ĐBP - Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một trong những mốc son chói lọi đã đi vào lịch sử, in sâu vào tâm thức dân tộc như một “ngọn lửa” sáng mãi của lòng yêu nước, của niềm tin vào Ðảng. Phát huy tinh thần đó, những năm qua Ðảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã nguyện kế tục sự nghiệp cách mạng hào hùng của thế hệ cha ông, nỗ lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nơi cực Tây Tổ quốc...
Ông Cà Văn Phương, Trưởng bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên)
Lấy dân làm gốc trong xây dựng nông thôn mới
“Cách mạng Tháng Tám và bài học lấy dân làm gốc” đang được phát huy trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Bài học ấy càng trở nên quan trọng, góp phần giúp nhân dân các dân tộc bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) đạt nhiều thành tựu trong xây dựng NTM.
Với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, cấp ủy chính quyền bản Co Mỵ luôn lấy dân làm gốc; đẩy mạnh việc tuyên truyền, gần dân, sát dân, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân. Từ đó huy động tối đa sức mạnh của nhân dân làm đòn bẩy trong xây dựng NTM.
Với ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, sản xuất nông nghiệp của bản tiếp tục phát triển ổn định. Co Mỵ đã tập trung đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế. Ðẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, phát triển rau màu, luân canh cây màu với lúa để nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích. Ðặc biệt, từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhân dân các dân tộc bản Co Mỵ đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi thu nhập cao, góp phần xây dựng NTM (hiện cả bản chỉ còn 6/154 hộ nghèo).
Nhất quán phương châm “Làm từ hộ gia đình đến thôn xóm”, lấy hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM, nhân dân trong bản đã tích cực hiến kế, hiến công, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi (nhà văn hóa, đường giao thông...). Ðể tạo cảnh làng bản xanh - sạch - đẹp, nhân dân tích cực dọn dẹp vệ sinh, xây dựng chuồng trại cách xa nhà ở, giữ gìn môi trường chung, tu bổ nhà cửa, cổng ngõ, tường rào sáng bản, sáng mường...
Ðại úy Ðỗ Xuân Ðiềm, Chính trị viên phó, Ðồn Biên phòng Na Cô Sa
Bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc
Ðóng quân trên địa bàn xã biên giới (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ), Ðồn Biên phòng Na Cô Sa được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài 17,369km. Phát huy truyền thống lịch sử Cách mạng Tháng Tám, để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và giữ bình yên biên giới, trên cương vị là Chính trị viên phó, Bí thư chi đoàn, tôi đã cùng cấp ủy, chi bộ và Ban Chỉ huy Ðồn lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Với tinh thần “Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, kế tục truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi không quản ngại gian khó bám bản, bám biên giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Ðể giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, Ban chỉ huy Ðồn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; sử dụng các giống lúa nước, lúa nương cho năng suất, chất lượng cao; đưa các cây trồng mới (sa nhân, bưởi, cam, mít, mận) vào sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ðồng thời, cử các tổ công tác xuống cơ sở, tích cực hướng dẫn bà con xây dựng nhiều mô hình kinh tế; khai hoang, thâm canh tăng vụ, làm thủy lợi, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển trang trại, kinh tế vườn rừng...
Ðơn vị cũng khớp nối với nhiều tổ chức, tấm lòng nhân ái hỗ trợ, thăm khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân (vận động ủng hộ, trao tặng 400 chiếc chăn ấm cho học sinh; triển khai mô hình “tay kéo Biên phòng” cắt tóc miễn phí cho 350 lượt nhân dân và học sinh...). Phần thưởng có ý nghĩa lớn nhất đối với tôi chính là sự bình yên của địa bàn được giữ vững; đời sống đồng bào địa phương được nâng cao; bà con tin tưởng, đồng lòng cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia...
Ðoàn viên Lò Văn Phong, bản Phai Mướng, xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo)
Cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương
“Cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi biết đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 qua những thước phim, bài học lịch sử, qua lời kể của các bậc cha ông. Tôi hiểu rằng, Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất, một điểm sáng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ðể có được thành quả đó, thế hệ cha anh đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu. Vì thế, với trách nhiệm của tuổi trẻ tôi nguyện nỗ lực phấn đấu, tiếp nối truyền thống cách mạng để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi, đất đai rộng lớn. Năm 2010, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng, cộng thêm số tiền tích góp để xây dựng chuồng trại và mua 4 con bò sinh sản về nuôi. Khi đó, bản thân chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, chi phí giống cao; thời gian đầu rất khó khăn. Ðể đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, tôi đã tìm đọc thêm sách về kỹ thuật, tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, áp dụng vào chính đàn bò của gia đình. Từ quá trình dày công tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, nhờ vậy vật nuôi phát triển khỏe mạnh, chất lượng tốt. Thời điểm cao nhất tổng đàn lên đến hơn 70 con, mang lại nguồn thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm. Tôi cũng đã lặn lội sang tỉnh Lào Cai tìm hiểu và mua giống cây quế về trồng với diện tích hơn 2ha. Hiện tại, cây quế sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao trong những năm tới.
Từ thành công trong lập thân, lập nghiệp của mình, tôi tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ người dân, đặc biệt là đội ngũ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi bò; vận động mọi người cùng tham gia. Tôi hi vọng thành công của mô hình không chỉ hỗ trợ người dân, đoàn viên, thanh niên tạo sinh kế ổn định mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ, từ đó đóng góp một phần công sức để xây dựng và phát triển quê hương. Ðó cũng là cách để tôi cũng như các bạn trẻ tiếp nối và nhân lên giá trị của Cách mạng Tháng Tám”.
Giàng Nguyễn Thu Hà, Bí thư Ðoàn Sở Kế hoạch và Ðầu tư
Cống hiến và trách nhiệm với cộng đồng
Là thế hệ thanh niên Việt Nam được sinh ra, lớn lên trong hòa bình, tôi luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Vì vậy, tôi xác định phải nỗ lực phấn đấu, có trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cương vị là Bí thư Ðoàn thanh niên, tôi đã luôn nỗ lực xung kích đi đầu, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Ðặc biệt, cùng với ÐVTN cơ quan tôi tích cực vận động, khớp nối với các tổ chức, quyên góp máy tính và nhiều suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
Thấm nhuần truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tôi và ÐVTN cơ quan đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thăm các “địa chỉ đỏ”; góp phần cùng với chính quyền chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần và sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám năm xưa, tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
17/08/2023 10:42
Lượt xem: 214