Ở các điểm trường vùng cao, nơi nguồn kinh phí mua sắm thiết bị học tập còn hạn chế, sự sáng tạo của giáo viên đã trở thành giải pháp hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong nhà trường. Dưới bàn tay khéo léo và tư duy sáng tạo, các cô giáo Trường Mầm non số 2 Mường Mươn, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã biến những chiếc lốp ô tô, xe máy thành nhiều món đồ chơi cho trẻ. Những nguyên vật liệu tưởng chừng bỏ đi đã tạo ra nhiều mô hình độc đáo; phục vụ cho quá trình chơi và học của trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Mường Mươn cho biết: “Để làm đồ chơi ngoài trời cho các em, nhà trường đã sắm đầy đủ máy móc, đồ dùng và dụng cụ cơ khí. Trong trường, hầu hết là các cô giáo, việc sử dụng máy móc chế tạo đồ dùng gặp nhiều khó khăn, nhưng cô nào cũng nhiệt tình tham gia chế tạo đồ chơi. Cùng với sự hỗ trợ của anh bảo vệ trường, các cô đã nghiên cứu, thiết kế nhiều đồ chơi, đồ dùng học tập cho các em, mang lại nụ cười vui vẻ cho trẻ ở các điểm bản vùng sâu, vùng xa”.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), những chiếc lốp ô tô, xe máy cũ được tận dụng để tạo ra những món đồ chơi độc đáo. Với hai chiếc lốp ô tô và vài thanh tre, các giáo viên đã chế tạo ra mô hình xe máy cho trẻ em vui chơi. Những chiếc lốp xe máy được lắp ghép thành mạng lưới trò chơi vận động, mang đến niềm vui và sự hào hứng cho trẻ trong giờ ra chơi.
Thầy giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ cho biết: “Ở các điểm bản vùng cao, điều kiện nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, không thể đầu tư đồng bộ thiết bị, đồ chơi, đồ dùng học tập. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, các thầy cô đã chủ động tận dụng những vật liệu sẵn có, sáng tạo thành những món đồ chơi không chỉ thân thiện với môi trường mà còn phục vụ tốt cho việc dạy và học”.
Nhiều năm nay, phong trào sáng tạo đồ chơi đã trở thành một hoạt động thường xuyên của Trường Mầm non Núa Ngam (huyện Điện Biên). Các cô giáo cùng học sinh và phụ huynh đã thu lượm, làm sạch và tái chế các vật liệu như: Vỏ chai nhựa, hộp bìa, ống nhựa để chế tạo đồ chơi. Dưới bàn tay khéo léo của giáo viên, những nguyên liệu này biến thành giỏ quả, đĩa bánh và nhiều món đồ chơi hấp dẫn khác.
Cô giáo Lò Thị Thu, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Việc tự làm đồ chơi đã khơi dậy trí sáng tạo của những giáo viên mầm non, tạo ra các sản phẩm an toàn, giúp trẻ vừa học vừa chơi. Ngoài đáp ứng nhu cầu dạy học, những đồ chơi tự chế còn góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến phụ huynh và học sinh”.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại đồ chơi, nhưng việc mua sắm đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể. Trong khi đó vẫn còn những món đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi hoặc không đáp ứng yêu cầu giáo dục đòi hỏi giáo viên phải chọn lọc. Những món đồ chơi do giáo viên và trẻ tự tay làm ra đã trở thành giải pháp thay thế tiết kiệm và hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Hùng, phụ huynh học sinh bày tỏ: “Những món đồ chơi này vừa sáng tạo, vừa mang ý nghĩa. Chúng giúp con tôi học hỏi được nhiều điều mới mẻ và hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường”.
Việc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên và phế liệu tự làm đồ dùng, đồ chơi đã và đang lan tỏa khắp các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Phong trào tái chế phế liệu, biến rác thải nhựa thành tác phẩm độc đáo đã và đang lan tỏa sâu rộng trong các nhà trường, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên và học sinh. Nhằm tạo sân chơi, phát huy tính chủ động, sáng tạo, có kỹ năng xây dựng kế hoạch làm việc, kỹ năng làm việc nhóm cho học trò, vừa qua, Trường PTDTNT tỉnh đã tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) khéo tay cho học sinh trong toàn trường. Với chủ đề “Tái chế rác thải nhựa - Bảo vệ môi trường”, các thành viên CLB đã tận dụng các đồ phế liệu bỏ đi tạo nhiều hoa nhựa, hoa giấy, vật dụng bằng nhựa và đồ dùng học tập hữu ích.
Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Trường PTDTNT tỉnh cho biết: Qua buổi sinh hoạt, các bạn học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ năng làm thủ công mà còn hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa đối với tự nhiên. Hoạt động này đã tạo ra một sân chơi bổ ích để các em học sinh phát huy sở thích, khả năng của mình; góp phần rèn kĩ năng sống, phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh.
Trong điều kiện kinh phí trang bị đồ dùng dạy học cho các nhà trường còn hạn chế thì việc tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu đã mang lại ý nghĩa rất thiết thực và hữu ích. Trên cơ sở đó, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích đội ngũ giáo viên tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có để sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi phù hợp với lứa tuổi học sinh cũng như từng chủ đề, nội dung bài giảng trên lớp. Từ đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục của nhà trường, tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa những giá trị bền vững về bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau.
Phạm Quang
09/01/2025 16:55
Lượt xem: 139