Điện Biên TV - Dù đã hơn 19 tháng từ ngày phát lệnh khởi công tháng 1/2022, nhưng đến nay, nhiều gói thầu thuộc dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực hay còn gọi là (dự án Đường động lực) vẫn chưa thể thi công vì không giải phóng được mặt bằng; sự chậm chễ, bất cập này không chỉ làm chậm tiến độ thi công dự án, đó còn là nguy cơ tồn đọng vốn đầu tư công trong năm 2023. Vậy, nguyên nhân do đâu?
Các gói thầu số 4, số 5, số 6 thuộc phân tuyến đường nằm trong phạm vi quy hoạch Khu trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Điện Biên, mặc dù các đơn vị nhà thầu đã triển khai xây dựng nhà điều hành, dự trữ đất đắp, tiến hành đúc cấu kiện như: Bó vỉa, đế cống, ống cống,... Nhưng, nhiều tháng qua, các đơn vị thi công của các gói thầu này đều không thể triển khai thi công vì chưa bàn giao được mặt bằng. Trong đó nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm chễ này chủ yếu là vướng mắc trong việc xác minh nguồn gốc đất, quy chủ đất, cũng như cơ chế về hỗ trợ, đền bù...
Dự án Đường động lực có tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ, thuộc dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II. Trong đó, tổng số hộ dân có đất và tài sản trên đất phải thu hồi, bồi thường để GPMB cho 6 gói thầu nằm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ là trên 400 hộ dân, 8 tổ chức và 147 ngôi mộ, tổng diện tích đất phải thu hồi là trên 31ha.
Nhà thầu đã chuẩn bị các điều kiện để thi công song không thể tiến hành do không có mặt bằng. |
Tính đến nay công tác kiểm đếm cây cối hoa màu, tài sản trên đất,… đã cơ bản được hoàn thành. Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân mới chỉ được gần 90 hộ và 47 ngôi mộ. Trong khi số hộ chưa có phương án bồi thường, chưa nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng là rất lớn.
“Về phía Ban QLDA chúng tôi rất tích cực phối hợp cùng với UBND thành phố và phòng chức năng trực tiếp làm việc với các hộ dân có đất bị thu hồi để tuyên truyền về chế độ chính sách. Tuy nhiên do một số vướng mắc dẫn đến tiến độ GPMB rất chậm, ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án.” - ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các Công trình Giao thông tỉnh Điện Biên, cho biết.
Không chỉ có các gói thầu số 4, 5, 6, mà hiện nay nhiều gói thầu khác thuộc dự án Đường động lực cũng đang gặp tình trạng chung là không có mặt bằng để thực hiện thi công. Điển hình là tại các gói thầu thuộc tuyến nhánh 2 từ xã Thanh Chăn đi quốc lộ 12 kết nối với bản Pôm La, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Gói thầu xây lắp cầu qua sông Nậm Rốm thuộc dự án Đường động lực đã hoàn thành được hơn 8 tháng nhưng các gói thầu đường dẫn, kết nối với cầu thì chưa thể thi công vì không giải phóng được mặt bằng. |
Tại tuyến nhánh này, mặc dù gói thầu xây lắp cầu qua sông Nậm Rốm đã hoàn thành được hơn 8 tháng, trong khi các gói thầu đường dẫn, kết nối với cầu thì chưa thể thi công vì không giải phóng được mặt bằng; trong đó nguyên nhân chính vẫn chủ yếu là do chính sách hỗ trợ, đền bù.
Sau 2 đợt kiểm tra và làm việc với các sở, ngành, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên về tiến độ thực hiện các dự án, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận: Tiến độ thực hiện dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ được duyệt, dẫn đến nguy cơ tồn đọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong khi công tác phối hợp giữa các phòng, ban, chính quyền cấp xã, phường trực thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt, tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp giải phóng mặt bằng chưa cao.
Với những khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong công tác GPMB cho dự án Đường động lực là đã rõ. Vậy, để đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án vào năm 2024, điều này không gì khác là các sở, ngành tỉnh, nhất là chính quyền thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ; nếu không dự án chậm tiến độ vì không giải phóng được mặt bằng sẽ vẫn hiện hữu./.
Văn Phú - Duy Hưng - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN
18/08/2023 15:17
Lượt xem: 293