Y tế

Y tế

Loại cây quen thuộc ở Việt Nam, được mệnh danh là 'nhân sâm của người nghèo'

Đinh lăng là loại cây quen thuộc của người Việt, được trồng ở nhiều nơi. Đặc biệt, toàn bộ cây đinh lăng từ lá, thân, rễ, củ đều có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Dưới đây là chia sẻ của lương y Bùi Đắc Sáng - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội về tác dụng của cây đinh lăng:

Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, là loại cây nhỏ thường được trồng làm cây cảnh trước nhà. Cây đinh lăng lá nhỏ được coi là "nhân sâm của người nghèo" bởi tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó. Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người mới khỏi ốm.

Theo y học hiện đại, đinh lăng chứa các hoạt chất mang tính năng gần giống như nhân sâm. Củ có 0,3% glucozit, alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1, chứa 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Toàn bộ cây đinh lăng đều dùng được. Người dân hái lá non thường dùng ăn gỏi cá, gói với nem, làm gia vị ăn với thịt. Củ, thân, lá khô dùng làm thuốc. 

Trong Đông y, lá đinh lăng có vị bùi, đắng, thơm, hơi mát có tác dụng lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa. Rễ củ đinh lăng vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, có tác dụng thông huyết mạch, tiêu sưng viêm, giảm đau, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu sức. Lưu ý, khi bào chế nên rút bỏ lõi. 

cay dinh lang 1.jpg
Lá đinh lăng phơi khô dùng làm thuốc. Ảnh: Thuocdantoc.vn

Các tác dụng của cây đinh lăng 

- Chữa lành vết thương: Với những vết thương ngoài da bị chảy máu, chỉ cần giã nát một ít lá đinh lăng đã rửa sạch rồi đắp lên vết thương. Lá đinh lăng sẽ nhanh chóng cầm máu và giúp vết thương mau lành.

- Lợi sữa: Đinh lăng là bài thuốc gọi sữa về cho phụ nữ sau sinh. Người dân lấy một nắm lá đinh lăng rửa sạch đun sôi, chắt lấy nước và uống khi nước còn ấm, tránh uống nước đã bị lạnh. Ngoài ra cũng có thể phơi khô lá đinh lăng rồi sao vàng, hãm như nước chè để uống hàng ngày.

- Chữa chứng mồ hôi trộm: Trẻ nhỏ nếu thường xuyên ra nhiều mồ hôi ở đầu, dùng lá đinh lăng phơi khô lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm. Sau một thời gian bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

- Chữa bệnh tiêu hóa: Lá cây đinh lăng đem sắc lấy nước uống dùng để chữa các bệnh tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy. Ở Malaysia, người ta thường sử dụng phương pháp chữa bệnh trĩ bằng nghiền lá cây đinh lăng thành bột mịn và vê lại, xoa bóp trên trực tràng trước khi đi ngủ. Củ và cành đinh lăng được sử dụng để làm sạch nướu, răng và điều trị làm giảm viêm loét miệng.

- Bệnh thận: Cây đinh lăng được xem là loại cây có tác dụng lợi tiểu và có công dụng để điều trị bệnh thận, đặc biệt là sỏi thận. Phần lớn củ đinh lăng có nhiều lợi ích nhất. Những người mắc bệnh thận nên uống nước ép lá đinh lăng mỗi ngày giúp lọc thận hiệu quả.

- Chữa sưng đau cơ khớp: Lấy khoảng 40g lá tươi giã nhuyễn, sau đó đắp trực tiếp lên chỗ sưng đau. Khi khô lại đắp lại, liên tục như vậy vết sưng đau sẽ dịu đi và mau lành.

Lưu ý, do thành phần Saponin có nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách bào chế. Chế biến củ đinh lăng nên bỏ lõi. 

Không được dùng rễ đinh lăng với liều cao bởi sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây đã có từ 3-5 tuổi trở lên, không nên dùng những cây quá gia cỗi. 

Phòng bệnh lao ở trẻ

ĐBP - Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao. Bệnh lao nếu phát hiện muộn và không điều trị hết liệu trình có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, cần lưu ý phát hiện, chẩn đoán bệnh lao ở trẻ để điều trị kịp thời.

Trẻ điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Có con đang điều trị lao xương khớp tại Bệnh viện Phổi tỉnh, chị Lò Thị Lả, bản Lói, xã Mường Lói (huyện Ðiện Biên) cho biết: Con gái tôi năm nay 8 tuổi, khi ở nhà, đầu gối cháu sưng lên, ban đầu gia đình cứ nghĩ do cháu ngã hay vận động mạnh thì mới bị như vậy. Ðến khi cháu đi lại thấy đau và sưng to thì gia đình đưa khám ở nhiều nơi mới biết cháu bị lao xương, điều trị từ tháng 4 đến nay tình hình bệnh của cháu cũng đã đỡ hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ðức Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Trẻ em bị bệnh lao thường có nguồn lây từ người thân và chủ yếu lây qua đường hô hấp, hoặc bị lây ở trường học, nhà trẻ, khu dân cư… Việc chẩn đoán lao, tìm ra vi khuẩn lao ở trẻ khó hơn so với người lớn vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Nguy hiểm nhất là lao màng não, căn bệnh gây ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương. Nếu bệnh lao phát hiện muộn hoặc điều trị không hết liệu trình rất nguy hiểm. Bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng, gây nên các triệu chứng sốt, mệt mỏi, kích thích, ho dai dẳng, kiệt sức, thở nhanh, khó thở, ra mồ hôi ban đêm, sút cân và chậm phát triển thể chất, việc điều trị sẽ kém hiệu quả, tỷ lệ khỏi thấp, có những trường hợp bị kháng thuốc hoặc lây lan ra toàn cơ thể, lao đa bộ phận và dẫn đến nguy cơ tử vong.

Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên thường gặp ở thể lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu, lao cấp tính, lao hô hấp sau sơ nhiễm, lao phổi, lao màng phổi và lao ngoài phổi. Lao sơ nhiễm thường gặp nhất, sơ nhiễm lao thông thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng cảm cúm thoáng qua hay nóng sốt mệt mỏi, chán ăn hoặc ít khi có triệu chứng giống như thương hàn, sốt cao, mệt mỏi nhưng không rối loạn tiêu hóa. Lao cấp tính trong đó có lao màng não, lao kê cấp tính là hai biến chứng nặng và sớm của sơ nhiễm lao dễ dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và để lại di chứng trầm trọng nếu chẩn đoán muộn; bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở trẻ không tiêm vắc xin phòng bệnh lao, trẻ dưới 2 tuổi. Lao kê là lao cấp ở phổi, xuất hiện trong những tuần lễ đầu sau sơ nhiễm lao với triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, không có nốt hồng ban ở trên bụng và luôn có dấu hiệu hô hấp khó thở, tím tái; trẻ bị lao kê thường dễ dẫn đến lao màng não. Lao đường hô hấp sau sơ nhiễm bao gồm lao màng phổi với triệu chứng mệt, sút cân, ho, đau tức ngực và lao phổi với triệu chứng sốt nhẹ về chiều, chán ăn, sút cân, tức ngực, ho có đờm hay có máu. Lao ngoài phổi thường biến chứng chậm hơn sau sơ nhiễm lao. Có nhiều dạng lao ngoài phổi, như lao cột sống, giai đoạn đầu trẻ có biểu hiện đau vùng cột sống rồi từ từ gù lưng; lao xương khớp trẻ bị sưng đau khớp và chảy mủ ở xương khớp rò ra ngoài da; lao hạch nổi hạch từng chùm, dính, nếu để muộn sẽ gây rò mủ làm sẹo xấu; lao ruột đi tiêu lỏng hoặc đi tiêu ra đờm, máu kéo dài.

Ðể phòng bệnh lao cho trẻ, sau khi sinh, trẻ phải được tiêm vắc xin phòng bệnh lao; phụ huynh cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ hợp lý, đầy đủ để phát triển khỏe mạnh; giữ vệ sinh nơi ở, nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát; nếu gia đình có người bị mắc bệnh lao thì cần tránh không để trẻ tiếp xúc gần gũi với người bệnh. Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao, như ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Nhật Minh

 

Phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng

ĐBP - Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút bùng phát, tấn công và gây bệnh. Ðặc biệt đối với trẻ em, sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu do vậy trẻ rất dễ mắc các bệnh vào mùa hè như đường hô hấp, tiêu chảy, thủy đậu, tay chân miệng…

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

Khi con có các triệu chứng sốt cao, ói mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, chướng bụng, chị Hoàng Thị Ðiều, tổ dân phố 5, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Tại đây, cháu được chẩn đoán mắc tiêu chảy cấp do đường ruột bị nhiễm vi rút.

Chị Hoàng Thị Ðiều cho biết: “Con nhà tôi ở nhà bị sốt tầm 3 ngày, có kèm theo nôn và đi ngoài phân lẫn máu khoảng 4 lần/ngày. Tôi đã cho cháu đến khám và điều trị trong bệnh viện, sau gần 1 tuần điều trị tình trạng cháu đã ổn định hơn”.

Thấy cháu có biểu hiện thở khò khè, sốt, mệt lả kéo dài trong 3 ngày, gia đình bà Nguyễn Thị Yến, tổ 2, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) đã đưa cháu vào thăm khám tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Tại đây, qua quá trình thăm khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phổi thùy, có dấu hiệu suy hô hấp. Ðây là bệnh tổn thương do nhiễm vi khuẩn, thường xảy ra vào thời điểm thời tiết có nhiều thay đổi bất thường như hiện nay. Bà Yến cho biết: “Ở nhà, cháu bị ho và sốt nhưng không sốt cao, kéo dài đến ngày thứ 3 nên gia đình đưa đi khám. Cháu được bác sĩ chỉ định nằm viện để điều trị và chẩn đoán bị viêm phổi thùy”.

Bác sĩ Mai Thị Tâm, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: “Về mùa hè với đặc điểm thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi rút, vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dễ gây ra các loại dịch bệnh. Tại địa phương trong mùa hè năm nay, chúng tôi thấy nổi cộm lên là các bệnh truyền nhiễm hay gặp như chân tay miệng, cúm, thủy đậu, tiêu chảy và Covid-19 đối với các trẻ sinh ra chưa mắc Covid-19… Ðây không phải là các bệnh nan y, tuy nhiên nếu trẻ mắc bệnh mà không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể dẫn tới các biến chứng bội nhiễm. Khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong”.

Ðể phòng bệnh cho trẻ vào mùa hè, cách hiệu quả nhất là trẻ được tiêm phòng hoặc uống vắc xin đầy đủ; cần thực hiện ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, nhằm tránh ngộ độc cho trẻ. Ðảm bảo dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức đề kháng, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành, phát quang môi trường để hạn chế các bệnh lý truyền nhiễm, tránh sự phát triển của côn trùng, ruồi, muỗi hay các vi sinh vật có hại. Không cho trẻ chơi đùa dưới nắng gắt; không nên ở trong phòng máy lạnh với nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản… Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện mắc bệnh, cha mẹ cần sát sao theo dõi, nếu thấy các triệu chứng chuyển nặng cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Thùy Trang

 

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm

ĐBP - Những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch, thậm chí còn có trường hợp tử vong. Trước tình hình đó, ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vào cuộc ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm lây lan trên diện rộng…

Cán bộ Trạm Y tế xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho người dân.

Trong tháng 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh bạch hầu; trong đó, 1 trường hợp tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông. Ðây là những ca bệnh bạch hầu được ghi nhận sau 30 năm tại Ðiện Biên khiến người dân lo lắng. UBND tỉnh kịp thời ra quyết định công bố dịch bạch hầu quy mô cấp xã tại Pu Nhi và nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết. Cũng trong tháng 5, tại bản Pàng Dề A, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa xuất hiện ổ dịch bệnh nhiệt thán (bệnh than) ở trâu, bò làm 1 con trâu, 2 con bò chết. Người dân không khai báo cho chính quyền địa phương mà tự mổ thịt và bán cho người dân ở thôn, bản khác để thịt ăn, dẫn đến xuất hiện 3 ổ dịch bệnh than trên người tại: Bản Pàng Dề, bản Phiêng Quảng, xã Xá Nhè và bản Háng Trở 1, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa. Qua điều tra có 13 trường hợp tham gia mổ thịt, chế biến thức ăn có triệu chứng biểu hiện nghi mắc bệnh than thể ngoài da; 132 người ăn thịt 3 con trâu, bò nêu trên. Tình hình bệnh dại cũng có nhiều diễn biến phức tạp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại lên cơn tại 5 huyện: Ðiện Biên (1 ca); Ðiện Biên Ðông (2 ca); Mường Chà (1 ca); Tủa Chùa (1 ca); Tuần Giáo (1 ca). Nguyên nhân gây bệnh dại và tử vong chủ yếu liên quan đến việc bị chó cắn và không đi tiêm phòng vắc xin dại.

Không chỉ vậy, từ ngày 1/1 - 14/7, toàn tỉnh ghi nhận 5 ổ dịch bệnh truyền nhiễm khác, gồm 1 ổ dịch cúm A/H3, 4 ổ dịch thuỷ đậu với 334 ca mắc. Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác cũng tăng so với cùng kỳ, như bệnh cúm mùa 3.289 ca; tiêu chảy 3.682 ca, tử vong 1 ca, tăng 901 ca mắc. Bệnh viêm não vi rút ghi nhận 35 ca, tử vong 2 ca, tăng 15 ca mắc, 2 ca tử vong so với năm 2022. Các trường hợp mắc viêm não vi rút đều được điều tra và lấy mẫu xét nghiệm kết quả âm tính với viêm não Nhật Bản…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã nhanh chóng vào cuộc dập dịch và kiểm soát không cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), các ổ dịch trên đều được phát hiện sớm, lực lượng chuyên môn nhanh chóng xuống trực tiếp cơ sở để điều tra, xác minh, chẩn đoán và triển khai biện pháp xử lý kịp thời. Ðồng thời, triển khai các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn môi trường, tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cung cấp kiến thức về bệnh dịch, hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh dịch và tránh gây hoang mang trong cộng đồng…

Ngay sau khi công bố dịch bạch hầu, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh năm 2023 với mục tiêu 100% trường hợp mắc bệnh bạch hầu được phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; trên 95% trẻ từ 5 - 20 tuổi tại các xã có dịch, nguy cơ cao xảy ra dịch bạch hầu được tiêm 2 mũi vắc xin bạch hầu; nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh…

Ông Hạng A Chứ, Trạm phó phụ trách Trạm Y tế xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông - nơi xảy ra dịch bạch hầu cho biết: “Ngay sau khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên, xã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bạch hầu và phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các hoạt động phòng chống dịch, như: Ðiều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc, tiếp xúc gần 123 người; xử lý môi trường tại nhà; điều trị dự phòng bằng thuốc kháng sinh cho 1.766 người… Cùng với đó, tập trung rà soát danh sách và triển khai tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho 2.000 người trong độ tuổi từ 7 - 20 tuổi”.

Ðể khống chế, dập dịch bệnh than trên địa bàn huyện Tủa Chùa, ngoài tập trung triển khai các hoạt động chuyên môn, huy động nhân lực, phương tiện, theo dõi và điều trị những người mắc bệnh… thì việc quan trọng không kém là kiểm soát tốt bệnh than trên gia súc. Trong đó, các cơ quan chuyên môn đã khẩn trương rà soát công tác tiêm vắc - xin phòng bệnh than cho đàn gia súc trên địa bàn, nhất là vùng có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc theo quy định… Ðối với các bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ bùng phát dịch, cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống ban đầu. Ðồng thời, chủ động các phương án khống chế kịp thời khi dịch xảy ra, không để lan rộng, không để “dịch chồng dịch” gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Không chủ quan với bệnh viêm da mủ

ĐBP - Mùa hè, cơ thể ra nhiều mồ hôi là điều kiện thuận lợi cho các chứng bệnh ngoài da phát triển, trong đó có bệnh viêm da mủ. Ðây là loại bệnh ngoài da do sự phát triển của tạp khuẩn, chủ yếu là tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn tập trung trên da ở những khu vực có nhiều lông, vùng dễ đọng mồ hôi như các lỗ chân lông, nếp kẽ.

Bệnh nhân điều trị viêm da mủ tại Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên).

Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên) từ đầu năm đến nay có 65 bệnh nhân mắc viêm da mủ, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Có hai con nhỏ đang điều trị viêm da mủ tại Khoa Truyền nhiễm, anh Nguyễn Ðăng Tùng, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) cho biết: Nghỉ hè, hai cháu có về ông bà chơi và đi tắm suối, sau khi về nhà thì bắt đầu xuất hiện vết mụn nước như thủy đậu. Gia đình có ra hiệu thuốc mua thuốc về chữa trị, nhưng 4 ngày vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng hơn, cháu bị sốt, ngứa ngáy không chịu được. Sau khi đưa đến Trung tâm Y tế khám thì được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm da mủ và chỉ định nhập viện điều trị.

Cũng đang điều trị viêm da mủ tại khoa, nhưng tình trạng của cháu Tòng Thị Bảo Yến, 8 tuổi, xã Na Tông (huyện Ðiện Biên) đã nặng với nhiều vết loét khắp người. Theo chia sẻ của người nhà cháu Yến, bố mẹ cháu đi làm ăn xa, cháu ở nhà với ông bà ngoại, nghỉ hè nên suốt ngày đi chơi, tắm suối, bị ngứa nhưng cháu ngại không dám nói với ai trong nhà, đến khi tình trạng các vết loét nặng, đau đớn, không đi lại được nữa thì gia đình mới biết và đưa cháu đến Trung tâm Y tế khám bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thục, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Bệnh viêm da mủ có thể xảy ra quanh năm, hay gặp nhất vào mùa hè; tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ xuất hiện ở những nhóm người khác nhau, trong đó thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, người suy giảm miễn dịch và nhóm người giữ gìn vệ sinh không đảm bảo. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất là do hai loại vi khuẩn tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn (nguyên nhân gây bệnh bởi liên cầu sống tự nhiên trên da). Nếu phát hiện sớm bệnh và điều trị đúng cách thì những tổn thương trên da sẽ nhanh chóng khô bề mặt, bong vẩy da và bệnh nhân sẽ khỏi bệnh hoàn toàn sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn hoặc người già, trẻ sơ sinh, bệnh nhân có kèm bệnh khác cần cẩn trọng trong việc đều trị vì có khả năng nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận, thậm chí là tử vong. Năm 2020, ở khoa đã tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm da mủ nặng, lở loét toàn thân, phải chuyển tuyến trên, nhưng đáng tiếc trường hợp đó quá nặng, cháu bé đã tử vong vì phát hiện muộn.

Với nguyên nhân do tụ cầu khuẩn, thường gây tổn thương ở nang lông, ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau thành mụn nhỏ. Bệnh gây nhọt, nếu số lượng nhiều có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết sưng đau thường gặp ở người suy nhược, giảm sức đề kháng… Ðối với nhóm nguyên nhân do liên cầu, người bệnh dễ bị chốc lây tạo thành từng đám vẩy vàng sâu dính bết tóc, da trợt đỏ, rớm dịch hay chốc loét thường gặp ở bệnh nhân suy dinh dưỡng có bệnh tiểu đường, nghiện rượu hoặc bị chốc mép, hăm…

Ðể phòng ngừa bệnh viêm da mủ, bác sĩ Thục khuyến cáo mọi người cần giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; giữ cơ thể luôn sạch sẽ, khô thoáng, không để mồ hôi đọng lại trên người quá lâu; tăng cường bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng của cơ thể; mặc quần áo rộng rãi, thoáng, thấm mồ hôi. Tùy từng dạng viêm da mủ sẽ có thuốc điều trị thích hợp, người bệnh không được tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá, không tự nặn mụn, nhọt đang viêm tấy, không được cào xước vùng da bị viêm. Nếu có những triệu chứng của bệnh viêm da mủ cần đến cơ sở y tế thăm khám để xác định bệnh và đề phòng biến chứng như viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết, thậm chí là tử vong.

Bài, ảnh: Thùy Trang

 

Thận trọng với các bệnh mùa hè ở trẻ nhỏ

Điện Biên TV - Vào thời điểm này, thời tiết mưa nắng thất thường là môi trường thuận lợi cho các tác nhân như vi rút, vi khuẩn bùng phát, tấn công và gây bệnh. Trong khi đó, trẻ em với sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu nên rất dễ mắc một số bệnh: Sốt xuất huyết, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, thủy đậu,…

Khi con có các triệu chứng bị sốt cao, đau bụng nhiều lần trong ngày, chị Hoàng Thị Điều ở tổ 5, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ đã đưa con đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, cháu được chẩn đoán mắc tiêu chảy cấp do đường ruột trẻ bị nhiễm vi rút.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ 15/6 đến nay, số lượng trẻ nhập viện tăng hơn 100 trẻ so với trung bình các tháng trước đó, tập trung vào các bệnh như: Tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm phổi, sốt, chân tay miệng, viêm màng não, sốt xuất huyết…

1
Số trẻ nhập viện thường tăng cao vào mùa hè do mắc phải các bệnh về hô hấp, đường ruột...

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, để phòng tránh các bệnh trên cần vệ sinh sạch sẽ và cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh.

“Về mùa hè với đặc điểm thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi rút, vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dễ gây ra các loại dịch bệnh. Tại địa phương trong mùa hè năm nay, chúng tôi thấy nổi cộm lên là các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: Chân tay miệng, cúm, thủy đậu, tiêu chảy, Covid-19 đối với các trẻ sinh ra chưa mắc Covid-19,… Đây không phải là các bệnh nan y, tuy nhiên nếu trẻ mắc bệnh mà không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể dẫn tới các biến chứng bội nhiễm. Khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm và dẫn tới tử vong.” - Bác sĩ Mai Thị Tâm, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, thông tin.

Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện mắc bệnh, cha mẹ cần sát sao theo dõi, nếu thấy các triệu chứng chuyển nặng cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời; tránh để tình trạng bệnh trở nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị và hồi phục của trẻ./.

 

 

Nhật Oanh - Đức Long/DIENBIENTV.VN

Phòng tránh bệnh bại não

ĐBP - Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh hiện đang điều trị thường xuyên cho 11 trẻ mắc bệnh bại não. Bệnh này để lại những di chứng rất nặng nề, gây tàn tật chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em...

Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh) điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh bại não.

Cháu Đào Trần Gia Bảo, sinh năm 2019, trú tại xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) được gia đình đưa vào viện điều trị trong tháng 6 vừa qua. Do có tiền sử viêm não nên Gia Bảo phải mang trên mình những di chứng của bệnh bại não như yếu tay chân trái, không nói được, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Sau nhiều lần đưa con đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền huyện Điện Biên, gia đình tiếp tục đưa cháu đến Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh để điều trị.

Cũng trong tháng 6/2023, cháu Quàng Phúc Lâm, sinh năm 2018, trú tại xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) tiếp tục được mẹ đưa đến Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh điều trị bệnh bại não. Theo chia sẻ của gia đình, nguyên nhân khiến Phúc Lâm bị bại não là do bệnh nhi bị ngạt sau sinh. Dù gia đình đã đưa con đi điều trị tại nhiều bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, song tình trạng vẫn không cải thiện nhiều. Hiện Phúc Lâm bị chậm phát triển trí tuệ, yếu tứ chi, yếu cột sống cổ và cột sống thắt lưng, chưa biết bò, chưa ngồi và đứng được, cầm nắm yếu, chưa biết nói.

Bác sĩ Lường Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh) cho biết: Bại não là một hội chứng với nhiều triệu chứng do tổn thương não trong giai đoạn phát triển của trẻ. Rối loạn hệ thần kinh này không tiến triển và các triệu chứng của bại não thay đổi theo tuổi và sự phát triển của não. Nguyên nhân bại não thường xảy ra khi trẻ đang trong thời kỳ tiền sản, thời kỳ mới sinh và thời kỳ sau sinh như sinh non, cân nặng nhẹ hơn bình thường, nhiễm trùng bào thai, mẹ mang bầu lạm dụng thuốc, mẹ bầu bị tiền sản giật; sang chấn sản khoa, rối loạn nhịp tim, thiếu oxy não; trẻ sau sinh có dấu hiệu co giật, thiếu oxy não, chấn thương vùng đầu…

Bệnh bại não có thể ảnh hưởng toàn bộ đến khả năng vận động của cơ thể, hoặc chỉ ảnh hưởng một phần hoạt động của cơ thể, giới hạn ở một chi hoặc một nửa cơ thể. Với các dấu hiệu và triệu chứng gồm: Chậm phát triển các kỹ năng vận động, chậm phát triển về ngôn ngữ, phản xạ quá mức, mất thăng bằng hoặc thiếu phối hợp cơ, cử động không tự chủ, chảy nhiều nước dãi và có vấn đề với ruột, các vấn đề về thần kinh như động kinh, thiểu năng trí tuệ và mù lòa. Đến thời điểm hiện tại, để chẩn đoán chính xác tình trạng bại não vẫn chưa có phương pháp cụ thể mà quá trình bại não thường được theo dõi trong thời gian dài để xác định thông qua một số phương pháp như: Chụp CT, điện não đồ, điện não địa hình đồ, điện cơ đồ, sơ đồ trở kháng máu não.

Theo bác sĩ Lường Văn Tiến, hầu hết các trường hợp bại não không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, người mẹ có thể chủ động giảm thiểu nguy cơ bị bại não cho con bằng cách tăng cường sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng khi mang thai. Để ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro bị bại não ở thai kì hoặc đối với trẻ sơ sinh, người mẹ nên tiêm phòng đầy đủ nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng có thể gây tổn thương não của thai nhi. Cùng với đó, đảm bảo sức khỏe khi chuẩn bị mang thai, thường xuyên đi khám thai sớm trước khi sinh để giúp phòng ngừa sinh non, sinh con nhẹ cân và nhiễm trùng. Tuyệt đối không sử dụng thức uống có cồn và thuốc lá khi mang thai bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bị bại não ở trẻ. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng ngừa chấn thương đầu cho trẻ bằng cách sử dụng các thiết bị, đồ bảo hộ an toàn cho trẻ, áp dụng các biện pháp an toàn cho trẻ khi tham gia vui chơi, hoạt động (đội mũ bảo hiểm khi cho trẻ ngồi xe máy, cho bé ghế ngồi ô tô riêng, dùng mũ bảo hiểm xe đạp, để thanh vịn an toàn trên giường…) và giám sát thường xuyên khi trẻ chơi những trò chơi vận động mạnh hoặc nơi tiềm ẩn nguy cơ không an toàn.

Bài, ảnh: Châu Linh

 

Tháo gỡ khó khăn do thiếu thuốc, vật tư y tế

ĐBP - Thời gian qua, tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh diễn ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế dẫn đến người dân khi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng BHYT nhưng phải tự mua thuốc ở ngoài để điều trị, mất thêm chi phí. Trước thực trạng đó, ngành Y tế đã có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn trước mắt và có hướng xử lý dứt điểm khó khăn trong việc cung ứng thuốc, vật tư cho các cơ sở y tế trên địa bàn...

Nhân viên Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp thuốc, vật tư y tế cho các khoa chuyên môn.

Là người có tiền sử bệnh cao huyết áp, do vậy tháng nào bà Nguyễn Thị Tần, ở tổ dân phố 11, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cũng phải đi khám định kỳ vì có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vào những tháng đầu năm nay, khi đi khám tại Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, bà chỉ được các bác sĩ khám và thông báo là hết thuốc, do vậy bà phải tự mua thuốc ở ngoài để điều trị. Bà Nguyễn Thị Tần chia sẻ: “Hôm nay tôi đi khám bệnh và xin thuốc huyết áp, nhưng khi đến bệnh viện thì nhận được thông báo hết thuốc. Để điều trị bệnh buộc chúng tôi phải mua thuốc ở các quầy bên ngoài. Tôi mong các cơ quan ban ngành giúp đỡ để mỗi khi đi khám bệnh đều được phát thuốc và không mất thêm chi phí...”. 

Trường hợp bà Tần chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, máu nhiễm mỡ... khi đến khám tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gặp phải tình trạng thiếu thuốc và đã phải mua thuốc ở ngoài để điều trị. Chung trăn trở với bà Tần, ông Nguyễn Xuân Tiến, phường Mường Thanh chia sẻ: “Tôi mắc bệnh huyết áp, định kỳ cứ vào ngày 20 hàng tháng thì phải đi khám lấy thuốc uống, nhưng mấy tháng nay đầu năm không có thuốc mà đều phải mua ngoài. Tình trạng thiếu thuốc chung thì mình cũng phải chấp nhận đi mua ở ngoài để uống thôi...”.  

Để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vào thời điểm đó, các cơ sở y tế cũng đã chủ động các giải pháp để vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Ông Nguyễn Trọng Ninh, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì chúng tôi cũng đang xử lý theo nhiều cách. Một là, hẹn bệnh nhân sau khi khắc phục được sẽ mời đến cấp thuốc cho bệnh nhân. Thứ hai, đối với bệnh nhân không còn thuốc cấp bách phải điều trị thì chúng tôi sẽ chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiếp nhận và cấp phát thuốc cho người bệnh. Thứ ba, đối với một số trường hợp không có thời gian đi khám, chúng tôi cũng giải thích cho người bệnh sẽ thay thế một số loại thuốc khác cùng nhóm hoặc khác nhóm nhưng vẫn đáp ứng được công tác điều trị”.

Theo thông tin từ Sở Y tế, nguyên nhân thiếu thuốc vào thời điểm đầu năm được xác định do một số thuốc thuộc về thuốc chuyên khoa đấu thầu tập trung cấp quốc gia không trúng. Nguyên nhân thứ hai do việc đấu thầu tại các cơ sở y tế không có nhà thầu tham gia ở một số loại thuốc như thuốc hướng thần gây nghiện, dịch truyền và đặc biệt là thuốc đông y và các vị thuốc cổ truyền. Đến thời điểm này, các cơ sở y tế công lập đã hoàn thành việc tổ chức đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh năm 2023 nên cơ bản đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên vẫn còn thiếu một số thuốc do các cơ sở y tế đã tổ chức đấu thầu xong không trúng thầu (dù đã tổ chức đấu thầu lần thứ 2), như: Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, dịch truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền... hoặc một số thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia mà nhà thầu trúng thầu cung ứng chưa kịp thời. Ông Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trong hơn 100 danh mục đơn vị được giao đấu thầu lần 1 thì có 70% danh mục thành công, chỉ có khoảng 30% không thành công. Nguyên nhân được xác định là do giá kế hoạch đưa ra quá thấp nên các nhà thầu không tham gia. Tuy vậy, về cơ bản nguồn thuốc, vật tư y tế của đơn vị vẫn đảm bảo được công tác khám chữa bệnh cho người dân. Đơn vị đang tiến hành gấp rút tiến hành việc đấu thầu bổ sung lần 2 các danh mục thuốc còn lại, dự kiến trong tháng tới sẽ hoàn thành. Vào thời điểm này, đơn vị chỉ còn khó khăn về dịch chạy thận và phim chụp X-quang. Phương án khắc phục tạm thời là đơn vị trình xin mua phim X-quang trong trường hợp cấp bách cho tới lúc gói thầu lần 2 hoàn thành...”.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc như hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị điều phối thuốc giữa các cơ sở y tế với nhau một các hợp lý, sử dụng những loại thuốc tương đương để thay thế, nhằm giảm bớt chi phí cho người dân. Đồng thời, tập trung các giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Sở Y tế đã trình UBND tỉnh cho phép các đơn vị tự tổ chức mua các thuốc không trúng thầu. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng các thuốc có tác dụng tương tự để thay thế các thuốc không trúng thầu, triển khai dự trữ thuốc, vật tư y tế đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương tổ chức đấu thầu bổ sung các thuốc không trúng thầu; tổ chức điều chuyển các thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương giữa các cơ sở y tế. Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ thuốc, vật tư y tế để cung ứng ngay khi nhận được dự trù của các cơ sở y tế...

Bài, ảnh: Diệp Chi

 

Tin mới

Chính thức dừng các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh

ĐBP - Ngày 16/5, UBND tỉnh đã nhất trí chủ trương đối với đề xuất của liên ngành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng các hoạt động lưu thông qua cầu Mường Thanh (thuộc quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ) đối với các phương tiện giao thông nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Khách du lịch tham quan cầu Mường Thanh.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND TP. Điện Biên Phủ thống nhất giải pháp triển khai các công việc để thiết lập hệ thống chỉ dẫn, biển báo phân luồng giao thông. Chỉ dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực đập dâng nước thuộc dự án “Quản lý thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, thiết lập hệ thống bảo vệ di tích cầu Mường Thanh theo quy định.

Trước đó, ngày 15/4, UBND TP. Điện Biên Phủ đã tạm thời cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu và các công trình thuộc dự án hành trình tham quan khu vực sông Nậm Rốm dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án chiếu sáng do Pháp tài trợ và được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia chiếu sáng đến từ thành phố Lyon (Pháp)..

Tin ảnh: Đức Kiên

 

17/05/2024 16:44 316

Bắt 2 đối tượng mua bán trái phép 5 bánh heroin

Điện Biên TV - Các lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên vừa bắt quả tang 2 đối tượng khi đang có hành vi mua bán trái phép 5 bánh heroin

Hồi 14 giờ 30 phút ngày 12/5/2024, tại khu vực bản Na Pheo, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tổ công tác do Công an huyện Điện Biên Đông và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mường Chà, Công an huyện Mường Nhé và Cục Hải quan tỉnh Điện Biên bắt quả tang đối tượng Sùng A Páo (SN 1990) và Sùng A Minh (SN 1989) cùng trú tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé khi đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy; vật chứng thu giữ 5 bánh heroin, 1 xe máy.

Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

CTV Thành Trung, Thế Anh/DIENBIENTV.VN

15/05/2024 13:45 366

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư cảm ơn cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên

Ngày 14-5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn gửi cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Báo Điện Biên Phủ điện tử trân trọng đăng toàn văn nội dung thư của Đại tướng Phan Văn Giang:

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: QĐND

Kính gửi: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Trong thời gian vừa qua, để tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn, cơ động lực lượng, phương tiện từ TP Hà Nội lên tỉnh Điện Biên và ngược lại. Trên dọc đường hành quân với cự ly gần 500km, nhiều đèo, dốc hiểm trở, trải dài qua các địa bàn thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, các đơn vị hành quân đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ chu đáo, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hiệp đồng bảo đảm an ninh, an toàn của các lực lượng chức năng; sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân các địa phương. Những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu đó, đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ, động viên các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm đúng thời gian, an toàn tuyệt đối, tham gia tổ chức thành công Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc thời đại, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi trân trọng cảm ơn tình cảm và sự giúp đỡ quý báu, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, để các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, tôi mong rằng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; thường xuyên đùm bọc, giúp đỡ và tham gia xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành vững mạnh, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúc các đồng chí và toàn thể nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn!

 

Theo QĐND

 

15/05/2024 11:15 229

Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm