ĐBP - Những năm gần đây, tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác vẫn luôn là vấn đề “nóng”, chưa lời giải trên địa bàn tỉnh ta. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề xuất phát từ chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục còn những bất cập, chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Huổi Lếch là một trong những xã có số giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng, xin chuyển công tác nhiều nhất huyện Mường Nhé. Bởi lẽ đây là địa bàn khó khăn, địa hình hiểm trở, đi lại phức tạp, cuộc sống của giáo viên nhiều vất vả. Trường có 10 điểm bản; trong đó điểm Pa Tết cách trung tâm xã tới 40km, giao thông hoàn toàn là đường đất xuyên rừng, ngược núi, không sóng điện thoại, nước sạch, điện thắp sáng. Thế nhưng thu nhập tại đây lại thấp hơn nhiều xã khác trong huyện. Bởi lẽ, từ năm 2014, chia tách xã, Huổi Lếch không phải là xã biên giới nên cán bộ, giáo viên không có phụ cấp khu vực biên giới.
Huyện Mường Nhé còn 4 xã khó khăn, đường sá đi lại cách trở nhất huyện. Ðó là các xã: Pá Mỳ, Mường Toong, Nậm Vì, Quảng Lâm. Tiền lương của thầy cô công tác tại vùng khó này chênh lệch không đáng mấy so với các khu vực thuận lợi khác. Bởi vậy, năm 2022 Mường Nhé có 9 trường hợp thôi việc, 36 giáo viên chuyển vùng công tác, đầu năm năm 2023 đến nay có 5 người thôi việc, 29 người chuyển vùng.
Cùng với thiệt thòi đó, cô Bùi Thị Sáu, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Huổi Lếch chia sẻ: “Hiện Trường có 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên, với hơn 400 học sinh. Ở điểm bản, không có người nấu ăn, giáo viên tại điểm phải vừa dạy học, chăm sóc, vừa chuẩn bị bữa ăn cho các em. Hơn nữa, hầu hết các điểm bản là lớp ghép. Có điểm chỉ 1 giáo viên/1 lớp. Các cô phải gồng gánh nhiều việc, thực hiện nhiều nhiệm vụ trong một ngày, phụ cấp lớp ghép và tăng cường tiếng Việt được 450.000 đồng/tháng, chưa tương xứng với áp lực, cường độ công việc. Thu nhập chung sau khi tăng mức lương cơ sở của các cô cũng đã tăng lên nhưng với đặc thù vùng khó, đặc thù nghề nghiệp như vậy vẫn cần thêm sự quan tâm và những chính sách ưu đãi phù hợp”.
Ðây cũng là tình hình chung ở các địa bàn vùng khó Mường Nhé nói riêng, tỉnh ta nói chung. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé trăn trở: “5 xã đặc biệt khó khăn của huyện bị cắt mất phụ cấp đặc biệt nên thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Giáo viên, nhân viên nữ nghỉ chế độ thai sản không được hưởng lương, phụ cấp, kết thúc nghỉ thai sản mới được nhận chi trả chế độ BHXH thai sản. Vì thế, nhiều giáo viên, nhân viên chưa kết thúc nghỉ thai sản đã xin đi làm sớm để có thu nhập đảm bảo cuộc sống”. Ông Chùy cũng cho biết thêm, ngoài ra, toàn huyện còn 5 trường thiếu kế toán nên một số kế toán phải kiêm nhiệm làm cùng lúc từ 2 - 3 trường nhưng không được hưởng chế độ kiêm nhiệm (không có văn bản hướng dẫn chi trả chế độ). Cụ thể như kế toán Nguyễn Anh Chúc, Trường Mầm non Hoa Ban (xã Mường Nhé) đang kiêm Trường Mầm non xã Huổi Lếch; chị Lê Thị Thu Hòa, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Trần Văn Thọ (xã Mường Nhé) kiêm Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Nậm Vì... cách rất xa nhau. Dù các cá nhân đều nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không tránh khỏi tâm tư, xáo động.
Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục cần được quan tâm giải quyết. Như chế độ hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên chăm sóc, quản lý học sinh bán trú tại những trường chưa đủ điều kiện là trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng có nhiều học sinh ở bán trú. Nội dung này ở tỉnh ta có rất nhiều trường đang gặp phải, như: THCS Ẳng Tở (huyện Mường Ảng), THCS Khong Hin (Tuần Giáo)... Thầy cô chăm lo cho học sinh, phụ trách trông coi bán trú hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không có chế độ. Cùng với đó là không có kinh phí hỗ trợ giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn; kinh phí, định mức chi trả chế độ tăng giờ cho giáo viên còn thấp dù trong tình hình thiếu giáo viên, rất nhiều thầy cô phải tăng tiết quá số quy định mà không có cơ chế chi trả đúng đủ số tiết đã dạy...
Theo số liệu đầu năm học 2023 - 2024 của Sở Giáo dục và Ðào tạo, toàn ngành có hơn 15.550 người. Trong đó, cán bộ quản lý là 1.286 người, nhà giáo 12.184 người (thiếu 815 người so với định mức), nhân viên 1.339, hợp đồng lao động là 750 người. Toàn tỉnh có 483 trường, trung tâm, với 7.357 lớp và 206.154 học sinh, sinh viên, học viên.
Trong các cuộc làm việc về quản lý biên chế công chức, viên chức ngành Giáo dục, Sở Giáo dục và Ðào tạo nêu rõ: “Thu nhập đối với nhà giáo hiện còn thấp, chủ yếu là tiền lương nên chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Do đặc thù là tỉnh miền núi, giao thông đi lại phức tạp, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội gặp nhiều khó khăn, hạn chế; chính sách đãi ngộ riêng của tỉnh còn eo hẹp, nên một bộ phận viên chức chưa thực sự yên tâm công tác, thuyên chuyển công tác, thôi việc, biến động đội ngũ ngày một tăng”.
Trước thực tế đó, Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên cũng có nhiều kiến nghị liên quan. Trong đó kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 79/2019/NÐ-CP theo hướng không khống chế thời gian hưởng (5 năm) mà áp dụng chính sách thu hút đối với công chức, viên chức trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; có cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với nhà giáo công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn... nhằm ổn định đời sống cho đội ngũ giáo viên. Ðối với UBND tỉnh đề xuất bổ sung kinh phí hỗ trợ giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục năm 2019; bổ sung nguồn kinh phí riêng để thực hiện kế hoạch đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 giai đoạn 2023 - 2027; bổ sung nguồn kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên hàng năm để chi trả chế độ tăng giờ, chế độ đi học cho viên chức, chế độ hợp đồng một số loại công việc (trong đó có hợp đồng giáo viên) theo Nghị định số 111/2022/NÐ-CP của Chính phủ để đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục...
16/11/2023 10:36
Lượt xem: 466