Bản làng lách cách tiếng thoi
Trở về nhà sau những giờ bận rộn với công việc đồng áng, thay bộ quần áo lao động đẫm mồ hôi, bà Quàng Thị Hương, xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) vội vàng chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Khi mọi người nghỉ ngơi, bà mới tranh thủ ngồi dệt nốt tấm vải còn dang dở.
Bà Hương chia sẻ, dệt vải là lúc tinh thần bà vui vẻ, thoải mái nhất. Bởi khi đó có thể gạt hết những tất bật, lo toan để thỏa sức với đam mê, sáng tạo làm nên những tấm vải thổ cẩm đẹp nhất. Bộ dụng cụ dệt vải và con thoi mà bà Hương sở hữu là từ đời bà, đời mẹ để lại, đã ngót nghét gần trăm năm song vẫn bền bỉ với thời gian.
“Mặc dù việc trồng bông để dệt vải như các thế hệ trước đã không còn phổ biến, song nhiều phụ nữ người Khơ Mú đến nay vẫn duy trì việc thêu và dệt vải. Không có bông, chị em mua chỉ về dệt. Không thường xuyên, nhưng lúc rảnh rỗi chị em đều làm. Lễ, tết, bà con đều sử dụng trang phục truyền thống, nên dù thế nào chúng tôi vẫn phải gìn giữ nghề để phục vụ gia đình. Đây cũng là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình” - bà Hương chia sẻ.
Không cầu kì như các dân tộc khác, dụng cụ dệt vải của người Khơ Mú được làm bằng gỗ hết sức đơn sơ. Họ chỉ thao tác bằng tay, không dùng chân và cũng không ngồi dệt trên khung cửi.
“Người Khơ Mú không có khung cửi cố định. Chúng tôi dệt vải bằng cách túm các sợi chỉ trắng lại với nhau rồi buộc cố định vào bất cứ vị trí nào thuận tiện; đầu còn lại được nối, buộc vào dây thắt lưng vải quấn quanh eo; con thoi sẽ được kết nối các sợi chỉ màu để dệt. Mỗi tấm vải dệt ra chỉ rộng chừng 20 - 30 phân nên chủ yếu chỉ để làm khăn, tay áo, chân váy hoặc may túi” - bà Quàng Thị Vừ, ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng cho biết.
Còn tại bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), phụ nữ người Lào đang nỗ lực bảo tồn nghề dệt bằng cách thành lập hợp tác xã (HTX), với gần 20 thành viên duy trì hoạt động thường xuyên. Các thành viên HTX hỗ trợ nhau sản xuất, kết nối tìm đầu ra ổn định.
Ngoài mô hình HTX, nhiều gia đình người Lào ở đây vẫn duy trì dệt vải vào lúc nông nhàn. Sản phẩm làm ra nếu có nhu cầu bán cũng sẽ được HTX thu mua với giá đảm bảo. Với quyết tâm không để nghề dệt bị mai một, bà Lường Thị Un (hơn 60 tuổi) hàng ngày vẫn miệt mài truyền dạy cho con, cháu.
Bà Un tâm sự: “Người Lào lớn lên trong tiếng thoi đưa bên khung cửi. Chúng tôi lấy nghề dệt làm thước đo đánh giá về người phụ nữ, vì thế nhiều thế hệ phụ nữ dân tộc Lào đều giỏi nghề dệt. Với tôi, nghề dệt là tình yêu, niềm tự hào dân tộc vì thế tôi ý thức được trách nhiệm phải truyền dạy cho con cháu mình để gìn giữ nó”.
Nỗ lực trao truyền
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tôn vinh giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn hiểu được giá trị văn hóa, giá trị hàng hóa mà thổ cẩm mang lại. Đồng thời, thông qua nhiều nguồn vốn khác nhau mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Năm 2024 tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Thực hiện dự án, Bảo tàng tỉnh là đơn vị chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Truyền thanh Truyền hình cấp huyện mở nhiều lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống cho các dân tộc, như: Kháng, Si La, Sán Chay (nhóm Sán Chỉ), Khơ Mú…
Ông Đặng Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Thông qua lớp truyền dạy giúp cộng đồng các dân tộc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành, truyền dạy cách thức, kỹ thuật và quy trình nghề làm trang phục truyền thống. Đồng thời tạo sự nối tiếp giữa các thế hệ; phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan trong quá trình tổ chức truyền dạy nghề. Từ đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
“Trao cần câu chứ không trao xâu cá”, nhiều địa phương đã bám sát nguyên tắc này trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm trang phục dân tộc thiểu số. Việc xây dựng mô hình bảo tồn trang phục dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp đồng bào có kiến thức, kỹ năng để họ chủ động phát triển và gìn giữ văn hoá của dân tộc mình. Các hoạt động này còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.
Tại một số địa bàn có dân tộc thiểu số đang định hướng du lịch cộng đồng phát triển theo mô hình lưu trú homestay. Với mô hình này, du khách khi đến với địa phương sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về phong tục, tập quán của người dân bản địa. Những ngôi nhà truyền thống được cải tạo, có thêm các thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Bên cạnh các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm văn hóa, văn nghệ, thì trải nghiệm nghề truyền thống (bao gồm nghề dệt) được ưu tiên chú trọng. Có thể kể đến một số bản văn hóa du lịch giàu tiềm năng, như: Phiêng Lơi, Che Căn, Kéo (TP. Điện Biên Phủ); Tả Kố Khừ (huyện Mường Nhé); Nà Sự (huyện Nậm Pồ); Na Sang II (huyện Điện Biên)…
Trên thực tế, được trực tiếp “mục sở thị” kỹ thuật đệt vải, thêu thùa thủ công nhưng vô cùng điêu luyện, tận mắt ngắm nhìn những họa tiết giản dị nhưng tinh xảo của người bản địa là trải nghiệm thú vị cho du khách. Nhiều nơi còn có thêm dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống để du khách chụp ảnh, mua về làm quà tặng… tạo ra nguồn thu nhập cho người dân bản địa, góp phần bảo tồn và quảng bá hình ảnh địa phương.
Hải Yến
09/01/2025 16:56
Lượt xem: 147