Chi tiết thông tin tin tức

Nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan hành chính nhà nước

ĐBP - Ðể nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Ðiện Biên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp một cách quyết liệt, bài bản. Trọng tâm là cải cách hành chính (CCHC), tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Ðiện Biên Ðông hướng dẫn công chức tư pháp xã Mường Luân rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp.

Xác định hiệu quả CCHC góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước các cấp, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chú trọng rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Ðồng thời, phân cấp, ủy quyền hợp lý, rành mạch trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp, đơn vị. Ðến nay, toàn tỉnh có 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, với 162 phòng, ban, tổ chức trực thuộc. Ðối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đã tổ chức kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với tổng số 128 phòng, ban.

Cùng với đó, các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính công khai minh bạch, kỷ cương hành chính, giảm thiểu chi phí về thời gian, kinh phí của cá nhân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân khi tiếp xúc với các cơ quan hành chính Nhà nước; hạn chế tối đa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi công vụ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chuẩn hóa và công bố mới 179 thủ tục hành chính; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế 150 thủ tục và rà soát, bãi bỏ 45 thủ tục hành chính đã hết hiệu lực. Ðồng thời, công khai, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia 329 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, phương pháp chỉ đạo, điều hành của sở, ngành, UBND các cấp được đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, chú trọng triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Những năm gần đây, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp tỉnh đã không ngừng được nâng lên, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện qua các năm. Ðiều này được thể hiện qua chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh (chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2022 xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 2 bậc so với năm 2021).

Thời gian qua, với việc triển khai quyết liệt công tác CCHC tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch theo đúng quy định; tư tưởng, tác phong làm việc thay đổi từ “cấp phép” sang chủ động “phục vụ”; cắt giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày làm việc theo quy định xuống còn 1,3 ngày làm việc. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tiếp nhận 980 hồ sơ thuộc các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hồ sơ trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ðã xử lý, giải quyết 969 hồ sơ, đang tiếp tục xử lý và lấy ý kiến các ngành 11 hồ sơ; các hồ sơ tiếp nhận và xử lý đúng quy trình, thời gian quy định; không có hồ sơ quá hạn giải quyết.

Không chỉ Sở Kế hoạch và Ðầu tư, qua kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử quý II/2023, có 17/18 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh thực hiện. Trong đó 16 đơn vị xếp loại từ khá trở lên; đối với cấp huyện 10/10 địa phương xếp loại khá trở lên. Cùng đó, chỉ số CCHC năm 2022 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện được cải thiện đáng kể. Tỉ lệ điểm trung bình của 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là gần 82%, tăng gần 2% điểm so với năm 2021. Tỉ lệ điểm trung bình của cấp huyện là hơn 81%, tăng 0,44% so với năm 2021; trong đó, 10/10 huyện, thị, thành phố đều đạt mức khá trở lên.

Cung cách phục vụ người dân, doanh nghiệp của bộ máy chính quyền đã thay đổi rõ nét, không chỉ thể hiện qua sự thay đổi điểm số, chỉ số mà thay đổi từ hành động. Chính quyền có thư xin lỗi người dân khi những công việc hành chính giải quyết không đúng hẹn; chính quyền có thư cảm ơn khi những góp ý của người dân là đúng đắn, hợp lý.

Ðơn cử, cuối năm 2022, UBND xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn của chị Ðàm Khánh Dương (xã Thanh Luông). Tuy nhiên trong quá trình giải quyết hồ sơ cho công dân do đường truyền mạng chậm, nên không trả kết quả ngay cho công dân trong ngày. Bên cạnh đó, khi giải thích cho người dân, bản thân công chức tư pháp nóng nảy, chưa đúng chuẩn mực của công chức, gây nên sự hiểu nhầm. Trước sự việc đó, UBND xã Thanh Luông đã chấn chỉnh công chức và có phiếu xin lỗi chị Dương.

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian tới các cấp, ngành cần sớm khắc phục một số hạn chế như: Một số văn bản vẫn còn những quy định chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa phù hợp thực tế; công tác CCHC một số nơi chậm, hiệu quả thấp; một số cán bộ, công chức bất cập về trình độ chuyên môn và năng lực...

Văn Tâm

 

Lượt xem: 168

Bình luận

Tin mới

[Infographic] 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
 

20/09/2024 16:56 208

Nghề làm giấy người mông Tủa Chùa

ĐBP - Tủa Chùa là huyện vùng cao, trong đó người Mông chiếm hơn 70%. Với địa hình núi đá, các bản làng người Mông thường phân tán, đường đi khó khăn. Chính vì vậy, trải qua quá trình sinh sống, phát triển lâu dài, người Mông nơi đây đã hình thành nhiều nghề tự cung tự cấp, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cuộc sống. Một trong số đó là nghề làm giấy và vẫn luôn được duy trì cho đến ngày nay.

