ĐBP - Vấn đề cho học sinh sử dụng hay không sử dụng điện thoại trong trường học trở nên “nóng” liên quan đến Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Để tránh những tác động tiêu cực của việc sử dụng điện thoại quá mức trong trường học, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các biện pháp hạn chế. Những biện pháp này khá đa dạng, linh hoạt từ việc cấm hoàn toàn đến cho phép sử dụng có kiểm soát.
Dùng điện thoại phục vụ cho học tập đúng cách là rất tốt khi những thiết bị này có thể mở ra cho các em những điều thú vị và nhiều tiện ích... Song nếu không kiểm soát tốt, chính các em cũng phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi sử dụng thiết bị thông minh này.
Năm học 2024 - 2025, Trường PTDT nội trú THPT huyện Điện Biên có hơn 350 học sinh theo học. Với đặc thù là trường nội trú nên thay vì cấm hoàn toàn, nhà trường sẽ cho phép học sinh sử dụng điện thoại nhưng trong khuôn khổ và thời gian nhất định. Theo đó, những giờ học chính khóa buổi sáng, buổi chiều và giờ tự học buổi tối các em không được sử dụng điện thoại và các thiết bị khác, nếu có nhu cầu phải đăng ký với giáo viên. Ngoài ra, các lớp học đều được trang bị một bảng điện để sạc điện thoại, học sinh không được tự ý sạc pin điện thoại và các thiết bị khác ở phòng nội trú để tránh việc chập điện và cháy nổ.
Mỗi lớp được trang bị một hòm bảo quản, học sinh nếu mang điện thoại tới trường sẽ tự giác để điện thoại vào hòm trước mỗi giờ học; cuối giờ mới được lấy lại. Đây là quy định được Trường THPT Phan Đình Giót, TP. Điện Biên Phủ thực hiện quyết liệt từ 3 năm nay. Siết chặt hơn nữa việc học sinh sử dụng điện thoại, từ năm học 2024 - 2025, nhà trường đã lấy ý kiến phụ huynh thống nhất cho học sinh ký cam kết “không mang theo và không sử dụng điện thoại di động trong trường học”. Để đảm bảo việc đổi mới dạy học, nhà trường đã trang bị các thiết bị đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đồng thời, bố trí riêng một điện thoại cố định tại phòng bảo vệ để khi có nhu cầu cần thiết học sinh có thể liên lạc với gia đình.
Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Trên cơ sở thực tế, việc áp dụng Thông tư 32 được các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện linh động phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng trường, từng địa bàn. Dễ dàng nhận thấy, khi không phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại, các trường đều không còn cảnh học sinh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi. Thay vào đó, sân trường trở nên đông vui hơn, với nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu, trò chuyện giữa các học sinh.
Không có quy định nào cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Do đó, cấm hay quản điện thoại di động tại trường học là bài toán mở, nhiều lời giải, nhiều đáp án tùy vào môi trường, bối cảnh. Những biện pháp mềm dẻo và linh hoạt trong cách quản lý, cũng như tăng cường tuyên truyền, giáo dục về cách sử dụng điện thoại hợp lý, đang góp phần tạo nên môi trường học tập an toàn và hiệu quả hơn cho học sinh.
Thu Hằng
05/11/2024 15:23
Lượt xem: 228