Gia đình ông Lò Văn É, bản Củ, xã Ẳng Nưa hiện có hơn 20 con trâu, bò. Từ nhiều năm nay, mỗi khi chuẩn bị vào mùa đông, gia đình ông đều sửa chữa lại chuồng trại để tránh gió, rét cho đàn gia súc, đồng thời dự trữ thức ăn khô và trồng cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn vật nuôi.
Ông É chia sẻ: Trước đây, người dân chúng tôi thường ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe đúng kĩ thuật cho đàn gia súc, gia cầm. Mùa đông không những không chủ động nguồn thức ăn mà còn thả rông chúng trên đồ; dẫn đến vật nuôi chậm lớn, thậm chí có năm thiệt hại hàng chục triệu đồng do trâu, bò bị chết rét. Mấy năm gần đây, nhờ thường xuyên được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc cũng như phòng bệnh cho vật nuôi nên gia đình và các hộ dân trong bản đã thay đổi nhận thức. Đến nay, cơ bản người dân bản Củ đều dự trữ được thức ăn cho trâu, bò khi mùa đông đến, nhờ đó vật nuôi luôn phát triển ổn định.
Tổng đàn vật nuôi của xã Ẳng Nưa hiện có gần 40.000 con, trong đó, đàn gia súc khoảng 3.500 con. Ý thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền trong các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền đến từng hộ dân. Ngoài ra, xã còn vận động các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi; tiêm phòng vắc -xin đầy đủ; bổ sung các chất dinh dưỡng, cho uống nước muối ấm, dự trữ thức ăn thô, tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò…
Ông Lù Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và nhiệm kỳ, xã đều đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đàn vật nuôi. Đơn cử như đàn trâu đạt 99,5 nghị quyết; đàn bò đạt 90%, đàn lợn đạt 95% nghị quyết... Điều này cũng khẳng định, những năm gần đây người dân đã quan tâm hơn đến việc chăm sóc, bảo vệ tốt cho đàn vật nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc.
Huyện Mường Ẳng hiện có hơn 43 nghìn con gia súc. Với số lượng gia súc lớn như vậy, để phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi nói chung, gia súc nói riêng, ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện Mường Ảng đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Căn cứ chức năng được giao, Phòng đã chủ động phối hợp Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, các đơn vị liên quan, cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi tầm quan trọng của công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc; hướng dẫn người dân làm mới, gia cố, che chắn chuồng trại, phù hợp với từng loại gia súc để tránh gió lùa và đảm bảo vệ sinh; dự trữ củi, trấu để đốt sưởi trong những ngày rét đậm, rét hại. Ban ngày chăn thả, tối đưa trâu, bò về chuồng. Nhắc nhở bà con thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn, cho uống nước ấm pha muối, khi nhiệt độ xuống thấp...
Bên cạnh đó, tiêm phòng một số loại vắc xin cần thiết cho vật nuôi như bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng; vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, theo dõi tình trạng sức khỏe gia súc để phát hiện, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường do đói rét, dịch bệnh.
Ông Lù Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, nhiều xã, bản vùng cao, tập quán chăn nuôi trâu, bò thả rông vẫn còn; nhiều hộ chăn nuôi chưa có chuồng nuôi nhốt hoặc chuồng nuôi chưa bảo đảm yêu cầu; do vậy, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là mà phải tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình; trong đó, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; hằng ngày theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch.
Bài, ảnh: Quang Long
28/12/2024 15:30
Lượt xem: 214