Quản lý, bảo vệ khu vực rừng giáp ranh gặp nhiều khó khăn nhất là phòng chống cháy rừng mùa hanh khô. Chủ động trong công việc, cao điểm dịp trước, trong và sau tết, các đơn vị chức năng và chủ rừng lên kế hoạch, phối hợp thực hiện quản lý khu vực rừng giáp ranh.
Xã biên giới Pa Thơm, huyện Ðiện Biên có tổng diện tích tự nhiên hơn 8.909ha, trong đó trên 7.502ha có rừng. Độ che phủ rừng đạt hơn 84,2%. Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức bảo vệ rừng của người dân, cộng đồng khu vực giáp ranh, tháng 11 vừa qua, tại bản Pa Thơm, gần 100 người dân đang sinh sống tại bản Pa Thơm và cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (CHDCND Lào) đã tham dự phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống cháy rừng" do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Điện Biên phối hợp tổ chức.
Ông Tòng Văn Linh, trưởng bản Pa Thơm cho biết, ngay sau lễ phát động, các hộ dân trong bản Pa Thơm đã ký cam kết tham gia bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2024 - 2025. Nội dung cam kết gồm: Không phá rừng làm nương; không đốt lửa, sử dụng lửa bừa bãi trong rừng; không chặt cây tươi làm củi, không buôn bán củi; làm đường băng cản lửa trước khi đốt nương, đốt lúc trời lặng gió, dập tắt hoàn toàn lửa trước khi ra về…
Điểm nổi bật của chương trình là sự phối hợp giữa nhân dân hai bản Pa Thơm (Việt Nam) và cụm bản Sốp Hùn (Lào). Hai bên đã nhất trí ký cam kết tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn chung. Đây là minh chứng sống động, thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm giữa hai cộng đồng biên giới trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá.
Ngoài diện tích rừng giáp ranh khu vực biên giới, tỉnh Điện Biên còn có 9 huyện, thị xã với 32 xã phường có diện tích rừng giáp ranh với 2 tỉnh: Sơn La và Lai Châu. Khu vực giáp ranh có diện tích rừng tương đối lớn, đa dạng về sinh học, lưu trữ nhiều nguồn gen quý, hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo vệ như: Nghiến, pơ mu, thông tre lá dài, sâm Lai Châu, tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa; các loài động vật rừng phong phú như: Gấu chó, gấu ngựa, beo lửa, mèo rừng, gà lôi tía... Do đó công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái rừng được đặc biệt coi trọng.
Triển khai quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng địa bàn giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các địa phương có diện tích rừng giáp ranh xây dựng kế hoạch phối hợp, trao đổi thông tin hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi xâm hại rừng. Lực lượng chức năng 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ rừng địa bàn giáp ranh. Trong năm 2024, các bên đã tổ chức phối hợp tuần tra chung 10 lần với 105 lượt người tham gia. Đồng thời, trao đổi thông tin trực tiếp 6 lần; 1 lần trao đổi bằng văn bản để cùng nắm bắt, xử lý các vụ việc phát sinh.
Ông Trần Đức Quyền, Phó phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để quản lý rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố có diện tích giáp ranh tăng cường công tác phối hợp có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tuần tra rừng, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại khu vực giáp ranh. Trong năm, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu xử lý các vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh giữa xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé với xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai kiểm tra, xác minh làm rõ các vụ phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật tại khu vực giáp ranh giữa bản Lốm Khiêu, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La với bản Kể Cải, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã phối hợp tham gia chữa cháy rừng tại khu vực giáp ranh giữa bản Tư Làng, xã Mường Bắng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và bản Chống, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông. Bằng sự phối hợp thường xuyên, kịp thời, diện tích rừng khu vực giáp ranh đã được quản lý, bảo vệ tốt.
Tháng 10/2024, lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh giáp ranh gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La tiếp tục ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh. Thực hiện nội dung ký kết, quy chế phối hợp sẽ tăng cường trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đặc biệt giữa lực lượng kiểm lâm của 3 địa phương, các chủ rừng; giúp công tác bảo vệ, phát triển rừng, quản lý tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học giữa tỉnh Điện Biên với 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu hiệu quả hơn.
Thu Hằng
22/12/2024 10:03
Lượt xem: 191