ĐBP - Đến hẹn lại lên, tháng 8 - mùa nhãn chín, các lò chế biến long nhãn tại các xã: Noong Hẹt, Thanh An, Pom Lót (huyện Điện Biên) lại đỏ lửa. Tuy nhiên, khác với không khí sôi nổi, hứng khởi mọi năm, năm nay mặc dù giá nhãn tươi rẻ song các chủ lò long lại đốt lò muộn hơn, đồng thời giảm quy mô sản xuất, vừa làm vừa nghe ngóng thị trường. Lý do bởi thị trường long nhãn đã có dấu hiệu bão hòa, thương lái thu mua ít, giá long nhãn lên xuống thất thường.
Pom Lót là xã có truyền thống làm nghề chế biến long nhãn của huyện Điện Biên. Có vụ, xã có 10 - 12 hộ chế biến long nhãn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Mỗi vụ nhãn, toàn xã chế biến khoảng vài chục tấn long nhãn. Tuy nhiên, năm nay không khí làm long nhãn tại các lò long trên địa bàn xã trầm lắng hơn hẳn. Đang chính vụ nhãn song cả xã chỉ có 5 lò long hoạt động và cũng không hoạt động hết công suất. Thậm chí, có hộ chỉ đốt lò long 7 - 10 ngày là tắt lửa, vùi than.
Ông Vũ Văn Minh, đội 9, xã Pom Lót làm nghề chế biến long nhãn từ năm 1998. Với 25 năm làm nghề, đến nay ông Minh đã sở hữu 3 lò chế biến long nhãn với công suất 3 tấn/mùa. Mặc dù chỉ là thời vụ song nghề chế biến long nhãn đã giúp gia đình ông Minh tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đồng thời tạo việc làm cho hàng chục người dân trong đội 9. Mùa nhãn năm nay, ông Minh vẫn tiếp tục công việc thường niên, song đốt lò muộn hơn và chỉ đốt 2 trong số 3 lò.
Ông Vũ Văn Minh cho biết: Nghề chế biến long nhãn ngày càng khó khăn. Mấy năm gần đây, làm nghề luôn thua lỗ vì giá long xuống thấp trong khi chi phí đầu vào đều tăng. Năm 2022, khi các vườn nhãn mới ra hoa, tôi đã đi tìm và đặt mua cả vườn để tạo vùng nguyên liệu cho các lò long hoạt động. Thời điểm nhãn chín gặp thời tiết bất lợi, mưa lớn kéo dài khiến quả nhãn rụng rất nhiều. Có vườn nhãn mua 8 triệu đồng chỉ thu hoạch được khoảng 40%; thậm chí mất trắng vườn nhãn mua 6 triệu đồng từ đầu vụ. Trong khi đó, giá than, giá thuê người bẻ nhãn, thuê người xoáy nhãn đều tăng còn giá long nhãn thành phẩm xuống thấp không đủ bù chi phí đầu tư. Do đó, vụ nhãn năm nay, tôi đốt lò muộn hơn 10 ngày so với những vụ trước; tôi cũng không mua nhãn vườn mà chuyển sang mua nhãn cân và chỉ đốt 2 lò long.
Sản phẩm long nhãn chủ yếu được bán sang thị trường Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc bị hạn chế, sản phẩm thường rớt giá rất nhanh. Đầu vụ nhãn năm nay, giá long nhãn thương lái nhập khoảng 135.000 - 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên vào chính vụ, giá giảm xuống còn 110.000 đồng/kg. Theo tính toán, chi phí đầu tư để có 1kg long nhãn khoảng 80.000 đồng (chưa tính công lao động của chủ lò long), gồm: 30.000 đồng nhãn tươi; 30.000 đồng công xoáy nhãn, 20.000 đồng tiền than đốt lò. Lợi nhuận thu được thấp so với chi phí bỏ ra. Chính vì vậy, một vài lò long chỉ sản xuất trong 15 ngày đầu vụ thay vì sản xuất 1 tháng như những năm trước.
Anh Lê Văn Tình, chủ lò long nhãn ở đội 1, xã Pom Lót cho biết: Năm nay, nhãn tươi được mùa mà giá lại rẻ tuy nhiên nếu lò long nào tham mua cả vườn thì khả năng thua lỗ rất cao. Bởi vì sản phẩm long nhãn bán được hay không phụ thuộc hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Hiện nay, thị trường đang chững, giá long giảm sâu trong khi giá than đá rất cao. Năm nay hầu như chủ lò nào cũng vừa làm vừa nghe ngóng, không dám mạo hiểm đầu tư nhiều. Riêng nhà tôi, những năm trước đều đốt hết công suất 3 lò long nhưng năm nay tôi chỉ đốt 2 lò, sản xuất cầm chừng hơn mọi năm. Dự kiến sản lượng long năm 2023 đạt khoảng 2 tấn.
Giá long nhãn xuống thấp, thị trường bấp bênh khiến nghề chế biến long nhãn ở xã Pom Lót đang giảm quy mô, sản lượng. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Luyển, Phó Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Nghề chế biến long nhãn đã hình thành và phát triển ở xã Pom Lót từ nhiều năm nay. Cách đây 5 - 7 năm, các lò lòng hoạt động rất mạnh, sản phẩm dễ bán, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, số lượng hộ tham gia sản xuất long nhãn có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân là do diện tích vườn nhãn trên địa bàn xã bị thu hẹp; thương lái thu mua ít, giá long nhãn thấp. Bên cạnh đó, những năm gần đây tỉnh Sơn La phát triển mạnh mẽ diện tích vườn nhãn, đầu tư nhà xưởng, dây chuyền công nghệ hiện đại nên sản phẩm long nhãn có chất lượng và tính cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm ở Điện Biên.
Tương tự xã Pom Lót, các lò long nhãn tại xã Noong Hẹt cũng hoạt động cầm chừng. Theo thống kê sơ bộ, năm nay toàn xã có chưa đến 10 lò sản xuất long nhãn hoạt động, ít nhất trong nhiều năm qua.
Chúng tôi đến thăm lò sản xuất long nhãn của ông Hà Duy Tình, thôn Tân Lập, xã Noong Hẹt. Ông Tình vừa đóng gói long nhãn vừa chia sẻ: “Mùa long nhãn năm nay thực sự khó khăn. Bên cạnh giá thấp, chi phí đầu tư cao, cơ sở của tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê lao động xoáy long. Các cháu học sinh đã đi học, đi làm hết; người dân cũng không mấy mặn mà dẫn đến thiếu người làm. Chính vì vậy, năm nay, tôi chỉ đốt 2 trong số 4 lò long nhãn”.
Các lò long nhãn sản xuất cầm chừng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của các chủ vườn nhãn trên địa bàn huyện Điện Biên. Chị Cà Thị Duyên, bản Bông, xã Noong Hẹt cho biết: Gia đình tôi có 20 cây nhãn cho thu hoạch. Những năm trước, khi vườn nhãn mới bắt đầu ra hoa đã có nhiều người đến hỏi mua cả vườn hoặc mua theo cây. Tuy nhiên, năm nay nhãn được mùa mà không thấy ai đến hỏi mua. Do đó, gia đình tôi phải tự thu hoạch đi bán ở chợ hoặc chở đến tận lò sản xuất long nhãn để bán. Dự ước sản lượng vườn nhãn khoảng 8 tạ quả, đã thu hoạch được khoảng 60%. Nhãn được mùa nhưng giá rất rẻ, bán tại lò long chỉ được 3.000 đồng/kg; thu nhập từ vườn nhãn năm nay giảm so với mọi năm.
21/08/2023 13:57
Lượt xem: 305