Giấy tự làm thủ công được người Mông Tủa Chùa sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, từ phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày tới nhu cầu văn hóa tín ngưỡng.

Với các vùng miền khác nhau sẽ có kỹ thuật làm giấy khác nhau. Đối với nhiều nơi, nguyên liệu chính để làm giấy là từ cây giang non, còn đối với người Mông Tủa Chùa, giấy thủ công được làm từ cây dây nhớt với tỷ lệ làm ra khoảng 70% giấy. Cây dây nhớt rất dễ tìm, dễ thu hái, các khâu như đập dập, xay nhuyễn… đều không quá khó làm. Cây chỉ xuất hiện trong một mùa, vì vậy người dân thường thu hái nhiều nhất có thể, sau đó phơi khô, bảo quản thành nguyên liệu thô để dùng quanh năm.

Để tạo thành sản phẩm giấy phải trải qua nhiều công đoạn; đầu tiên sau khi lấy cây dây nhớt từ rừng về sẽ tách vỏ rồi đem luộc cùng tro bếp, càng ninh cùng nhiều tro bếp thì vỏ cây càng nhừ, thành phẩm làm ra càng trắng. Hỗn hợp sẽ được ninh khoảng 2 tiếng, khi vớt sẽ ngâm nước lạnh, giặt sạch sẽ rồi mang đi đập hoặc xay nhuyễn, sau đó pha với nước thành hỗn hợp đặc; đây là nguyên liệu tráng giấy của người Mông nơi đây.

Sau khi đã có nguyên liệu, người làm giấy sẽ tiến hành tráng hỗn hợp vào khuôn có chiều dài khoảng 2m; hỗn hợp được pha thêm cùng nước rồi rưới đều lên mặt khuôn, độ dày mỏng có đều hay không sẽ do sự khéo léo, đều tay của người làm giấy.

Khuôn làm giấy sau khi tráng sẽ được phơi nắng; sau khi khô sẽ là giấy thành phẩm với các đặc tính như dai, xốp và có màu trắng đục, bề mặt hơi nhám có những vết sần của gân vỏ cây đặc trưng của giấy thủ công dân tộc Mông.

Thông thường việc làm giấy trong cộng đồng dân tộc Mông sẽ do những người phụ nữ đảm nhiệm. Những tờ giấy thủ công được sử dụng để viết, trang trí nhà, cắt thành các hình thù sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng của đồng bào. Sản phẩm có chất lượng đẹp hay không thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ.

Xã hội ngày càng hiện đại nhưng không vì thế mà nghề làm giấy thủ công bị mai một. Tại Tủa Chùa, giấy thủ công là một trong các mặt hàng được bày bán tại các phiên chợ vùng cao. Kỹ thuật làm giấy được truyền dạy qua các thế hệ phụ nữ Mông như một thói quen thể hiện tâm ý, lòng thành kính trong các nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc.

Không chỉ được sử dụng để viết mà còn là vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ thờ cúng, tín ngưỡng.
Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dây nhớt.
Sau khi bóc vỏ ninh cùng tro bếp sẽ được giặt sạch, đập hoặc xay nhuyễn.
Vỏ cây dây nhớt làm không hết sẽ được phơi khô, tích trữ để sử dụng quanh năm.
Hỗn hợp làm giấy được pha loãng tráng vào khuôn và đem phơi khô.
Được tích trữ và sử dụng quanh năm.
Giấy người Mông có vết sần của gân cây và màu trắng đục đặc trưng.
Giấy thủ công được cắt thành các hình dạng nhất định dùng để trang trí, thờ cúng trong các ngày lễ tết quan trọng của dân tộc Mông.

 

Trần Nhâm

 

20/09/2024 16:54 166

Bộ Nội vụ đồng ý đề xuất nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán 2025

Bộ Nội vụ thống nhất với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 kéo dài 9 ngày.

Bộ Nội vụ có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, tết khác trong năm 2025.

Ảnh minh họa (Nguồn: Chi Mai).

Cụ thể, Bộ Nội vụ thống nhất chủ trương cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, từ ngày 25/1/2025 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Về đề xuất nghỉ lễ Quốc khánh, Bộ Nội vụ đồng tình phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 4 ngày, từ ngày 30/8/2025 đến hết ngày 2/9/2025.

Về nghỉ lễ ngày 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm sau, Bộ Nội vụ thống nhất phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày, từ ngày 30/4/2025 đến hết ngày 4/5/2025. Theo phương án này, cả nước thực hiện hoán đổi ngày làm việc thứ Sáu ngày 2/5/2025 sang thứ Bảy ngày 26/4/2025.

Bộ Nội vụ cũng thống nhất dự thảo văn bản gửi Thủ tướng, dự thảo Thông báo về việc nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, để trình Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động khu vực Nhà nước.

Theo ĐCSVN

 

20/09/2024 16:53 203

Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm