Hành trình từ Lào về điểm cực Tây A Pa Chải
Thiếu tá, Bác sĩ Bùi Ngọc Quang đang công tác tại Đồn Biên phòng A Pa Chải. Bác sĩ quân hàm xanh Bùi Ngọc Quang bắt đầu nhiệm vụ tại A Pa Chải từ tháng 9/2023. Trước đó, ông từng thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào trong hơn 2 năm, phục vụ tại phòng khám của Việt Nam đặt tại nước bạn. Với hơn 30 năm công tác, trong đó 14 năm gắn bó với Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), bác sĩ Quang đã không ngừng học hỏi và cống hiến.
Tại Lào, ông không chỉ đảm nhiệm vai trò bác sĩ mà còn phụ trách các nhiệm vụ quan trọng khác do đơn vị giao phó. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn vì rào cản ngôn ngữ, ông phải làm việc với sự hỗ trợ của các sinh viên Lào từng học y tế tại Việt Nam. Dần dần, bác sĩ Quang tự học và sử dụng thành thạo các thuật ngữ chuyên ngành và giao tiếp hàng ngày.
Khi kết thúc nhiệm vụ tại Lào, bác sĩ Quang đã được chuyển công tác đến Đồn Biên phòng A Pa Chải - nơi đặc biệt với ý nghĩa là điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi ngã ba biên giới "con gà gáy 3 nước cùng nghe". Ông mong muốn những năm cuối trong sự nghiệp tiếp tục cống hiến tại mảnh đất đặc biệt này trước khi nghỉ hưu. "Với ngần ấy năm công tác trong quân ngũ, tuy nhiên tôi chưa có cơ hội được đến điểm cực Tây A Pa Chải. Sau khi kết thúc thời gian công tác tại Lào, bản thân tôi đã đề xuất xin được về công tác tại đây để được công tác, sinh sống ở mảnh đất đặc biệt của Tổ quốc trong quãng thời gian ít năm trước khi nghỉ công tác" - bác sĩ Quang chia sẻ.
Tại A Pa Chải, điều kiện địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt về giao thông và tiếp cận y tế. Nhiều người dân từ các bản xa phải đến gặp quân y của Đồn để khám và chữa bệnh thay vì đến trạm y tế xã do khoảng cách, đường đi tương đối xa. Trong sự nghiệp của mình, bác sĩ Quang đã để lại dấu ấn với những ca chữa bệnh đặc biệt. Đơn cử trường hợp hai bệnh nhân bị hoại tử tay và chân khá nặng, ông đã chữa trị thành công, mang lại sức khỏe và sự biết ơn từ người dân.
Bác sĩ Quang bồi hồi kể lại: "Có rất nhiều ca khám chữa bệnh để lại kỷ niệm khó quên, trong số đó khi đang công tác ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (đóng quân tại huyện Mường Chà), tôi đã khám chữa cho 2 trường hợp bị viêm nhiễm bàn chân và bàn tay, bị hoại tử khá nặng. Hai bệnh nhân này khi đến trạm y tế xã và được giới thiệu lên tuyến cao hơn. Tuy nhiên do không có điều kiện nên bệnh nhân không thể đi tới tuyến huyện, tuyến tỉnh. Sau đó người dân đã tìm đến tôi và tôi đã chữa thành công cho 2 trường hợp này. Đến thời điểm này họ vẫn nhớ đến và biết ơn tôi. Đây là một trong những ca chữa bệnh thành công khiến tôi không bao giờ quên được".
30 năm quân ngũ, bác sĩ Quang chưa từng về quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đón Tết Nguyên đán vì xa xôi và đặc thù công việc. Từ khi nhập ngũ, ông đã gắn bó với mảnh đất Điện Biên, coi mảnh đất địa đầu này như quê hương thứ hai của mình. "Nhà tôi đông anh em, có 6 người con, trong số đó 4 anh em ở lại quê nhà, tôi thì quyết định đi theo anh trai lên Điện Biên. Từ thời điểm là chiến sĩ, sau đó là khi học xong và đến thời điểm này tôi đều sinh sống ở mảnh đất Tây Bắc này".
Người lính quân y tại tâm dịch Covid-19
Thiếu tá, Bác sĩ quân y Đào Thế Anh công tác ở Đồn Biên phòng Mường Nhé và đang tăng cường tới Đồn Biên phòng Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé). Với 31 năm gắn bó trong quân ngũ, ông luôn là hình mẫu của tinh thần dấn thân và trách nhiệm.
Năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại các tỉnh miền Nam, bác sĩ Thế Anh đã viết đơn tình nguyện lên đường vào tâm dịch. Ông chia sẻ: "Là người lính, xác định học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ở đâu khó, ở đó có bộ đội. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong tình cảnh bà con miền Nam đang chống chọi với đại dịch, tôi sẵn sàng lên đường cùng đồng đội, đồng nghiệp hỗ trợ đồng bào".
Trong thời gian làm việc tại bệnh viện dã chiến, ông đối mặt với nhiều khó khăn, từ điều kiện sinh sống, khám chữa bệnh thiếu thốn đến áp lực tinh thần. Nhưng vượt qua tất cả, ông đã cùng đồng đội hỗ trợ hết mình, mang lại sức khỏe và niềm tin cho người dân. Kết thúc nhiệm vụ hỗ trợ phòng chống, dập dịch Covid-19, bác sĩ Đào Thế Anh đã được Bộ Quốc phòng và UBND TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen ghi nhận sự cống hiến của ông.
Tại khu vực biên giới Tây Bắc, bác sĩ Thế Anh tiếp tục đảm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và bà con vùng sâu, vùng xa. Ông nhận thấy đời sống hiện tại đã được cải thiện hơn trước nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe. "Đời sống của cán bộ chiến sĩ và bà con ở khu vực biên giới Tây Bắc đặc biệt ở vùng sâu vùng xa thời xưa thiếu thốn rất nhiều về thuốc men; đường sá, cơ sở vật chất khó khăn. Đến thời điểm này đời sống người dân đã được cải thiện tốt hơn. Người quân y luôn đảm nhiệm vai trò phục vụ bà con, cán bộ chiến sĩ trên khu vực đóng quân; nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, bà con vẫn bị hạn chế trong tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe".
Theo bác sĩ Đào Thế Anh, công việc của bác sĩ quân y không chỉ chữa bệnh mà còn gắn kết tình cảm, xây dựng niềm tin giữa quân đội và nhân dân. "Với tôi, người lính quân y nói riêng và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nói chung luôn mang trong mình một trách nhiệm lớn lao. Ngoài việc đảm nhiệm bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc hay khám chữa bệnh, chăm lo sức khoẻ cho đồng đội, người dân thì chúng tôi còn là cầu nối gắn kết tình cảm, giúp bà con nhân dân xây dựng niềm tin vào Đảng và Nhà nước".
Hai câu chuyện, hai hành trình khác nhau nhưng chung một lý tưởng cao đẹp: Cống hiến hết mình vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân. Những thầy thuốc quân hàm xanh như Thiếu tá Bùi Ngọc Quang và Thiếu tá Đào Thế Anh là những người hùng thầm lặng, viết nên trang sử đáng tự hào cho ngành quân y, lực lượng bộ đội biên phòng.
Bài, ảnh: Thu Thảo
20/12/2024 19:48
Lượt xem: 155