Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả
ĐBP - Những năm qua, một số huyện đã xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực, từ đó tập trung phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh, bền vững. Ðến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Trước năm 2018, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu của gia đình và bán quả tươi cho thị trường trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tại địa bàn một số huyện đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Dứa, xoài, bưởi, chanh leo, cam. Ðặc biệt, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3417/QÐ-UBND Phê duyệt “Ðề án phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ðây là cơ sở, điều kiện để các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, chất lượng cao. Ðến nay, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 3.982ha; trong đó có hơn 1.400ha trồng tập trung, chiếm khoảng 35% tổng diện tích, có sự liên kết giữa người dân với hợp tác xã, người dân với doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp, chủ trang trại tự đầu tư nên đã quan tâm nhiều hơn về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng cây ăn quả đạt 9.365,3 tấn (tăng 15,38 tấn so với cùng kỳ năm 2022).
Ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Việc phát triển cây ăn quả trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Một số huyện, xã đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả, bước đầu thu được kết quả khả quan. Ðến nay đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, bước đầu hình thành một số liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Nhiều giống chất lượng tốt được sử dụng đã nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác kéo theo đó thu nhập, đời sống nông dân cũng nâng lên so với trước đây.
Thực hiện Ðề án Phát triển cây ăn quả, 10/10 huyện, thị, thành phố đã xây dựng kế hoạch, trong đó 7/10 địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; 3/7 huyện (Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Nậm Pồ) ban hành Kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030. Hiện nay, các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên và Mường Ảng đã có nhiều diện tích cây ăn quả cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ðơn cử như 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tuần Giáo đã xuất bán trên 100 tấn xoài cho Công ty rau quả Trung ương, với giá bán 7.500 - 10.500 đồng/kg.
Khi diện tích cây ăn quả đã phát triển ổn định, nhiều địa phương đã điều chỉnh kế hoạch đến năm 2025, thay vì thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích bằng việc tập trung chăm sóc, phát triển bền vững diện tích cây ăn quả hiện có.
Huyện Tuần Giáo xác định phát triển cây ăn quả chất lượng cao là một trong những hướng phát triển kinh tế chính của ngành nông nghiệp. Theo đó, huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện 56 dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 484,2ha; gồm: 248,1ha xoài; 52,9ha mít; 22ha nhãn chín muộn; 80,9ha lê; 66,9ha bưởi; 13,4ha chanh leo tím. Diện tích trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Pú Nhung, Rạng Ðông, Mùn Chung, Nà Tòng. Ðến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện Tuần Giáo đạt 620ha, nhiều diện tích cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ðặc biệt, có 3ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng.
Mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đến năm 2025, toàn huyện có 1.000ha cây ăn quả. Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đã điều chỉnh kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện tập trung chăm sóc, phát triển bền vững 600ha, giảm 400ha so với mục tiêu Nghị quyết. Lý giải về sự điều chỉnh trên, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc mở rộng diện tích cây ăn quả quá nhanh khiến một số diện tích người dân không đủ nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ và phát triển. Do đó, năng suất, sản lượng và chất lượng quả không đảm bảo. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chính xác thực trạng phát triển cây ăn quả trên địa bàn, huyện đã điều chỉnh kế hoạch, từ nay đến năm 2025 tập trung nguồn lực duy trì, phát triển ổn định, bền vững diện tích cây ăn quả hiện có; chăm sóc để vườn cây cho năng suất, sản lượng, chất lượng tốt. Ðồng thời, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.