường đi khó khăn. Chính vì vậy, trải qua quá trình sinh sống, phát triển lâu dài, người Mông nơi đây đã hình thành nhiều nghề tự cung tự cấp, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cuộc sống. Một trong số đó là nghề làm giấy và vẫn luôn được duy trì cho đến ngày nay.

Giấy tự làm thủ công được người Mông Tủa Chùa sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, từ phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày tới nhu cầu văn hóa tín ngưỡng.

Với các vùng miền khác nhau sẽ có kỹ thuật làm giấy khác nhau. Đối với nhiều nơi, nguyên liệu chính để làm giấy là từ cây giang non, còn đối với người Mông Tủa Chùa, giấy thủ công được làm từ cây dây nhớt với tỷ lệ làm ra khoảng 70% giấy. Cây dây nhớt rất dễ tìm, dễ thu hái, các khâu như đập dập, xay nhuyễn… đều không quá khó làm. Cây chỉ xuất hiện trong một mùa, vì vậy người dân thường thu hái nhiều nhất có thể, sau đó phơi khô, bảo quản thành nguyên liệu thô để dùng quanh năm.

Để tạo thành sản phẩm giấy phải trải qua nhiều công đoạn; đầu tiên sau khi lấy cây dây nhớt từ rừng về sẽ tách vỏ rồi đem luộc cùng tro bếp, càng ninh cùng nhiều tro bếp thì vỏ cây càng nhừ, thành phẩm làm ra càng trắng. Hỗn hợp sẽ được ninh khoảng 2 tiếng, khi vớt sẽ ngâm nước lạnh, giặt sạch sẽ rồi mang đi đập hoặc xay nhuyễn, sau đó pha với nước thành hỗn hợp đặc; đây là nguyên liệu tráng giấy của người Mông nơi đây.

Sau khi đã có nguyên liệu, người làm giấy sẽ tiến hành tráng hỗn hợp vào khuôn có chiều dài khoảng 2m; hỗn hợp được pha thêm cùng nước rồi rưới đều lên mặt khuôn, độ dày mỏng có đều hay không sẽ do sự khéo léo, đều tay của người làm giấy.

Khuôn làm giấy sau khi tráng sẽ được phơi nắng; sau khi khô sẽ là giấy thành phẩm với các đặc tính như dai, xốp và có màu trắng đục, bề mặt hơi nhám có những vết sần của gân vỏ cây đặc trưng của giấy thủ công dân tộc Mông.

Thông thường việc làm giấy trong cộng đồng dân tộc Mông sẽ do những người phụ nữ đảm nhiệm. Những tờ giấy thủ công được sử dụng để viết, trang trí nhà, cắt thành các hình thù sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng của đồng bào. Sản phẩm có chất lượng đẹp hay không thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ.

Xã hội ngày càng hiện đại nhưng không vì thế mà nghề làm giấy thủ công bị mai một. Tại Tủa Chùa, giấy thủ công là một trong các mặt hàng được bày bán tại các phiên chợ vùng cao. Kỹ thuật làm giấy được truyền dạy qua các thế hệ phụ nữ Mông như một thói quen thể hiện tâm ý, lòng thành kính trong các nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc.

Không chỉ được sử dụng để viết mà còn là vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ thờ cúng, tín ngưỡng.
Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dây nhớt.
Sau khi bóc vỏ ninh cùng tro bếp sẽ được giặt sạch, đập hoặc xay nhuyễn.
Vỏ cây dây nhớt làm không hết sẽ được phơi khô, tích trữ để sử dụng quanh năm.
Hỗn hợp làm giấy được pha loãng tráng vào khuôn và đem phơi khô.
Được tích trữ và sử dụng quanh năm.
Giấy người Mông có vết sần của gân cây và màu trắng đục đặc trưng.
Giấy thủ công được cắt thành các hình dạng nhất định dùng để trang trí, thờ cúng trong các ngày lễ tết quan trọng của dân tộc Mông.

 

Trần Nhâm

 

20/09/2024 16:54 166

Bộ Nội vụ đồng ý đề xuất nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán 2025

Bộ Nội vụ thống nhất với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 kéo dài 9 ngày.

Bộ Nội vụ có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, tết khác trong năm 2025.

Ảnh minh họa (Nguồn: Chi Mai).

Cụ thể, Bộ Nội vụ thống nhất chủ trương cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, từ ngày 25/1/2025 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Về đề xuất nghỉ lễ Quốc khánh, Bộ Nội vụ đồng tình phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 4 ngày, từ ngày 30/8/2025 đến hết ngày 2/9/2025.

Về nghỉ lễ ngày 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm sau, Bộ Nội vụ thống nhất phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày, từ ngày 30/4/2025 đến hết ngày 4/5/2025. Theo phương án này, cả nước thực hiện hoán đổi ngày làm việc thứ Sáu ngày 2/5/2025 sang thứ Bảy ngày 26/4/2025.

Bộ Nội vụ cũng thống nhất dự thảo văn bản gửi Thủ tướng, dự thảo Thông báo về việc nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, để trình Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động khu vực Nhà nước.

Theo ĐCSVN

 

20/09/2024 16:53 203

Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm