ĐBP - Xâm hại trẻ em luôn là vấn đề nhức nhối khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Những vụ xâm hại trẻ em xảy ra không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Trước tình hình đó đòi hỏi sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ từ ngành chức năng đến cộng đồng xã hội để tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Từ 1/1/2021 đến 30/4/2023, toàn tỉnh ghi nhận có 53 trẻ em bị xâm hại (10 trẻ em nam, 43 trẻ em nữ). Trong đó, bạo lực trẻ em 6 trẻ, xâm hại tình dục 41 trẻ, các hình thức gây tổn hại khác 6 trẻ. Theo đánh giá của Công an tỉnh, tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Qua theo dõi, nhóm trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm đa số, với 77,3% tổng số trẻ em bị xâm hại. Các vụ xâm hại chủ yếu xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đối tượng và nạn nhân phần lớn là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế.
Tại huyện Tủa Chùa, huyện vùng cao với phần đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác chỉ đạo, xây dựng và thực hiện các giải pháp về phòng ngừa trẻ em bị xâm hại luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm nhằm chung tay đẩy lùi vấn nạn xâm hại trẻ em. Ông Nguyễn Duy Hiệu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tủa Chùa cho biết: Phòng đã phối hợp với ngành công an và các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về giới, hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng ứng phó cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cả trẻ em. Tăng cường thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để người dân có thể phản ánh, tố giác các hành vi xâm hại cũng như bạo hành trẻ em… Thông qua các hoạt động góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Để tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em được thực hiện đồng bộ tới cơ sở. Từ 1/1/2021 đến 30/4/2023, lực lượng công an phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức 2.451 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 168.000 lượt người tham gia; tổ chức cho 1.350 khu dân cư, 129/129 xã, phường, thị trấn, 700 cơ quan, doanh nghiệp và 107.884 đại diện hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự. Cùng với đó, tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực trẻ em và người dưới 18 tuổi; xây dựng và triển khai các mô hình phòng ngừa, xâm hại trẻ em, giáo dục trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật…
Trước những hậu quả của xâm hại trẻ em, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, sự chung tay vào cuộc của gia đình, cộng đồng xã hội cũng rất quan trọng. Mỗi gia đình cần quan tâm quản lý, giáo dục con em về kỹ năng sống, ý thức tự bảo vệ mình trước hành vi xâm hại tình dục.
Chị Nguyễn Thị Nhung (TP. Điện Biên Phủ) thường xuyên trò chuyện cùng con gái vào những khi rảnh rỗi. Con gái chị năm nay hơn 10 tuổi, để giúp con khỏi bỡ ngỡ, ngoài nói cho con biết về sự thay đổi của cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì, chị Nhung còn trò chuyện với con về những vấn đề tế nhị khác. Chị Nhung chia sẻ: Thời gian qua, trên báo đài truyền thông, tôi biết có nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Nhận thấy việc phòng, chống xâm hại cho con em mình là rất quan trọng nên tôi đã chia sẻ với con nhiều hơn về vấn đề này. Thông qua những câu chuyện cụ thể, những tình huống trong cuộc sống và nhắc nhở con không tiếp xúc gần với người khác giới… tôi đã giúp con phân biệt được đâu là hành vi xâm hại, những vùng nhạy cảm trên cơ thể mà không thể cho người khác chạm vào, sự khác biệt của nam và nữ. Từ đó, giúp con xây dựng ý thức để chủ động bảo vệ bản thân.
Xâm hại tình dục trẻ em là tội phạm không mới, nhưng luôn là vấn đề “nóng”. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa các hành vi xâm hại cho trẻ em. Các địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình, hoạt động nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Cùng với đó, cộng đồng, xã hội hãy kiên quyết phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ngay từ trong mỗi gia đình, khu dân cư, để mọi trẻ em đều được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh và được phát triển toàn diện.
07/07/2023 10:14
Lượt xem: 325
1. Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin đúng, có giá trị giúp chính quyền kịp thời phát hiện tiêu cực, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý được xem xét khen thưởng theo quy định.
2. Cá nhân, tổ chức cung cấp, phản ánh thông tin không đúng sự thật, lợi dụng việc cung cấp thông tin qua phản ánh hiện trường để vụ lợi, gây rối hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, uy tín của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại (nếu có), xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
3. Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có thành tích trong công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin qua hệ thống thông tin phản ánh hiện trường được xem xét khen thưởng. Nếu thiếu trách nhiệm, vi phạm Quy định này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.