Thông tin

Thông tin

Đảm bảo hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng, nhanh gọn

ĐBP - Sau hơn một năm mở cửa trở lại, hoạt động xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang ngày càng nhộn nhịp hơn. Đi đôi với đó, để hoạt động xuất nhập cảnh diễn ra liên tục, đảm bảo chặt chẽ, thông thoáng, nhanh gọn, cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đã tập trung giải quyết nhanh gọn các thủ tục để người và hàng hóa qua lại biên giới giữa Tây Trang – Điện Biên và Pang Hốc – Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào một cách thuận lợi nhất.

 

Ghi nhận tại khu vực làm thủ tục xuất cảnh - Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, có thời điểm dù lưu lượng công dân làm thủ tục khá đông, song mọi hoạt động đều diễn ra đảm bảo chặt chẽ, thông thoáng, nhanh gọn. Công dân được hướng dẫn xếp hàng ngay ngắn theo thứ tự; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, giải quyết các thủ tục như kiểm tra hộ chiếu, giấy thông hành, được thực hiện một cách tỉ mỉ, không để xảy ra sai sót.

Theo thống kê của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, chỉ tính riêng từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/6/2023, Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đã làm thủ tục xuất cảnh cho trên 22.500 lượt người và làm thủ tục nhập cảnh cho gần 22.950 lượt người. Hành khách làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang chủ yếu là khách du dịch, thương mại, thăm thân và học tập.

Cùng với nhiệm vụ chính là duy trì kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào cửa khẩu, tạo điều kiện cho người, hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu nhanh chóng; Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra hàng hóa, phòng chống gian lận, buôn lậu thương mại để kịp thời phát hiện, xử lý, kiên quyết không để hàng hóa quá hạn, kém chất lượng, ma túy có cơ hội tràn vào trong nội địa.

So với cùng kỳ năm 2022, lưu lượng hành khách nhập cảnh người Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang tăng 536,7%, người Lào tăng 189,8%; lưu lượng hành khách xuất cảnh người Việt Nam tăng 386,2%, người Lào tăng 248,2%; lưu lượng hành khách nước thứ ba xuất nhập cảnh cũng tăng lên rõ rệt. Trước thực tế trên, nhằm tạo thuận lợi nhất cho hành khách, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang luôn chủ động nắm, dự báo tình hình; làm tốt công tác trao đổi thông tin, tình hình hoạt động xuất nhập cảnh với các lực lượng chuyên trách của bạn Lào. Trao đổi thông tin về chính sách xuất nhập cảnh của hai nước, từ đó chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy Đồn chủ động triển khai các kế hoạch của cấp trên về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm quản lý xuất nhập cảnh, giảm thời gian làm thủ tục cho hành khách.

Từ những việc làm tận tâm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời mở ra cơ hội để nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại và du lịch, dịch vụ.

 

Thu Hằng

Một kỳ thi trọn vẹn

ĐBP - Sau 2 ngày thi chính thức (28 - 29/6), Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Điện Biên đã kết thúc an toàn, nghiêm túc, không có trường hợp vi phạm quy chế. Tuy chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng để tổ chức thành công Kỳ thi, có công sức, sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Đó là khâu tổ chức kỹ lưỡng của hội đồng thi, điểm thi; chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp tham gia của các cơ quan, lực lượng chức năng và tiếp sức của thanh niên tình nguyện...

Thí sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vui vẻ sau khi rời phòng thi.

Chu đáo từng khâu

Kỳ thi diễn ra vào cuối tháng 6 - cao điểm mùa mưa lũ tại khu vực tỉnh ta. May mắn điều kiện thời tiết 2 ngày thi tương đối thuận lợi. Nhưng để đảm bảo Kỳ thi suôn sẻ, an toàn, nhất là cho thí sinh và các điểm thi, UBND các huyện cùng các ngành liên quan đều có sự chuẩn bị sớm và phương án cho mọi tình huống. Tại huyện Điện Biên Đông, năm nay có 2 điểm thi. Trước đó tuyến đường ngã ba Chóp Ly đến trung tâm thị trấn Điện Biên Đông (đường vào điểm thi Trường THPT Trần Can) và tuyến quốc lộ 12 đoạn từ bản Pa Vạt đến điểm thi Trường THPT Mường Luân đang cải tạo, sửa chữa. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng thi công, dọn dẹp vật liệu, đảm bảo thông tuyến 24/24 giờ, từ ngày 26 - 30/6, để phục vụ công tác vận chuyển đề thi, bài thi và di chuyển của thí sinh, phụ huynh.

Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: “Với những chỉ đạo đó, giao thông, đi lại trong suốt những ngày thi không xảy ra sự cố gì. Không chỉ vậy, để tổ chức thành công Kỳ thi, UBND huyện đã đề nghị các cơ quan, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Giao cụ thể, gắn trách nhiệm cho từng đơn vị như: Công an huyện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ các khâu của Kỳ thi; Trung tâm Y tế huyện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, học sinh và các lực lượng tham gia, xử lý tình huống tại điểm thi...”.

Tỉnh ta có 24 điểm thi tại 10 huyện, thị, thành phố. Trong đó 12 điểm thi độc lập, 12 điểm thi liên trường. Để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường vận động thí sinh về ở tập trung. Một số địa điểm thi liên trường, nhà trường phối hợp cùng các tổ chức, đoàn thể bố trí xe ô tô, xe máy… đưa, đón thí sinh miễn phí, an toàn, đúng giờ. Một số trường có khoảng cách xa hơn thì đưa học sinh về ở nhờ khu nội trú của trường đặt điểm thi. Việc ăn uống của thí sinh cũng được các trường cùng các đoàn thể, cơ quan hỗ trợ, chuẩn bị. Qua đó, các em yên tâm dự thi, không có trường hợp bỏ hoặc không thể đến thi bởi các yếu tố liên quan đến giao thông, thời tiết, tài chính...

Tại huyện Tủa Chùa, Huyện đoàn đã phối hợp cùng bến xe khách hỗ trợ đưa đón 145 học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Tủa Chùa đến điểm thi đặt tại Trường. Cô Phạm Thị Lưu Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Tủa Chùa chia sẻ: “Sáng 6 giờ, chiều từ 13 giờ, xe đến đón học sinh. Mỗi buổi sẽ có 2 - 3 xe chạy. Mỗi chuyến đều đảm bảo an toàn và thời gian di chuyển để học sinh đến điểm thi đúng giờ, yên tâm làm bài. Riêng một số học sinh bị say xe sẽ được phụ huynh hoặc thầy, cô chở bằng xe máy”.

Kết thúc kỳ thi thành công

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với mục tiêu kép là xét tốt nghiệp và dùng kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Do đó rất quan trọng đối với thí sinh sau 12 năm học tập, cố gắng. Để hoàn thành tốt 2 ngày thi là cả quá trình học tập của các em và nỗ lực ôn luyện trong nhiều tháng.

Sau khi bước ra khỏi phòng thi môn cuối cùng, em Phạm Công Minh, điểm thi Trường THPT thành phố chia sẻ: “Bây giờ em thấy rất thoải mái. Em hài lòng nhất kết quả làm bài thi Lịch sử, Địa lý. Đây cũng là môn quan trọng trong tổ hợp nguyện vọng tuyển vào đại học của em. Các môn còn lại em cũng đều làm được khá tốt”.

Hầu hết thí sinh đánh giá đề thi các môn năm nay vừa sức và bản thân làm bài tương đối tốt. Cô Nguyễn Thị Thu Trang là giáo viên môn Toán học, Trường Phổ thông DTNT THPT Tuần Giáo chia sẻ: “Sau buổi thi, học sinh của tôi tâm sự với cô là làm bài thi ổn. Mặc dù để lấy điểm cao từ 8 trở lên thì không phải dễ, bởi đề môn Toán học năm nay có sự phân hóa mạnh. Nhưng để tốt nghiệp THPT và đạt mức điểm 5 - 7 thì không khó. Thí sinh cố gắng, học và làm chuẩn kiến thức sách giáo khoa thì sẽ đạt được”.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban thường trực, Chủ tịch Hội đồng thi cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Điện Biên được tổ chức đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, đơn vị liên quan đã xây dựng các tình huống, tổ chức phối hợp triển khai chặt chẽ, tham gia tổ chức tốt cho kỳ thi. Các lực lượng tham gia làm thi nhiệt tình, trách nhiệm, đúng quy định. Trong các môn thi, buổi thi có một số thí sinh vắng, thí sinh bị ốm sẽ hướng dẫn làm hồ sơ xét đặc cách tốt nghiệp THPT nếu đủ điều kiện”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

 

Lan tỏa hành động tiết kiệm điện

ĐBP - Thời gian qua, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, cán bộ, công nhân viên và người dân tích cực hưởng ứng các phong trào tiết kiệm điện. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiết kiệm điện hoạt động hiệu quả. Các mô hình tiết kiệm điện đã góp phần truyền tải thông điệp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và tài nguyên quốc gia.

Nhân viên ngành Điện tuyên truyền việc sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả đến người dân phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Công ty Điện lực Điện Biên là đơn vị tiên phong với phong trào thi đua “Tiết kiệm điện - thành thói quen trong công sở và sinh hoạt”. Phong trào thi đua diễn ra từ tháng 5 - 8/2023 với sự hưởng ứng tham gia của hơn 500 cán bộ công nhân viên các phòng, đơn vị trực thuộc Công ty. Phong trào góp phần lan tỏa thói quen tiết kiệm điện đến người thân, bạn bè, đối tác và cộng đồng xã hội. Trụ sở làm việc Công ty, các đơn vị trực thuộc chỉ sử dụng điều hòa trong khung thời gian từ 10 giờ - 16 giờ hàng ngày, cài đặt điều hòa nhiệt độ từ 260C trở lên; tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng, tận dụng tối đa ánh sáng và nguồn gió tự nhiên. Nhờ đó đã tiết kiệm tối thiểu 15% so với cùng kỳ năm 2022. Tại hộ gia đình của mỗi cán bộ công nhân viên ngành Điện, cài đặt điều hòa nhiệt độ từ 260C trở lên; hạn chế sử dụng điện trong khung giờ cao điểm (11 giờ 30 phút - 14 giờ 30 phút và 20 giờ - 22 giờ); không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn đã tiết kiệm tối thiểu 10%.

Hưởng ứng các phong trào tiết kiệm điện, nhiều địa phương cũng triển khai những mô hình hiệu quả, như: TP. Điện Biên Phủ; các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà... Điển hình, tại huyện Tuần Giáo thực hiện tiết giảm lượng công suất do thiếu hụt nguồn điện tương ứng với mức công suất trong khung giờ thấp điểm 5,6 MW, giờ cao điểm 23 MW trong đó có phụ tải trên địa bàn huyện. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả, phấn đấu giảm lượng điện tiêu thụ hàng tháng từ 10% trở lên. Tiêu biểu như Phòng Kinh tế - Hạ tầng thực hiện tiết kiệm điện năng tiêu thụ 50% so với cùng kỳ đối với hệ thống chiếu sáng công cộng; UBND thị trấn Tuần Giáo phối hợp với Điện lực Tuần Giáo vận động các cơ sở, hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào ban đêm.

Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, mô hình tiết kiệm điện đã lan tỏa và được nhiều đơn vị thực hiện hiệu quả. Ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên cho biết: Công ty đã chỉ đạo cài đặt lại giờ bật hệ thống điện chiếu sáng trên toàn thành phố vào lúc 19 giờ và tắt vào 4 giờ sáng hôm sau, thay vì từ 18 giờ - 5 giờ sáng hôm sau. Trong đó, từ 23 giờ trở đi chỉ bật 50% hệ thống đèn chiếu sáng công cộng. Những khu vực như: Công viên, khu vui chơi giải trí nếu không thực sự cần thiết cũng được tắt sớm lúc 23 giờ. Tất cả hệ thống đèn sửa chữa sẽ được thay thế bằng hệ thống đèn LED, đèn tiết kiệm điện.

Nhận thức sâu sắc về vai trò của việc tiết kiệm năng lượng, năm học vừa qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với điện lực tăng cường các biện pháp tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đến học sinh, lan tỏa những thông điệp hữu ích về tiết kiệm điện đến gia đình và xã hội, như: Mô hình “Em chung tay tiết kiệm điện” ở Trường Tiểu học xã Thanh Yên, Trường THPT Thanh Chăn (huyện Điện Biên), Trường Tiểu học Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ)… Những kiến thức về tiết kiệm điện được lồng ghép trong các hoạt động, trò chơi để học sinh chủ động tương tác với nhau, vừa tạo ra sân chơi bổ ích cho các em, vừa phổ biến hiệu quả nhận thức, ý thức về tiết kiệm điện, như: Tắt các thiết bị điện khi không cần thiết sử dụng, tắt điện khi ra khỏi phòng; tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên, giảm bớt điện chiếu sáng trong phòng học, hạn chế sử dụng điều hòa…

Phong trào tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm lượng tiêu thụ điện năng, tiết kiệm chi phí cho người sử dụng. Trong 5 tháng đầu năm 2023 sản lượng điện tiết kiệm toàn tỉnh đạt 2.319.680kWh. Để nhân rộng các mô hình điển hình tiết kiệm điện, thời gian tới Công ty Điện lực Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân triển khai các giải pháp, hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Thành Đạt

 

Công tác giảm nghèo tại các huyện nghèo chuyển biến tích cực

ĐBP - Theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên có 7 huyện nghèo (trừ TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay và huyện Điện Biên). Thời gian qua các huyện nghèo đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân giảm nghèo theo hướng bền vững. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm.

Đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Tùng Lâm thi công dự án nâng cấp đường liên thôn Kể Cải - Từ Ngài 2 - Từ Ngài 1 - Háng Trở (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa).

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các huyện nghèo chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác giảm nghèo bền vững; nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp, thiết thực; hình thức đa dạng, phong phú để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chính sách giảm nghèo và khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển dạy nghề, nâng cao dân trí; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tủa Chùa là một trong 7 huyện nghèo theo Quyết định 353 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác giảm nghèo của huyện phải đối mặt với nhiều thách thức như: Địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước của một bộ phận dân cư; sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ đạo nhưng giá trị sản xuất rất thấp... Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, huyện Tủa Chùa đã rà soát nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao để đưa ra các giải pháp khắc phục. Qua rà soát, nguyên nhân chủ yếu do thiếu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nên thời gian qua huyện đã tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu với quy mô ban đầu 4ha. Hiện nay, năng suất khoai đạt trung bình 12,5 tấn/ha, giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg; thu nhập sau khi trừ chi phí trung bình đạt 50 triệu đồng/ha. Đến nay mô hình được duy trì và nhân rộng hiệu quả. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xã Trung Thu nói riêng, toàn huyện nói chung; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 40,72%.

Mường Ảng cũng là huyện thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Từ năm 2022 đến nay, huyện Mường Ảng đã huy động hơn 178 tỷ đồng triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế cho người dân. Từ nguồn vốn trên, huyện Mường Ảng đã triển khai thực hiện 35 mô hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng về trồng trọt, chăn nuôi gắn với quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với từng địa bàn, với gần 1.000 người tham gia. Cùng với đó, triển khai thực hiện gần 20 công trình, dự án dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Các vấn đề y tế, giáo dục, lao động, việc làm... được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 38,06%.

Mỗi huyện nghèo một cách làm sáng tạo phù hợp nguyện vọng của người dân, cho nên kết quả giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu người dân; bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đến nay 100% huyện nghèo đều được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh. Từ nguồn vốn chương trình, từ năm 2022 đến nay phân bổ thực hiện 119 dự án; nhất là đầu tư các công trình hỗ trợ huyện Mường Ảng và Tuần Giáo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022 - 2025.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, việc làm cho người lao động được các địa phương chú trọng thực hiện. Riêng thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay các huyện nghèo được phân bổ hơn 119 tỷ đồng để thực hiện các dự án; hơn 47 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất… Trong công tác hỗ trợ lao động, có khoảng 13,8% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất; đào tạo việc làm cho hơn 9.000 lao động và giải quyết việc làm cho gần 11.000 lao động.

Tích cực triển khai các chương trình, chính sách, dự án đặc thù đã tạo động lực cần thiết để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Công tác giảm nghèo được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác đã mang lại hiệu quả. Nhờ đó, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,35%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo của 7 huyện nghèo còn 44,41% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 (giảm 6,24% so với năm 2021). Trong đó, một số huyện tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh như: Mường Ảng còn 38,06%; Tủa Chùa giảm còn 40,72%; Mường Nhé còn 54,77%...

Kết quả giảm nghèo rất tích cực song chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt hiệu quả hơn, thời gian tới các huyện nghèo cần khắc phục những hạn chế, khó khăn như: Nhu cầu đầu tư lớn, song nguồn lực chưa đáp ứng được; huy động nguồn lực trong dân, trong cộng đồng còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Mô hình sản xuất và chăn nuôi phát huy hiệu quả còn ít, vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có hướng đi bền vững. Đặc biệt là tâm lý bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không quyết tâm vươn lên thoát nghèo của một số người nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài, ảnh: Văn Tâm

 

Điện Biên hoàn thành cấp CCCD điện tử trước thời hạn

Điện Biên TV - Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến thời điểm hiện tại, Điện Biên là một trong 20 tỉnh trên cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử.

1

Tính đến cuối tháng 5/2023, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 100% việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, hoàn thành vượt thời hạn 64 ngày so với kế hoạch đề ra.

Kết quả này có được từ sự nỗ lực vượt bậc, tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, sáng tạo của lực lượng chức năng trong việc triển khai thực hiện chủ trương cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho công dân, tạo nền tảng quan trọng để người dân sớm được hưởng những tiện ích thiết thực do thẻ căn cước mới mang lại.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 trong thời gian tới, Công an tỉnh Điện Biên sẽ duy trì thường xuyên việc cấp CCCD gắn chíp với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân có đủ điều kiện. Đẩy mạnh công tác cập nhật, bổ sung, làm sạch, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân./.

 

 

Minh Trang – Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN

Điện Biên: Thiệt hại trên 11,5 tỷ đồng do thiên tai

Điện Biên TV - Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra 13 đợt thiên tai: Rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại trên 11,5 tỷ đồng.

1
6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra 13 đợt thiên tai, gây thiệt hại 11,5 tỷ đồng.

Thiên tai đã làm 2 người thiệt mạng do lũ cuốn trôi và sét đánh; gây thiệt hại trên 700 ngôi nhà, gần 1.000 ha đất nông nghiệp; làm hư hỏng gần 200m đường giao thông và 11 công trình thủy lợi. Tổng thiệt hại ước tính trên 11,5 tỷ đồng.

Để kịp thời ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa lũ, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chỉ thị số 1194 về việc phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tiến hành tổ chức trực ban 24/24 theo qui định, kịp thời theo dõi diễn biến của thời tiết, thiên tai; Đài Khí tượng thủy văn đã phát 166 bản tin dự báo thủy văn, 81 cảnh báo dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ…

Hiện nay là thời gian cao điểm của mùa mưa lũ, các cấp, các ngành của tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai với quan điểm phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, lực lượng sẵn sàng cho mọi tình huống với phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao năng lực và khả năng ứng phó với thiên cho người dân, nhất là ở những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá ở ven sông, suối; các khu vực ngầm, cầu tạm./.

 

 

Đức Trung/DIENBIENTV.VN

Cảnh giác với hoạt động mời gọi, dụ dỗ của Hội thánh Đức Chúa Trời

ĐBP - “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” - một tổ chức không được cấp phép hoạt động du nhập vào Việt Nam từ năm 2001, có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Mới đây, kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam đã công chiếu phóng sự cảnh báo về sự nhen nhóm hoạt động trở lại của Hội thánh Đức Chúa Trời ngay tại địa bàn Hà Nội. Theo đó, các đối tượng đã bỏ tiền ra thuê một căn phòng tại khu chung cư hạng sang trên đường Phạm Hùng, cứ thứ bảy hàng tuần, rất nhiều tín đồ của Hội thánh lại đến đây để làm lễ và lắng nghe những luận điệu hết sức mơ hồ, lệch chuẩn, không chỉ trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam nói riêng mà còn với giáo lý, giáo điều của tín ngưỡng, tôn giáo nói chung.

 

 

Dẫu biết rằng, con người khi sinh ra đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có quyền theo hoặc không theo và không thể bị ép buộc. Tuy nhiên, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” lại chủ ý muốn phát triển nhanh, rộng bằng cách o ép, mua chuộc, dụ dỗ hoặc kể cả bằng vũ lực cực đoan. Về thần quyền, họ dọa dẫm các tín đồ mới tham gia nếu không theo, không đi sinh hoạt, không từ bỏ gia đình, bàn thờ tổ tiên… sẽ không được làm “lễ vượt qua”, khi chết sẽ bị đày xuống “hồ lửa”. Ngược lại nếu tín đồ tin, làm theo những gì Hội thánh nói khi chết sẽ được lên “nước thiên đàng, làm tiên, hoàng tử”. Họ sẵn sàng bịa đặt, tuyên truyền về “ngày tận thế”, “chúa tái lâm”, thậm chí còn cử người “chăm sóc” để cưỡng ép, “áp giải” tín đồ đi sinh hoạt.

Ngoài ra, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" còn thể hiện sự bành trướng, muốn độc tôn của mình khi lồng ghép vào trong những bài giảng “đạo” là những luận điệu xúc phạm, hạ thấp hình ảnh của các tổ chức tôn giáo đã được cấp phép khác, như: Phật giáo, Công giáo… Đồng thời cho rằng những tôn giáo khác đều là thứ “ăn cắp”, đều là thờ phụng quỷ Satan, chỉ có Hội thánh mới là tôn giáo khởi nguyên, phục sự cho Đức Chúa Trời toàn năng mà thôi.

Thêm vào đó, các “ấn phẩm”’ tài liệu dùng để tuyên truyền của Hội thánh đều không có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, không phải do cá nhân, pháp nhân có tư cách và có thẩm quyền ấn hành. Nhiều tài liệu chỉ là sự góp nhặt bài nói, bài viết của một số nhân vật nhằm thuyết phục người nghe, lợi dụng những sự thật hiển nhiên của thế giới như thiên tai, dịch bệnh Covid-19… để tác động, lôi kéo hoặc đánh vào “đức tin” của con người khi nói rằng “Có một đấng tiên tri thần học ở nước ngoài về xem và nói về tương lai đúng 100%” hay “không làm nhưng vẫn có ăn...”.

Tiếp theo, Hội thánh cũng lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để thực hiện hành vi trục lợi. Điểm rõ rệt nhất là những người đứng đầu các Sion đều yêu cầu các tín đồ tham gia có thu nhập ổn định nộp lại 10% thu nhập hàng tháng như một thứ tiền hội phí. Không những thế, luật bất thành văn, ngoài khoản phí 10% trên, mỗi ngày lễ, người tham gia lại rỉ tai nhau dâng hiến ít nhất 50.000 đồng/lần, thông thường một tuần hai lần, vào ngày học giáo lý để “thông công” với Đức Chúa Trời. Trớ trêu thay, đối với những người mới tham gia thì thời gian đầu sẽ không phải đóng tiền, có người hoàn cảnh khó khăn thậm chí còn được hỗ trợ, nhưng sau khi tin theo, họ lại phải đóng tiền đều đặn và dần trở thành “luật” trong Hội thánh. Song, số tiền này được sử dụng vào mục đích gì, như thế nào thì không ai được biết. Một số được dùng cho duy trì hoạt động của Hội thánh, còn lại là để xây các công trình “trên trời”. Theo thông tin từ các thành viên trong Hội thánh, các trưởng nhóm quản lý thành viên của mình bằng một mã định danh trong mỗi phong bì, do vậy, nắm rõ được các khoản dâng hiến của thành viên. Một khi nhận thấy việc đóng góp không được duy trì, có sa sút, trưởng nhóm sẽ gọi các tín đồ đó lên để chăm sóc riêng với những phương thức đặc biệt. Hạn chế lớn nhất của các tín đồ khi tham gia Hội thánh đó là việc bị tách thành những nhóm nhỏ, ít khi được giao lưu nên thông tin của người này, người kia đều rất khó để biết.

Cần phải khẳng định lại rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân. Tuy nhiên, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm phạm thân thể, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì đều phải đưa vào diện bị ngăn chặn, áp dụng chế tài xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ xét cho cùng cũng chỉ là một trong số vô vàn các tổ chức khác đang lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của mình. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn từ năm 2016 - 2019 cũng đã xuất hiện các hội nhóm hoạt động với danh nghĩa là “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Đáng chú ý, vào năm 2020, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã phát hiện 14 trường hợp (cả nam và nữ) tuyên truyền trái phép tài liệu về Hội thánh Đức Chúa Trời. Qua khai thác, đấu tranh, từ thành viên chỉ có 1 - 2 người, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã vươn vòi đi các huyện trên địa bàn toàn tỉnh, các trường hợp này được giao nhiệm vụ phải tuyên truyền, phổ biến Hội thánh đến với càng nhiều người càng tốt, trong đó mỗi người được phân cấp và được cấp chứng nhận đầy đủ, về hình thức hoạt động thì cũng không khác gì so với các Hội thánh khác trên cả nước, khi địa điểm sinh hoạt chủ yếu tại nhà của tín đồ trong Hội. Tuy nhiên, do được phát hiện từ sớm, cơ quan chức năng đã tiến hành làm việc, xử lý theo quy định của pháp luật, ngăn chặn được hoạt động bành trướng của Hội thánh tại Điện Biên.

Người dân trên địa bàn hãy tăng cường cảnh giác đối với các hoạt động mời gọi, dụ dỗ của Hội thánh Đức Chúa Trời, tổ chức không được cấp phép này đang có dấu hiệu quay trở lại với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động hơn trước. Đặc biệt, nhóm đối tượng mà Hội thánh nhắm tới bây giờ đã chuyển dần sang nhóm học sinh, sinh viên đang trong thời gian nghỉ hè và đang tham dự các khóa tu hè.

Ngọc Linh

 

Tạo điều kiện để thiếu niên, nhi đồng phát triển toàn diện

ĐBP - Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”, Tỉnh đoàn Điện Biên luôn xác định chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng là nhiệm vụ quan trọng, xây dựng Đội vững mạnh là xây dựng Đoàn trước một bước.

Cô và trò Trường THCS Thanh Bình sôi nổi tham gia hoạt động tại Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023.

Toàn tỉnh hiện có hơn 126.000 đội viên thiếu niên, nhi đồng sinh hoạt tại 266 liên đội. Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi, ngay từ đầu năm học Hội đồng Đội tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai chương trình công tác đến 100% hội đồng đội các huyện, thị, thành phố; chỉ đạo các cơ sở đội cụ thể hóa, xây dựng chương trình bám sát với chủ đề năm học, đề ra chỉ tiêu phù hợp với điều kiện đơn vị, địa phương.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các liên đội tập trung là triển khai thực hiện tốt phong trào “Thiếu nhi Điện Biên thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: Tổ chức Hội thi “Chúng em kể chuyện về Bác”; mô hình “Lớp em treo ảnh Bác Hồ”; tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” nhận chăm sóc các công trình, phần việc măng non; ra sức học tập để có nhiều hoa điểm tốt, vở sạch chữ đẹp; thi đua nói lời hay, làm việc tốt... Thực hiện Chương trình “Rèn luyện đội viên” các liên đội đã chủ động gắn với các hoạt động ngoài giờ học và Chương trình “Em làm việc tốt mỗi ngày”. Chuyển đổi hình thức theo dõi, đánh giá, xếp loại việc hoàn thành chương trình “Dự bị đội viên”, “Rèn luyện đội viên” trên App “Làm việc tốt”; tổ chức tuyên dương, khen thưởng những đội viên, thiếu niên, nhi đồng có việc làm tốt hàng tháng, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho phụ trách Đội và chỉ huy Đội. Tiêu biểu là Nhà Thiếu nhi tỉnh đã tổ chức tập huấn cho đội nghi thức Liên đội Trường THCS xã Chiềng Sơ với 30 em học sinh về các nội dung: Thực hành trống đội, các bài trống theo quy định của Đội TNTP Hồ Chí Minh, màn nghi lễ Chào cờ đội, trống Chào cờ, Hành tiến, Chào mừng. Huyện Đoàn Điện Biên tổ chức lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội khối tiểu học.

Các trường tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động xây dựng “Chi đội 3 tốt”, “Liên đội 3 tốt” thông qua thường xuyên tổ chức sinh hoạt Đội theo từng chủ đề, chủ điểm tuần, tháng nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đội viên, nhi đồng; tăng cường hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, chú trọng hướng đến đối tượng thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn với hoạt động đa dạng, thường xuyên, thiết thực, hội đồng đội các cấp đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”. Hội đồng Đội tỉnh đã phối hợp xây dựng 5 điểm vui chơi cho thiếu nhi tại huyện Mường Ảng, Điện Biên, Tủa Chùa; bàn giao nhà “Khăn quàng đỏ” cho đội viên có hoàn cảnh khó khăn của Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Đun. Tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách vở, cặp sách, chăn màn, quần áo, bánh kẹo, sữa cho thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà, học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi. Duy trì hoạt động hiệu quả Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp tỉnh. Tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Cuộc sống quanh em” cho 1.931 học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Triển khai các cuộc thi do Trung ương Đoàn tổ chức, tạo nên không khí vui tươi trong các Liên đội, hưởng ứng 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt”, tiêu biểu như: Cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam làm nghìn việc tốt”; Cuộc thi viết “Trang sách thay đổi cuộc đời tôi”; Cuộc thi sưu tập Tem Bưu chính năm 2023 với chủ đề “Tổ quốc của em qua con tem bưu chính”; Cuộc thi tranh biện “Lead with Lof Scholar Cup”; Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52. Kết quả, Điện Biên có 4 học sinh được Hội đồng Đội Trung ương tuyên dương “Dũng sĩ nghìn việc tốt”, 2 em đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng”.

Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thông qua các phong trào, cuộc vận động góp phần chăm lo tốt cho thiếu nhi. Đồng thời, nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống của quê hương, dân tộc cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Thời gian tới, thực hiện công tác đội và phong trào thiếu nhi, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ thiếu nhi về mọi mặt, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Nhật Linh

 

Chủ động giảm điện năng trong kinh doanh, sinh hoạt

ĐBP - Dịp cao điểm nắng nóng vừa qua, trong khi miền Bắc đang thiếu điện thì tỉnh Điện Biên vẫn bảo đảm cấp điện cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm tiết kiệm sản lượng điện trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, người dân, giảm gánh nặng cho ngành Điện và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh tiết kiệm từ 3 - 5% tổng tiêu thụ năng lượng.

Nhân viên Điện lực Mường Chà tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Ảnh: C.T.V

Nhằm đảm bảo cung ứng nguồn điện, đặc biệt vào những đợt cao điểm nắng nóng, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện có hiệu quả, đặc biệt tập trung trong khối cơ quan đơn vị hành chính, trụ sở làm việc, hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn biển quảng cáo, trong sinh hoạt của các hộ gia đình… song vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Công ty Điện lực Điện Biên đã tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện tới từng hộ gia đình, doanh nghiệp. Thường xuyên thông tin về tình hình khó khăn trong cung ứng điện do diễn biến thời tiết phức tạp và cung ứng nhiên liệu khó khăn; phổ biến các lợi ích và biện pháp, cách thức tiết kiệm điện... để người dân và cộng đồng xã hội hiểu rõ, hiểu đúng, ủng hộ, chia sẻ khó khăn và tự giác thực hành tiết kiệm điện. Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 nhiều chương trình tiết kiệm điện đã được Công ty đẩy mạnh như: Hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất”; “hộ gia đình tiết kiệm điện”; “trường học tiết kiệm điện”; “tiết kiệm điện tại UBND các xã, phường, thị trấn”… đã thu hút gần 7.500 người tham gia. Công ty cũng thực hiện treo 330 băng rôn tuyên truyền tiết kiệm điện, hơn 7.000 tờ rơi, 5.000 cẩm nang và hàng trăm tin nhắn tuyên truyền tiết kiệm điện đến khách hàng sử dụng điện.

Hưởng ứng chương trình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, gia đình anh Nguyễn Văn Hải, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã xây dựng kế hoạch sử dụng điện trong mùa hè. Những năm trước vào dịp nắng nóng cao điểm của mùa hè, gia đình anh thường xuyên sử dụng 2 - 3 điều hòa ở phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách của gia đình, một tháng chi phí trên dưới 3 triệu đồng tiền điện. Mùa hè năm nay gia đình anh đã hạn chế tối đa dùng điều hòa, chủ yếu dùng quạt. Đồng thời, toàn bộ điện chiếu sáng ngoài hiên, trên ban công, trong nhà anh cũng giảm 50%. Cách làm này đã giúp gia đình anh Hải tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng tiền điện/tháng.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp xác định việc tiết giảm điện năng góp phần giảm giá thành sản xuất và chung tay tiết kiệm điện, nên thời gian qua nhiều công ty, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm, như: Thay thế thiết bị, máy móc cũ hao tốn điện năng, lắp đặt các thiết bị vận hành tiết kiệm điện.

Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, như: Tận dụng nguồn nhiệt thu hồi về ống gió 3 cấp nhiệt cho calciner tiền nung và cấp nhiệt cho sấy than đã giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể. Ngoài ra, Công ty Xi măng Điện Biên còn thực hiện nhiều giải pháp khác như: Thay thế toàn bộ bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W bằng bóng compact công suất cao 100W; lắp đặt biến tần cho hệ thống nén khí, hệ thống quạt làm mát clinker, hệ thống quạt hút sau nghiền liệu; lắp biến tần điều chỉnh tốc độ gầu tải vận chuyển clinker lên silo, gầu tải nghiền liệu; tận dụng nhiệt của tháp trao đổi nhiệt từ lò nung để sấy nguyên liệu; lắp hệ thống các tủ tụ bù cho trạm biến áp và các động cơ chính trong nhà máy. Nhờ đó, mỗi năm Công ty Xi măng Điện Biên đã tiết kiệm điện năng với giá trị hàng chục tỷ đồng. Riêng trong ngày 17/5/2023 (thời gian cao điểm thiếu điện), Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên đã phối hợp, thực hiện điều chỉnh phụ tải điện được 12.000kWh, vượt 8.400kWh so với thỏa thuận với Công ty Điện lực Điện Biên. Với việc điều chỉnh phụ tải điện thiết thực đó đã góp phần giảm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống lưới điện, giúp Công ty Điện lực Điện Biên cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ cho phát triển kinh tế - an ninh quốc phòng và nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, hệ thống đèn điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã được điều chỉnh thời gian bật, tắt để tiết kiệm điện. Các cơ quan, đơn vị, hành chính sự nghiệp, các huyện, xã, phường tích cực thực hiện bằng các giải pháp như: Tắt các thiết bị điện khi không cần thiết sử dụng, tắt điện khi ra khỏi phòng; tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên; hạn chế sử dụng điều hòa… Với sự tham gia hưởng ứng tiết kiệm điện của các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và hộ sử dụng điện, trong 5 tháng đầu năm 2023 sản lượng điện tiết kiệm đạt hơn 2,3 triệu kWh; trong đó riêng Chương trình hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất” trong 1 giờ tắt đèn, toàn tỉnh đã tiết kiệm 6.600 kWh điện.

Hiện nay, Công ty Điện lực Điện Biên đang quản lý vận hành và cung cấp điện cho trên 140 nghìn khách hàng sử dụng điện với sản lượng điện tháng 5/2023 là hơn 30,7 triệu kWh (tăng 7,09% so với tháng 4/2023; tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022). Do đó việc thường xuyên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn và tiết kiệm điện là rất cần thiết. Theo dự kiến tổng nhu cầu điện năng tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh đến hết năm 2025 là 294,09 triệu kWh (trong đó lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 70,96 triệu kWh; nông - lâm nghiệp - thủy sản 2,08 triệu kWh; thương mại và dịch vụ 16,99 triệu kWh; quản lý tiêu dùng dân cư 170,9 triệu kWh; các hoạt động khác 33,16 triệu kWh). Đặc biệt, theo kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, phấn đấu đến năm 2025 tiết kiệm năng lượng từ 3 - 5% tổng tiêu thụ năng lượng dự báo; giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 6%; thay thế các thiết bị lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng; thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng, cơ quan, công sở, chiếu sáng công cộng, hộ gia đình và giảm tổn thất điện năng trong điều hành cung ứng điện.

Văn Tâm
 
 

Thí sinh hồi hộp bước vào môn thi đầu tiên tốt nghiệp THPT

ĐBP - Sáng ngày 28/6, cùng với các thí sinh trên toàn quốc, hơn 6.600 “sĩ tử” tỉnh Điện Biên bước vào môn thi đầu tiên của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Đó là môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút – môn duy nhất thi theo hình thức tự luận.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số điểm thi, rất nhiều phụ huynh và học sinh có mặt ở điểm thi từ 6 giờ sáng. Hồi hộp, lo lắng là tâm lý chung khó tránh khỏi của hầu hết thí sinh trong ngày thi đầu tiên.

Thí sinh Lường Văn Nam, điểm thi Trường THPT Mường Nhé chia sẻ: “Đây là môn thi đầu tiên nên em có chút hồi hộp. Dù vậy, em đã ôn kỹ, chuẩn bị kiến thức cơ bản đầy đủ nên tự tin bắt đầu Kỳ thi”.

Em Lầu Thị Nhia, Trường THPT Phan Đình Giót (TP. Điện Biên Phủ) chờ ngoài cửa phòng thi từ sớm. Nhia cho biết: “Em dậy từ 5 giờ sáng, ôn lại đề cương một chút rồi ra điểm thi sớm. Đến đây gặp và trò chuyện, trao đổi cùng các bạn làm em cảm thấy thoải mái hơn và sẵn sàng cho buổi thi. Em đi theo định hướng khoa học xã hội nên không lo lắng lắm về môn Ngữ văn. Ở tất cả các môn, em sẽ đều cố gắng hết mình để thi đạt kết quả tốt nhất có thể”.

Các phụ huynh dành thời gian đưa con em đến điểm thi, động viên và chờ đợi ngay gần cổng trường cũng tâm trạng không kém. Chia sẻ cảm xúc, anh Lò Văn Ngân, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ có con là thí sinh tự do tâm sự: “Tôi luôn động viên con bình tĩnh, cố gắng để làm bài thi tốt nhưng chính mình cũng vừa hồi hộp vừa lo. Năm ngoài cháu nguyện vọng vào trường sư phạm trượt. Năm nay thi lại để nộp vào an ninh. Bây giờ chỉ biết thầm chúc, tiếp sức tinh thần, chờ đón con ra khỏi phòng thi”.

Không chỉ có phụ huynh, thí sinh mà thầy cô cũng nhiều tâm tư. Trường THPT Nà Tấu năm nay có 113 học sinh dự thi tốt nghiệp tại điểm thi liên trường THPT Phan Đình Giót. Từ hôm qua, ngày 27/6, 112 học sinh đã chuyển vào ở trong khu nội trú của điểm thi (1 học sinh ở nhà người thân). Đồng hành cùng các em trong suốt các ngày thi là tổ hỗ trợ của nhà trường với 5 giáo viên, cán bộ y tế, quản trú. Chờ ngoài cổng điểm thi, cô giáo Đàm Thị Thanh Thảo, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Nà Tấu chia sẻ: “Đưa học sinh đi thi, thầy cô thay cha mẹ các em chăm lo mọi thứ. Vì thế buổi thi đầu tiên, chúng tôi cũng hồi hộp không kém. Trước buổi thi, thầy cô đã trò chuyện, chia sẻ để động viên, khích lệ tinh thần các em. Mong là các em đều tự tin, làm tốt bài thi”.

Trong ngày đầu tiên của Kỳ thi, tại các điểm thi, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với mục đích tổ chức được kỳ thi thành công, nghiêm túc, khách quan, công bằng và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Ghi nhận tại các điểm thi, từ rất sớm, các lực lượng công an, thanh niên tình nguyện... đã có mặt, tham gia phân luồng đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực cổng trường thi, hướng dẫn thí sinh vào điểm thi. Cùng với đó, các chương trình “Tiếp sức mùa thi” được triển khai, động viên tinh thần, hỗ trợ nước uống, đồ ăn, vật dụng cần thiết cho thí sinh và cơ động những trường hợp đột xuất, đặc biệt...

Thông tin từ điểm thi Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Mường Nhé có 1 thí sinh mới mổ ruột thừa, đã ổn định sức khỏe, được xe y tế đưa đến điểm thi đúng giờ. Em bắt đầu vào làm bài thi cùng các thí sinh khác.

Tại điểm thi Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, ông Vũ Trung Hoàn – Trưởng điểm thi chia sẻ: “Cùng với việc thực hiện đúng quy chế thi, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của thí sinh, điểm thi cũng làm tốt công tác tư tưởng để thí sinh yên tâm bước vào phòng thi và có một tâm thế tốt nhất để đạt kết quả cao trong kỳ thi. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo của điểm thi cũng như của cán bộ coi thi và thí sinh, những ngày thi tại điểm Trường THPT TP. Điện Biên Phủ sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”.

Tại các điểm thi, công tác tổ chức, cơ sở vật chất được thực hiện đúng quy định. Mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi của 2 cơ sở giáo dục khác nhau và đổi giữa các phòng thi, môn thi không trùng lặp. Hệ thống camera an ninh phòng bảo quản đề thi, bài thi hoạt động tốt; đồng hồ hệ thống được đặt đúng theo thời gian thực; điện thoại cố định trực thi đảm bảo có loa ngoài; tất cả các camera khác trong khu vực thi và hệ thống wifi, đường truyền internet được vô hiệu hóa, tháo dỡ hoặc ngắt nguồn điện, niêm phong...

Được biết, trong buổi chiều hôm qua (27/6), 6.645 đã có mặt làm thủ tục dự thi, vắng 40 thí sinh, trong đó 23 em là học sinh lớp 12 (4 em ốm, 14 miễn thi, 5 bỏ thi).

Với những sự chuẩn bị và động viên tinh thần kể trên, các thí sinh yên tâm bước vào môn thi đầu tiên. Chiều cùng ngày, các em sẽ tiếp tục làm bài thi thứ 2 là môn Toán học với thời gian 90 phút.

Tại khu vực TP. Điện Biên Phủ, sáng có mưa rào nhưng thí sinh vẫn đến điểm thi Trường THPT Phan Đình Giót từ sớm.
Thí sinh điểm thi Trường THPT Trần Can (huyện Điện Biên Đông) thoải mái bước vào điểm thi.
Các đơn vị có mặt từ sớm với những phần quà, đồ ăn, nước uống tiếp sức thí sinh. Ảnh: Trần Nhâm
Đầu giờ sáng, thí sinh đến điểm thi Trường Phổ thông DTNT THPT Tuần Giáo được các thanh niên tình nguyện khích lệ và hỗ trợ đồ dùng, nước uống... Ảnh: Trần Nhâm
Thí sinh từ khu nội trú điểm thi Trường THPT Phan Đình Giót vào khu vực thi.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Can chờ ngoài khuôn viên điểm thi.
Nhiều tâm trạng khác nhau khi thí sinh chờ trước phòng thi.
Thí sinh được gọi vào phòng thi.
Cán bộ coi thi kiểm tra thẻ dự thi, thông tin của thí sinh trước khi vào phòng thi.
Giám thị kiểm tra đồ dùng của thí sinh, đảm bảo ngăn chặn gian lận thi cử.
Các em vào phòng thi, ngồi đúng vị trí, yên tâm bắt đầu Kỳ thi.

 

Nguyễn Hiền

 

Tin mới

Chính thức dừng các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh

ĐBP - Ngày 16/5, UBND tỉnh đã nhất trí chủ trương đối với đề xuất của liên ngành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng các hoạt động lưu thông qua cầu Mường Thanh (thuộc quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ) đối với các phương tiện giao thông nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Khách du lịch tham quan cầu Mường Thanh.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND TP. Điện Biên Phủ thống nhất giải pháp triển khai các công việc để thiết lập hệ thống chỉ dẫn, biển báo phân luồng giao thông. Chỉ dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực đập dâng nước thuộc dự án “Quản lý thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, thiết lập hệ thống bảo vệ di tích cầu Mường Thanh theo quy định.

Trước đó, ngày 15/4, UBND TP. Điện Biên Phủ đã tạm thời cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu và các công trình thuộc dự án hành trình tham quan khu vực sông Nậm Rốm dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án chiếu sáng do Pháp tài trợ và được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia chiếu sáng đến từ thành phố Lyon (Pháp)..

Tin ảnh: Đức Kiên

 

17/05/2024 16:44 317

Bắt 2 đối tượng mua bán trái phép 5 bánh heroin

Điện Biên TV - Các lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên vừa bắt quả tang 2 đối tượng khi đang có hành vi mua bán trái phép 5 bánh heroin

Hồi 14 giờ 30 phút ngày 12/5/2024, tại khu vực bản Na Pheo, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tổ công tác do Công an huyện Điện Biên Đông và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mường Chà, Công an huyện Mường Nhé và Cục Hải quan tỉnh Điện Biên bắt quả tang đối tượng Sùng A Páo (SN 1990) và Sùng A Minh (SN 1989) cùng trú tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé khi đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy; vật chứng thu giữ 5 bánh heroin, 1 xe máy.

Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

CTV Thành Trung, Thế Anh/DIENBIENTV.VN

15/05/2024 13:45 366

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư cảm ơn cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên

Ngày 14-5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn gửi cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Báo Điện Biên Phủ điện tử trân trọng đăng toàn văn nội dung thư của Đại tướng Phan Văn Giang:

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: QĐND

Kính gửi: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Trong thời gian vừa qua, để tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn, cơ động lực lượng, phương tiện từ TP Hà Nội lên tỉnh Điện Biên và ngược lại. Trên dọc đường hành quân với cự ly gần 500km, nhiều đèo, dốc hiểm trở, trải dài qua các địa bàn thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, các đơn vị hành quân đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ chu đáo, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hiệp đồng bảo đảm an ninh, an toàn của các lực lượng chức năng; sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân các địa phương. Những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu đó, đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ, động viên các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm đúng thời gian, an toàn tuyệt đối, tham gia tổ chức thành công Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc thời đại, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi trân trọng cảm ơn tình cảm và sự giúp đỡ quý báu, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, để các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, tôi mong rằng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; thường xuyên đùm bọc, giúp đỡ và tham gia xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành vững mạnh, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúc các đồng chí và toàn thể nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn!

 

Theo QĐND

 

15/05/2024 11:15 229

Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm