ĐBP - Ðồng hành cùng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát huy nội lực, mở rộng sản xuất kinh doanh, thời gian qua chính quyền các cấp, ngành chức năng đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tạo điều kiện cho công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển.
Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn được hỗ trợ đầu tư máy móc tiên tiến; tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã tạo chuyển biến tích cực trong hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như Công ty TNHH Hoàng Ánh (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa) được thụ hưởng Ðề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung với tổng giá trị 1,59 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 234 triệu đồng giúp doanh nghiệp đầu tư thiết bị DMC line 4 trong dây chuyền sản xuất. Nhờ hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến, tự động cao đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí. Hiện nay, dây chuyền sản xuất của đề án hoạt động ổn định, bình quân đạt từ 1,2 - 1,6 vạn viên gạch/ngày, dây chuyền có thể đạt tối đa công suất thiết kế từ 8 - 10 triệu viên/năm. Hay Công ty TNHH Hải An (thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng) cũng được đầu tư hệ thống máy rang, xay cà phê hiện đại công suất 100kg/mẻ. Ðây là hệ thống hiện đại, tiên tiến có tổng giá trị đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng và được nhập khẩu phụ tùng từ Italia.
Thực hiện Quyết định 136/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Từ đó, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi. Sự hỗ trợ của công tác khuyến công đã giúp hình thành các chuỗi liên kết, chế biến sâu nông sản; người dân được tiêu dùng sản phẩm chất lượng. Ðồng thời, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn; gia tăng nội lực trong sản xuất cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, ngành Công Thương đã triển khai 2 đề án khuyến công quốc gia gồm: Ðề án nhóm Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến quả mắc ca; hỗ trợ ứng dụng dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến gạo. Ðồng thời rà soát, hoàn thiện 3 đề án khuyến công địa phương; đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia cho 1 cơ sở (sản phẩm Váy hoa văn con công chất liệu tơ tằm của HTX Thổ cẩm Lào Na Sang II). Ngoài ra, ngành cũng triển khai thực hiện hoạt động tư vấn các dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp thương mại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.600 cơ sở công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho khoảng 9.200 lao động. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 14%/năm, tương ứng trên 5.000 tỷ đồng. Ðể đạt mục tiêu này, ngành Công Thương đang chú trọng thực hiện các giải pháp khuyến công giai đoạn 2021 - 2025, trong đó kinh phí thực hiện dự kiến trên 23 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cho 8 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 30 cơ sở đầu tư, cải tiến, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất; xây dựng 5 mô hình trình diễn sản phẩm mới, công nghệ mới; nhân rộng 5 mô hình đang hoạt động hiệu quả. Ðồng thời, rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chú trọng hỗ trợ các ngành, nghề đang có xu hướng phát triển; tập trung cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các ngành nghề như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa và các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
07/08/2023 17:29
Lượt xem: 223