Chính trị - Kinh tế

Chính trị - Kinh tế

Rộn rã ngày mùa trên cánh đồng Mường Thanh

NDO - Những ngày này, trên khắp cánh đồng Mường Thanh ở lòng chảo Điện Biên rộn ràng tiếng nói cười hòa trong tiếng máy hối hả vào vụ gặt. Máy gặt đến đâu người thu thóc, rơm đến đó. Suốt những ngày mùa, cánh đồng Mường Thanh luôn tấp nập cả ngày và đêm.

Máy móc thay sức người làm việc mải miết trên cánh đồng Mường Thanh.

Cuối ngày 10/5, khi trời đã nhập nhoạng tối nhưng bốn người trong gia đình ông Quàng Văn Inh ở thôn Pa Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vẫn mải miết trên cánh đồng. Người nào người ấy đều luôn tay gạt thóc, thu rơm đều đều theo tiếng máy.

Đưa tay gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, ông Quàng Văn Inh vui vẻ nói với chúng tôi về cái sự thể "làm cố" của gia đình. Ông Inh bảo rằng, lúa đã chín chắc rất dễ rụng hạt. Vì thế tranh thủ những ngày nắng lại có máy gặt nên mọi người tập trung gặt, phơi thóc cho xong thì mới yên tâm được. "Nông dân mà, thóc phải về nhà mới yên tâm", ông Inh tươi cười nói.

Rộn rã ngày mùa trên cánh đồng Mường Thanh ảnh 1

Máy gặt đến đâu người thu thóc đến đó.

Cũng mải miết gặt trên cánh đồng Mường Thanh lúc chiều muộn, gia đình ông Quàng Văn Lả ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên lại chọn cách gặt lúa phơi hong tại cánh đồng rồi thuê máy tuốt.

Tay thoăn thoắt gom từng gùi lúa trĩu bông để bó thành từng bó gọn gàng, ông Quàng Văn Lả vui vẻ nói như khoe: “Đầu vụ khô hạn nhưng thủy nông điều tiết nước hài hòa nên lúa sinh trưởng tốt. Vụ đông xuân này được mùa lắm. Gia đình tôi gieo cấy gần 5.000m2 giống lúa đài thơm và tám thơm, năng suất đạt hơn 70 tạ/ha. Nghe giá chung năm nay cũng cao hơn mọi năm nên gia đình tôi vui lắm".

Hỏi thêm ông Lả về giá lúa, được biết, hiện tại lúa đã khô được thương lái thu mua từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg; so vụ trước giá hiện cao hơn khoảng 3.000 đồng mỗi kg.

Ông Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Noong Hẹt là xã cuối kênh nên thường bị thiếu nước, vậy nhưng năm nay được thủy nông điều tiết nước hợp lý nên diện tích lúa ruộng vụ đông xuân của Noong Hẹt tương đối cao với tổng diện tích gieo cấy hơn 331ha lúa đông xuân. Qua thăm đồng, định sản cho thấy năng suất, sản lượng trung bình đạt gần 68 tạ/ha; so với vụ đông xuân năm 2022-2023 thì tăng gần 3 tạ/ha. Noong Hẹt hiện được nhận định là một trong những xã có năng suất, sản lượng lúa đông xuân tăng cao hơn các xã khác trong toàn huyện.

Rộn rã ngày mùa trên cánh đồng Mường Thanh ảnh 3

Niềm vui những ngày làm mùa của nông dân trên cánh đồng Mường Thanh.

Đồng tình với nhận định của ông Vũ Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Chu Văn Bách, cho biết: Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 4.230,9ha; trong đó 12 xã vùng lòng chảo và các tổ chức khác gieo cấy 3.575,3ha; 9 xã vùng ngoài gieo cấy hơn 655ha. Cơ cấu giống chủ yếu là séng cù, vai gãy, hana, đài thơm, tám thơm, nếp và một vài giống lúa thuần địa phương.

Qua thăm đồng định sản và căn cứ sản lượng tại cánh đồng các xã vùng lòng chảo mà nhân dân đã thu hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên dự ước năng suất bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ha; tổng sản lượng hơn 26.265 tấn và đạt 100,8% so với kế hoạch huyện giao.

Với giá lúa trên thị trường hiện nay dao động từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg (tùy loại) thì cơ quan chức năng nhận định lúa đông xuân được mùa được giá. Hiện tại, hầu hết diện tích lúa trong các xã vùng lòng chảo, gồm: Hua Thanh, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Pom Lót đã chín, do vậy nông dân đang tập trung thu hoạch; tranh thủ những ngày nắng nóng bà con đều làm cả ngày cả đêm để bảo đảm lúa đạt năng suất cao nhất.

Nhắc lại một số diễn biến thời tiết bất lợi đầu vụ, ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, nói rằng, bất lợi nhất là khi vừa mới xuống giống thì nắng nóng kéo dài và một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của nông dân và ngành chuyên môn, chính quyền các cấp thường xuyên thăm đồng có giải pháp khắc phục đồng bộ nên cây lúa vượt qua giai đoạn hạn, sinh trưởng tốt.

Từ kinh nghiệm thực tiễn ứng phó, khắc phục diễn biến bất lợi sản xuất lúa vụ đông xuân trên cánh đồng Mường Thanh vừa qua, ông Chu Văn Bách cho rằng, quan trọng nhất là sự chủ động của nông dân và sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị liên quan. Bởi chỉ khi người nông dân chủ động tuân thủ lịch thời vụ, chủ động thăm đồng phát hiện sâu bệnh hại và chủ động thông tin diễn biến bất lợi đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khó khăn, bất lợi sẽ được tháo gỡ kịp thời.

Ngoài ra, việc điều tra, dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại từ phía cơ quan chuyên môn cũng rất quan trọng trong việc dự liệu giải pháp khắc phục kịp thời.

Rộn rã ngày mùa trên cánh đồng Mường Thanh ảnh 4

Lúa gặt xong được phơi luôn trên đồng đợi máy tuốt.

Hiện tại, người dân các xã trên địa bàn huyện Điện Biên tập trung máy móc, nhân lực thu hoạch lúa vụ đông xuân tránh mưa gió làm đổ, rụng hạt. Đồng thời, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân khẩn trương xử lý rơm rạ, làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ hè thu, bảo đảm khung thời vụ.

Lê An

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Hoàn thành nhiệm vụ tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), cán bộ, chiến sĩ các khối tập kết tại Đường 7-5 để lên xe về đơn vị. Ba tháng luyện tập tập trung và 15 ngày có mặt ở thành phố Điện Biên Phủ với nhiều lần hợp luyện, các khối tham gia diễu, duyệt đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc với đồng bào, chiến sĩ và nhân dân thành phố. Ngày mai, 8-5, các lực lượng sẽ tổ chức cơ động về đơn vị, rất đông người dân đã đến tận xe, chụp ảnh, cổ vũ, động viên, lưu luyến chia tay.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc những hình ảnh xúc động trong giờ phút này

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Đi trong sự cổ vũ nồng nhiệt của nhân dân.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Dù đã hơn 5km từ sân vận động, người dân vẫn đứng chật hai bên đường đợi đoàn xe chỉ huy và tổ Quân kỳ toàn quân cùng các đội hình diễu binh.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Khối nữ quân nhạc luôn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Duyệt đội ngũ trong sự cổ vũ động viên của đồng bào và du khách.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt đầy lưu luyến.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Tranh thủ chụp những tấm hình kỷ niệm đẹp.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Những nụ cười rạng rỡ Điện Biên hôm nay.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Trong vòng tay nhân dân, niềm vui khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Khối nữ Sĩ quan Quân y với nhiều đồng chí ở Quân khu 1 chào tạm biệt đồng bào.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Các cán bộ, chiến sĩ khối Cảnh sát biển Việt Nam chia tay học sinh, sinh viên và người dân Điện Biên.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩĐồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Vẫy chào tạm biệt Điện Biên.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Người dân chụp ảnh cùng xe chỉ huy, tổ Quân kỳ toàn quân.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

...bùi ngùi xúc động.

Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ

Lưu luyến phút chia xa.

 

TUẤN HUY (thực hiện)

 

Chiến sĩ Điện Biên mong thế hệ trẻ lập nên những kỳ tích mới

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư mong muốn  thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc; tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới.

Ông Phạm Đức Cư (94 tuổi) nguyên trợ lý tham mưu tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 pháo cao xạ bày tỏ vinh dự được thay mặt cho các chiến sĩ Điện Biên phát biểu tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra sáng 7/5, tại tỉnh Điện Biên.

"Là một người lính năm xưa, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được tận mắt chứng kiến những thời khắc lịch sử oanh liệt và đầy cam go, thử thách của dân tộc trên mặt trận, tôi vô cùng xúc động tưởng nhớ tới những đồng chí, đồng đội và nhân dân đã hy sinh để làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ông Cư chia sẻ.

Ông Phạm Đức Cư phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh

Cách đây tròn 70 năm, trận quyết chiến - chiến lược lịch sử Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 394 và Tiểu đoàn 383 thuộc Trung đoàn 367 pháo Cao xạ vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ dựng lưới lửa phòng không trên vùng trời Điện Biên, chiến đấu với không quân của địch, bảo vệ đội hình các đơn vị bộ binh. 

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lực lượng pháo cao xạ qua 56 ngày đêm trong mưa bom, bão đạn, anh dũng chiến đấu, cùng các đơn vị bạn đã đánh thắng không lực của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch trên vùng trời Điện Biên, bắn rơi 62 chiếc máy bay các loại, trong đó có cả pháo đài bay B24, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Ông Cư cho biết, chiến dịch thắng lợi, đơn vị của ông vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vị cựu binh bày tỏ, chiến tranh đã lùi xa, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa được chứng kiến sự đổi thay phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Các cựu binh phấn khởi và tự hào đã đóng góp một phần công sức của mình để làm nên mảnh đất Điện Biên anh hùng và tươi đẹp hôm nay. 

"Mình là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ", ông nói.  

Khối Chiến sĩ Điện Biên trong lễ diễu binh, diễu hành sáng 7/5. Ảnh: Hoàng Hà. 

Đồng thời, ông Phạm Đức Cư tin tưởng và mong rằng, thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mang khát vọng thanh xuân hòa cùng khát vọng dân tộc

Tiếp đó, đại diện cho thế hệ trẻ, chị Vũ Quỳnh Anh (29 tuổi) có bài phát biểu xúc động về những suy nghĩ, cảm tưởng của thế hệ trẻ nhân sự kiện trọng đại của đất nước.

Chị Vũ Quỳnh Anh xúc động chia sẻ, bản thân may mắn được sinh ra trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, có ông bà là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

"Trong hình dung của cháu từ những câu chuyện, thước phim và lời kể của ông bà, Điện Biên Phủ là vùng đất “huyền thoại”, nơi chứng kiến tinh thần quật cường, anh dũng của quân và dân ta với “56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm; mưa dầm cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng, chí không mòn", chị Vũ Quỳnh Anh kể. 

Chị bày tỏ, Điện Biên Phủ là nơi các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi mang trong mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, với bao tấm gương như anh Bế Văn Đàn, anh Tô Vĩnh Diện, anh Phan Đình Giót, anh Trần Can… 

Thời gian trôi đi, chiến trường ác liệt năm xưa giờ đã thay da đổi thịt từng ngày, nhiều chiến sĩ Điện Biên như ông bà của chị Vũ Quỳnh Anh đã ở lại mảnh đất này, xây đắp hạnh phúc và xây dựng quê hương. 

Chị Vũ Quỳnh Anh. Ảnh: Lâm Khánh

Chị Vũ Quỳnh Anh đúc rút: "Trang sử hào hùng về Điện Biên Phủ năm xưa đã cho cháu niềm tin yêu, niềm tự hào về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, về trách nhiệm mà cháu luôn khắc ghi trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp. Đó cũng là những hành trang vô cùng quý giá, giúp cháu có thêm động lực khi trở thành một cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh". 

Chị dẫn lại câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “cần phải phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”. 

Từ đó, chị Vũ Quỳnh Anh cho rằng, thế hệ trẻ ý thức sâu sắc rằng "mỗi thành quả mà chúng cháu được thụ hưởng ngày nay được đánh đổi bằng máu xương của các bậc tiền bối cách mạng và hàng triệu người con Việt Nam".

“Máu của anh chị, của chúng ta không uổng

Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ sẽ không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Người dân hân hoan chào mừng các khối diễu binh, diễu hành. Ảnh: Phạm Hải

Thế hệ trẻ nguyện không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, chung sức cùng cộng đồng; quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

"Thế hệ trẻ chúng cháu rất vinh dự và nguyện dốc sức mang khát vọng thanh xuân của mình hòa cùng với khát vọng chung của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc", chị Vũ Quỳnh Anh nói.

Chị Vũ Quỳnh Anh đang là chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn. Chị đã nhận được giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. 

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" *

 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu Diễn văn do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

 
07/05/2024  13:50
Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" *- Ảnh 1.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Kính thưa các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động!

Thưa quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài!

Hôm nay, trong không khí vui mừng, phấn khởi, tự hào của cả nước, tại thành phố Điện Biên Phủ tươi đẹp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc".

Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt chào mừng và xin gửi tới quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất!

Nhân buổi Lễ trọng thể này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi đến toàn thể quý vị, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước lời chúc mừng, những tình cảm chân thành, thân thiết nhất và chúc Lễ kỷ niệm của chúng ta thành công tốt đẹp!

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Vị Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Chúng ta tưởng nhớ và tri ân sâu sắc Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Sau 70 năm ngày Chiến thắng, chúng ta vẫn băn khoăn, trăn trở, ngậm ngùi khi còn đó nhiều liệt sĩ chưa xác định được đủ thông tin; nhiều cựu chiến binh vẫn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm đồng đội; nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng thông tin về người thân đã hy sinh trên chiến trường; máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa quện vào lòng đất Điện Biên - Tây Bắc, để góp phần cho ngày hôm nay đất nước ta được độc lập, tự do và Nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung của dân tộc, chúng ta chân thành biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Lào, Campuchia anh em trong liên minh đoàn kết chiến đấu Ba nước Đông Dương đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam nói chung. 

Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!

Thừa hưởng những thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và niềm vui độc lập chưa lâu, Nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, với tinh thần "Nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nhất tề đứng lên kháng chiến và lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã đánh giá tình hình và quyết định thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên các mặt trận, phối hợp chặt chẽ trên phạm vi cả nước và trên toàn Đông Dương với phương châm "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt"; dẫn đến sự đảo lộn của Kế hoạch Na-va, buộc địch bị động chống đỡ và ngày càng lún sâu vào thất bại trên khắp các chiến trường. Trước sự tăng cường hoạt động của ta trên hướng Tây Bắc và các chiến trường khác, địch vội cho quân đánh chiếm Điện Biên Phủ với âm mưu biến nơi đây thành "một tập đoàn cứ điểm mạnh", "một pháo đài khổng lồ không thể công phá".

Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhận định đúng và rõ tình hình chiến trường, thế và lực của ta, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ kính yêu đã chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước  đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho bằng được". Điện Biên Phủ đã trở thành "điểm quyết chiến chiến lược" giữa ta và địch, trong đó Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" *- Ảnh 2.

Thủ tướng: Quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta đã mở các đợt tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường. Những chiến công vang dội của quân và dân ta trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, vừa tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vừa giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản kế hoạch Na-va, buộc địch phải chia cắt, phân tán lực lượng để đối phó.

Tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, từ công tác bảo đảm bí mật, hậu cần, quân số cho đến vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật; trong khi đó địch "binh hùng, tướng mạnh" với vũ khí, trang thiết bị hiện đại. Phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyếntất cả để chiến thắng", hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công hoả tuyến cùng nhân dân các địa phương đã ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, xuyên đèo, lội suối, mở hàng nghìn km đường giao thông cho bộ đội hành quân, vận chuyển vũ khí, lương thực, hậu cần cho Chiến dịch. Với thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, với ý chí cứu nước dâng cao như "triều dâng, thác đổ", chúng ta đã hội tụ được sức mạnh tổng hợp vô song, sẵn sàng cho Chiến dịch.

Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh", Đảng ủy Mặt trận, trực tiếp là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược, quyết đoán của một vị tướng tài ba, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" ngay trước giờ mở màn Chiến dịch.

Trải qua "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn", với "đôi chân đất", tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội - "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến "Toàn dân, toàn diệntrường kỳdựa vào sức mình là chính", là thắng lợi của tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Marx - Lenin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công".

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được Nhân dân các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước phát huy cao độ và tận tâm, tận lực dốc sức, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân "từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu" với trên 4 vạn cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng trên chiến trường là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, tạo tiền đề cho những chiến công, thắng lợi tiếp theo của Nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Đảng ta, Nhân dân ta đã lựa chọn. Đến nay, 70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau:

Một là, xác định đường lối kháng chiến đúng đắn, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Hai là, phát huy tinh thần yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ba là, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xác định đúng đường lối chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam.

Bốn là, xây dựng và củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Năm là, kết hợp chặt chẽ, hài hoà, hiệu quả giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.

Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, viết tiếp bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách như Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Nhân dân Campuchia lật đổ và thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với thời kỳ đầu đổi mới, đạt 4.300 USD năm 2023; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và đang nỗ lực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ và là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh. Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho hợp tác phát triển.

Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; xu hướng phân tách, phân mảnh và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang, căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới. Sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các yếu tố rủi ro gia tăng. Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với toàn thế giới; những yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... ngày càng phức tạp, khó dự báo, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước tình hình đó, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với những thành tựu, kết quả đã đạt được; nhưng cũng không bi quan, hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức; ngược lại càng áp lực, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn; khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa; càng phấn khởi, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ đi trước, càng củng cố niềm tin và thấy rõ trách nhiệm với đất nước trong hiện tại và tương lai; vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!

Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng, nghìn năm văn hiến, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, thời gian tới chúng ta nguyện tiến bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng chung sức, đồng lòng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện thật tốt chủ trương: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt"; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên để hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; trong đó tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

1. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, liên kết vùng, đô thị hóa...

2. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ, hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị với quan điểm xuyên suốt là: lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển nhanh, bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến, vươn lên, nhất là đối với thế hệ trẻ. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; ưu tiên bố trí nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; trong đó có tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc "phên giậu" thân yêu của Tổ quốc.

3. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

4. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam": gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; góp phần gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

5. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; lan toả gương người tốt, việc tốt; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, phát triển nhanh, bền vững.

Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực; tận dụng mọi thời cơ, vận hội mới; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng, những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệtnhững khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu:

"Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên".

Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Dân tộc Việt Nam anh hùng, tiếp tục trên chặng đường vinh quang dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, toàn thể chúng ta, với tất cả trách nhiệm, lý trí và nghị lực, hãy sống, làm việc, cống hiến hết sức mình; hãy nỗ lực vươn lên bằng trí tuệ, niềm tin, lòng yêu nước nồng nàn trong từng nhịp đập của mỗi trái tim; hãy góp sức, nỗ lực nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân; hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tinh thần Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ muôn năm!

Vinh quang đời đời thuộc về các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân!

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Tôi xin được kính chúc quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Đường hàng không Điện Biên sau 70 năm

ĐBP - Từ một sân bay dã chiến của quân đội Pháp, nhằm tăng viện quân lương, vũ khí cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đến nay sân bay Điện Biên đã trở thành một cảng hàng không hiện đại ở khu vực Tây Bắc.

Sân bay Điện Biên trước đây là sân bay Mường Thanh của quân đội Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Sân bay Mường Thanh được người Pháp đầu tư xây dựng phục vụ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là điểm cốt yếu trong chiến lược thiết lập một tập đoàn cỡ lớn nhằm tiêu diệt quân chủ lực Việt Nam, giành lại Đông Dương. Đường băng sân bay được ghép bằng hàng vạn tấm ghi sắt làm sẵn từ Pháp chuyển sang bằng máy bay, thả dù và lắp ghép tại Điện Biên. Khu vực cất và hạ cánh rộng 25m, dài 120m.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại Sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm nhưng các chuyến bay rất ít. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Cảng Hàng không Điện Biên vẫn được duy trì nhưng hầu như không khai thác. Đến năm 1984, kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến đường bay Hà Nội - Điện Biên bằng máy bay AN24, AK40... được khôi phục, sân bay đưa vào khai thác với đường băng ghi nhôm dài 1.400m.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, sân bay Điện Biên được Quân đội Việt Nam tiếp quản. (Ảnh tư liệu )

Sau một thời gian khai thác, do điều kiện kỹ thuật không cho phép, ngày 30/1/1995 đường bay bị cắt để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, Sân bay Điện Biên đã hoạt động trở lại với kết cấu hạ tầng chính gồm 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830m x 30m; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Tuy nhiên, do hạn chế về tĩnh không ở hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác loại máy bay cỡ nhỏ là ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Hiện nay sân bay Điện Biên đã được đầu tư xây dựng hiện đại.

Sau hơn 8 tháng tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác đầu tư xây dựng, mở rộng, ngày 2/12/2023, Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại. Đây là lần đầu tiên sân bay Điện Biên đón các dòng máy bay cỡ lớn, hiện đại A320, A321 và tương đương. Với việc đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, thời gian bay từ Hà Nội - Điện Biên và ngược lại chỉ mất khoảng 35 phút bay và từ TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên cũng chỉ gần 2 giờ.

Cảng Hàng không Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng đã góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển ngành du lịch, thương mại, dịch vụ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - những tiềm năng, lợi thế lớn nhất của tỉnh Điện Biên. Trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định tập trung phát triển giao thông với Cảng Hàng không Điện Biên là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại.

Sân bay Điện Biên đáp ứng dòng máy bay cỡ lớn, hiện đại A320, A321 và tương đương cất, hạ cánh.

Chỉ sau 4 tháng hoạt động trở lại, lượng hành khách đi và đến Cảng Hàng không Điện Biên đạt 906 lượt chuyến với tổng vận chuyển 69.900 hành khách. Sản lượng hành khách trong quý I/2024 thông qua sân bay Điện Biên tăng hơn 38% so cùng kỳ năm 2022 và tăng gần 77% so cùng kỳ năm 2021.

Năm 2024 là Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ước tính lượng khách sẽ tăng cao. Từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không đều tăng số lượng chuyến phục nhu cầu hành khách. Trong đó, Hãng Hàng không Vietjet tăng tuần suất bay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên lên 28 chuyến mỗi tuần. Vietnam Airlines tăng gần gấp đôi tần suất bay đến Điện Biên từ ngày 3 - 8/5. Cụ thể, hãng sẽ khai thác 3 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đi Điện Biên và chiều ngược lại, phục vụ nhu cầu người dân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các thiết bị hiện đại được đầu tư đáp ứng nhu cầu hành khách.

Cùng với phát triển du lịch, việc xây dựng mở rộng sân bay góp phần không nhỏ trong việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 thêm khoảng 15.000 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương năm 2025 sẽ tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người dự kiến tăng thêm khoảng 189 USD năm 2025; góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động. Quý I/2024, tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 3.629 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài khu vực Nhà nước đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên sẽ tác động đến liên kết, phát triển vùng và tiểu vùng quốc tế. Bởi Điện Biên nằm trong mối liên kết quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN khi tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phoong Sa Ly và Luông Pha Băng (Lào).

Sau khi đầu tư mở rộng, hành khách qua Sân bay Điện Biên liên tục tăng cao.

Từ một sân bay dã chiến của quân đội Pháp, ngày nay sân bay Điện Biên đã trở thành một cảng hàng không hiện đại của miền Bắc. Sân bay Điện Biên được coi là cột mốc quan trọng trong ngành Hàng không Việt Nam, mở ra cơ hội và tạo thêm động lực phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên cũng như khu vực Tây Bắc. Đến nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong 6 tỉnh khu vực Tây Bắc có sân bay đang hoạt động.

Bài, ảnh: Văn Tâm

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn chuyển đổi số

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những kỳ tích, biến cái không thể thành có thể, biến điều chưa từng có tiền lệ trở thành những trang sử hào hùng. Điện Biên Phủ và chuyển đổi số là những kỳ tích như thế…

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Đảng và dân tộc ta chiến thắng thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Đối với dân tộc ta, đó là một nhiệm vụ khó khăn nhất sau 9 năm kháng chiến. 70 năm sau, chúng ta lại đứng trước một nhiệm vụ đầy thử thách, đó là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng…

Từ tầm nhìn chiến lược

Nguyên lý để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời đại công nghiệp 4.0 là với những công việc mà chúng ta chưa từng làm thì không thể dùng kinh nghiệm mà phải dùng "tầm nhìn chiến lược" để triển khai thực hiện.

Tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ thể hiện rõ trong việc lựa chọn địa điểm quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ cũng như niềm tin chiến lược mà Bác đặt vào Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tướng quân tại ngoại", "giao cho chú toàn quyền".

Với chuyển đổi số, tầm nhìn chiến lược của Đảng đã cụ thể hóa khi xác định rõ chuyển đổi số là động lực để xây dựng đất nước ta hùng cường và thịnh vượng, tới năm 2045 trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Bài học ấy ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bài học về tầm nhìn chiến lược trong trận Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị. Ảnh: Tư liệu

Ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh chiến dịch. Toàn bộ mặt trận đều quyết tâm một lòng "đánh nhanh, thắng nhanh" trong 2 ngày, 3 đêm. Chỉ riêng Đại tướng là trăn trở, suy tư và cuối cùng ông đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, đó là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc, kéo pháo ra, chuẩn bị lại".

Trong giai đoạn đầu, người dân và xã hội vẫn nghĩ chuyển đổi số là nhiệm vụ của các kỹ sư công nghệ thông tin. Nhưng với một Ban chỉ đạo Quốc gia do Thủ tướng làm Trưởng ban, guồng máy chuyển đổi số đã vận hành trơn tru, ngay cả trong đại dịch Covid-19. Tới thời điểm này, việc ra chợ mua một mớ rau, uống một ly trà đá cũng có thể quét mã QR để trả tiền đã trở nên hết sức bình dị.

Để chuyển đổi số, phải hoàn toàn thay đổi tư duy và nhận thức. Nokia, Kodak, Yahoo Messenger… đã biến mất và thay bằng Iphone, Viber, Zalo… là những ví dụ về việc "cá chậm" đã bị "cá nhanh" nuốt chửng như thế nào.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, "cá lớn" đã không nuốt được "cá bé", mà ngược lại, nhanh nhạy thay đổi tư duy và nhận thức đã khiến chúng ta chiến thắng thực dân Pháp như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận trước đó: "Nay tuy châu chấu đá voi, nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra"…

Thực dân Pháp bê nguyên công thức tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản đưa vào Điện Biên Phủ. Nhưng chúng ta đã thay đổi nhanh hơn họ một bước. Không rập khuôn cách đánh mà thay vào đó, kẻ địch đã bất ngờ khi bộ đội ta không đánh nhanh nữa.

Chúng ta bố trí pháo binh ở các vị trí mà lực lượng pháo binh Pháp không thể phản pháo. Chúng ta tập trung được một lực lượng hùng hậu lên tới 5 đại đoàn bộ đội khỏe, no đủ, mạnh mẽ… Và thực dân Pháp đã hoàn toàn bị bất ngờ tại Điện Biên Phủ.

Quản lý, vận hành khoa học, hiệu quả

Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn, diễn ra trong thời gian dài. Do đó, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ chiến trường là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt.

Tháng 7/1953, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương. Bên cạnh đó, bảo đảm hậu cần tại chỗ là phát kiến rất độc đáo của cha ông ta nhằm tạo điều kiện cho hậu phương tập trung vào những nhiệm vụ mà hậu cần tại chỗ chưa giải quyết được. 

Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 465 tấn thực phẩm khô, hàng trăm tấn muối... Nhưng sau khi chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" tổng số nhu cầu tăng gấp 2 tới 3 lần.

Chúng ta cần huy động tới 3.000 dân công hỏa tuyến từ hậu phương cách xa tiền tuyến tới 600 km… Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được tổ chức thành 2 tuyến rõ nét và khoa học: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp các liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 đảm nhiệm.

Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm. Vật tư hậu cần được vận chuyển bằng mọi phương tiện: Cơ giới, mang vác bộ, dùng xe đạp thồ, dùng thuyền... Ta đã huy động 261.451 dân công, bằng 12 triệu ngày công (tuyến chiến dịch sử dụng 3 triệu ngày công).

Tại Điện Biên Phủ, Nhân dân và bộ đội ta đã nâng công tác hậu cần lên thành một nghệ thuật mà sau này chính các tướng lĩnh, chuyên gia quân sự, học giả các bên thừa nhận đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thắng lợi của chúng ta.

Ngày nay, khi chuyển đổi số, con người sẽ viết ra các quy trình và robot, máy móc sẽ thực quy trình ấy, bất kể hay dở, đúng sai. Tối ưu hóa quy trình làm việc hay tối ưu hóa hoạt động của tổ chức, đơn vị là một bước quan trọng con người buộc phải làm.

Bài học về tối ưu hóa quy trình và ứng dụng khoa học, công nghệ tại Điện Biên Phủ đã soi sáng nhiệm vụ chuyển đổi số hôm nay.

"Cầu Trần Đăng Ninh" - cây cầu mang tên người thủ trưởng ngành hậu cần quân đội là một sáng tạo rất khoa học. Cầu được xếp bằng những viên đá chìm ở dưới suối bảo đảm cho các lực lượng của ta qua được, đồng thời các viên đá chìm sát mặt nước sẽ ngụy trang an toàn với phương tiện trinh sát địch.

Trước khi chiếc xe đạp thồ xuất hiện, thực dân Pháp đã tính toán chi tiết và cụ thể tới mức biết được một người dân công chỉ có thể vận chuyển tối đa được 1 bao gạo và khi vận chuyển tới được chiến trường Điện Biên Phủ, bao gạo ấy chỉ còn lại khoảng ½ cho tới ¼, không bảo đảm bộ đội no, khỏe.

Nhưng chiếc xe ba gác đã làm thay đổi mọi tính toán. Chỉ với 10 chiếc xe đạp như vậy có thể chở tương đương với 1 chiếc xe vận tải. Cán cân hậu cần của cuộc chiến đã hoàn toàn thay đổi.

Chúng ta đã tiến hành kéo pháo bằng sức người rất khoa học. Đầu tiên là kéo thử 1 khẩu pháo với số lượng bộ đội kéo là 30 người (20 chiến sĩ bộ binh và 10 pháo thủ) trong đó nhiệm vụ cầm càng luôn được dành cho pháo thủ.

Dần dần ta chọn được con số người tối ưu để kéo một khẩu pháo. Các chiến sĩ đã đưa ra sáng kiến dùng dây mụng đem về đập dập, bện ba sợi làm một để khiêng pháo, cả chiến dịch không phải thay dây.

Hoặc sáng kiến mỗi chiến sĩ chuẩn bị một đoạn dây cóc móc vào dây chão, choàng qua vai như người kéo thuyền, kéo gỗ thì nhẹ và khỏe hơn khiến hiệu suất kéo lên nhanh gấp ba so với lúc đầu, mà bàn tay cũng đỡ nát.

Hay mỗi khẩu đội lựu pháo đẽo một "vai cày" buộc vào dưới lưỡi cày để càng pháo trượt trên mặt đất, pháo thủ không phải vác càng lên vai, vừa đi được nhanh, vừa đỡ nguy hiểm...

Những sáng kiến như làm cây cầu bám theo kiểu trốn cột, một đầu bám ghếch vào sườn núi, một đầu thì đặt trên cột rất vững chắc của bộ đội công binh chiến dịch hoặc bọc giấy nilon màu xanh vào đèn pin để vẫn soi được đường và ngăn ánh sáng lóe xa sẽ dễ bị máy bay địch phát hiện.

Đó là ứng dụng khoa học, công nghệ rất "Việt Nam".

Năng lượng của trái tim

Các nghiên cứu ngày nay cho thấy rằng, khi trái tim con người còn mang nặng suy tư thì dù đang giàu sang, no ấm, chúng ta vẫn không có được năng lượng để thực hiện bất kỳ công việc gì. Nhưng khi trái tim của con người tràn đầy năng lượng tích cực thì có thể lao động cả ngày hầu như không mệt mỏi. Sức mạnh của toàn dân tộc ở Điện Biên Phủ ngày ấy là minh chứng về năng lượng của trái tim như vậy.

Đó là năng lượng trái tim của quần chúng, nhân dân, của bộ đội cùng nhìn theo tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ không quản ngại hy sinh, gian khổ lớn hơn tất cả mọi nghị quyết, mệnh lệnh, để chiến đấu và chiến thắng.

Và chỉ có một mệnh lệnh duy nhất làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày hôm qua và chuyển đổi số hôm nay, đó là mệnh lệnh từ trái tim của con người.

Đảm bảo an toàn cho du khách tham quan tại Điện Biên

ĐBP - Dưới cái nắng gay gắt kèm gió Lào khô rát, hơn 1 tháng nay, cán bộ chiến sĩ Công an TP. Điện Biên Phủ vẫn luôn thường trực từ sáng sớm tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện vào bãi đỗ xe, nhắc nhở lái xe an toàn. Qua đó góp phần quan trọng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn cho du khách khi tham quan tại Điện Biên.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự điều tiết giao thông tại  Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ

Từ đầu tháng 3/2024, khách du lịch đến Điện Biên tăng đột biến. Càng gần ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lượng phương tiện và du khách đổ về các điểm di tích càng đông trong khi điều điều kiện hạ tầng về giao thông, bãi đỗ xe chưa thể đáp ứng được việc đón cùng lúc nhiều phương tiện. Từ đầu tháng 3, Công an TP. Điện Biên Phủ đã triển khai lực lượng thành các tổ, đội thường trực tại các điểm di tích nhằm phân luồng, điều tiết giao thông và đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.

Thiếu tá Bùi Tuấn Anh, Phó trưởng Công an TP. Điện Biên Phủ cho biết: Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có 6 di tích luôn đông khách tham quan, gồm: Đồi A1; Nghĩa trang liệt sĩ A1; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; hầm tướng Đờ-cát và Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng. Tại các điểm di tích này, Công an thành phố đều bố trí cán bộ thường trực làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông. Nhiệm vụ chính của các tổ, đội là điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khi di chuyển giữa các điểm di tích và hướng dẫn lái xe đậu, đỗ xe đúng nơi quy định tránh ùn tắc giao thông. Đồng thời, phát các tờ rơi tuyên truyền cho lái xe du lịch đường dài nhằm truyền tải thông điệp, kinh nghiệm lái xe đường đèo núi, cảnh báo những mối nguy hiểm, đảm bảo an toàn giao thông.

Càng gần ngày 7/5, lượng du khách đến Điện Biên càng nhiều, khối lượng công việc của lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông ngày càng lớn hơn. Công an thành phố đã báo cáo Công an tỉnh tăng cường thêm lực lượng nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, Công an TP. Điện Biên Phủ đã được tăng cường 500 cán bộ để thực hiện đảm bảo an ninh trật tự phục vụ lễ kỷ niệm, riêng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự được tăng cường thêm 22 cán bộ từ Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã.

Công an TP. Điện Biên Phủ dừng phương tiện để du khách di chuyển từ di tích Nghĩa trang A1 sang Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ an toàn.

Cụm di tích: Đồi A1, Nghĩa trang Liệt sĩ A1 và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điểm hút du khách nhất. Lưu lượng phương tiện qua lại trong ngày rất lớn nên công việc của cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Điện Biên Phủ càng vất vả.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên thuộc biên chế Công an huyện Điện Biên, được cấp trên điều tăng cường về Đội cảnh sát giao thông, trật tự (Công an TP. Điện Biên Phủ) từ ngày 22/4. Anh được giao nhiệm vụ hướng dẫn phương tiện vào các bãi đỗ xe và điều tiết giao thông để du khách di chuyển giữa 2 điểm di tích Nghĩa trang liệt sĩ A1 và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ an toàn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Những ngày gần đây, tại 2 điểm di tích này, mỗi ngày có khoảng 100 – 120 chuyến xe chở du khách đến và đi; lượng du khách ước khoảng 3.000 – 4.000 người. Từ ngày nhận nhiệm vụ đến nay, tôi cùng đồng nghiệp luôn thường trực tại các điểm di tích từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều. Điều kiện thời tiết rất vất vả, song với tinh thần Điện Biên Phủ anh hùng, khi cả nước đang hướng về Điện Biên, chúng tôi phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ".

Song song với điều tiết giao thông, cảnh sát giao thông - trật tự phát tờ rơi tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm lái xe đường đèo núi cho các lái xe.

Tương tự, Đại úy Lò Văn Linh, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Mường Ảng được tăng cường về Công an thành phố từ ngày 25/4.

Đại úy Lò Văn Linh cho biết: “Trong khi các đồng nghiệp điều tiết giao thông, tôi hướng dẫn các phương tiện di chuyển vào bãi đỗ xe đảm bảo gọn gàng, đúng quy định. Đồng thời, phát và dán tờ rơi tuyên truyền cho tất cả lái xe. Lượng xe nhiều, ra vào các điểm dừng đỗ liên tục. Cường độ công việc rất cao song chúng tôi vẫn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”.

Vừa dán xong tờ rơi vào cửa xe, anh Đỗ Văn Trung, lái xe đến từ TP. Hà Nội cho biết: “Từ trước tới nay, tôi phần lớn lái xe chở khách tại đồng bằng, rất ít khi đi lên các tỉnh miền núi. Đây là lần đầu tiên tôi lái xe chở khách lên Điện Biên. Do đó, kinh nghiệm lái xe đường đèo núi chưa có nhiều. Khi chở khách đến các điểm di tích, tôi được cán bộ công an phát tờ rơi và hướng dẫn tận tình một số kinh nghiệm lái xe đường đèo núi. Đây là những kinh nghiệm thiết thực giúp chúng tôi lái xe tự tin và an toàn hơn”.

Anh Đỗ Văn Trung, lái xe TP. Hà Nội dán tờ rơi tuyên truyền vào cửa xe.

Bà Vũ Thị Hương, 67 tuổi, du khách TP. Hà Nội chia sẻ: “Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng đoàn cán bộ hưu trí đến tham quan các di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Khi đoàn di chuyển từ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sang Nghĩa trang liệt sĩ A1, tôi bị tụt lại phía sau. Phương tiện lưu thông trên đường rất đông nên tôi không theo kịp đoàn, đang lúng túng thì có 2 đồng chí công an hỏi thăm, sau đó đưa tôi qua đường để nhập đoàn an toàn. Tôi rất hài lòng về chuyến đi, về sự hiếu khách của người dân và thái độ ứng xử của lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đối với du khách”.

Cán bộ Công an TP. Điện Biên Phủ đưa du khách sang đường an toàn.

Những hiệu lệnh dừng xe nhường đường cho đoàn khách du lịch qua đường, dắt tay cựu chiến binh, người già, trẻ em sang đường an toàn... là hình ảnh về hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Điện Biên Phủ thường trực tại các điểm di tích những ngày qua. Những hành động, hình ảnh đẹp đã và đang lan tỏa, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách khi đến Điện Biên.

Bài, ảnh: Phạm Trung

 

Bắn 21 loạt đại bác tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Điện Biên TV - Sáng 28/4, song song với các hoạt động thuộc khuôn khổ buổi hợp luyện diễn ra tại Sân vận động tỉnh, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Lữ đoàn Pháo binh 45, Binh chủng Pháo binh tiến hành bắn 21 loạt đại bác.

1
Dàn pháo lễ tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dàn pháo lễ tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 18 khẩu pháo cỡ nòng 105mm; trong đó có 15 khẩu pháo chính thức và 3 khẩu pháo dự bị. Trong sáng nay, 21 loạt đại bác đã được bắn, mỗi loạt gồm 2 phát được bắn ra từ 3 khẩu pháo trong dàn pháo lễ. Với sự chuẩn bị chu đáo, lực lượng pháo lễ đã đảm bảo bắn chính xác và an toàn trong suốt thời gian bắn. Buổi bắn 21 loạt đại bác thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách.

Trước đó, từ ngày 23/4, Lữ đoàn Pháo binh 45, Binh chủng Pháo binh đã tiến hành luyện tập mỗi ngày 4 lần bằng các liều mồi. Theo kế hoạch, Lữ đoàn Pháo binh 45, Binh chủng Pháo binh sẽ tiến hành bắn đại bác vào buổi sơ duyệt tổ chức vào ngày 3/5 và tổng duyệt vào ngày 5/5 trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng 7/5./.

Nhật Oanh - Đức Trung/DIENBIENTV.VN

Hơn 12.000 người hợp luyện diễu binh, diễu hành

ĐBP - Sáng nay (28/4), tại Sân Vận động tỉnh, Bộ Quốc phòng chủ trì hợp luyện toàn lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dự buổi hợp luyện có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Bộ Quốc phòng. Về phía tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tham gia diễu binh, diễu hành có 4 lực lượng, gồm: Lực lượng pháo lễ; lực lượng không quân bay chào mừng; lực lượng diễu binh, diễu hành; lực lượng đứng trên sân; tổng số hơn 12.000 người.

Điểm nhấn của lễ diễu binh, diễu hành là có sự tham gia của lực lượng pháo lễ gồm 18 khẩu lựu pháo 105 và lực lượng không quân với 11 máy bay trực thăng bay qua khán đài.

Chương trình bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước CHXHCN Việt Nam. Sau đó là phần trình diễn của 11 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài.

Tiếp đó là phần trình diễn của khối diễu binh (4 khối nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an) và khối diễu hành (9 khối cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, các dân tộc Tây Bắc).

Ngay sau chương trình hợp luyện, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tỉnh Điện Biên đã trao đổi, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các bộ phận, lực lượng tham gia điều chỉnh, khắc phục một số nội dung cho phù hợp tình hình thực tế và đảm bảo yêu cầu đặt ra. Đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân tham gia chương trình.

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn quan trọng trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) nhằm biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên dự buổi hợp luyện.
Lực lượng pháo lễ mở đầu với 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước CHXHCN Việt Nam.
Màn trình diễn của khối nghệ thuật.
Khối nữ quân nhạc.
Khối nữ cảnh sát cơ động.
Toàn cảnh buổi hợp luyện.
Khối sĩ quan hải quân.
Khối nữ lực lượng gìn giữ hòa bình.
Khối kỵ binh.
Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên thăm hỏi, động viên lực lượng diễu binh, diễu hành.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao đổi, rút kinh nghiệm sau buổi lễ.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương chỉnh trang phục cho cán bộ, chiến sĩ tham gia diễu binh.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương động viên học sinh tham gia khối đứng.

 

Tin, ảnh: Hà Linh - Lan Phương

 

Những “cô Ba dũng sĩ” diễu binh, diễu hành ở Điện Biên Phủ

ĐBP - Dưới cái nắng nóng gay gắt miền Tây Bắc, những ngày này gần 100 chiến sĩ lực lượng nữ du kích miền Nam tượng trưng hình ảnh những “cô Ba dũng sĩ” với tinh thần kiên cường, bất khuất, vượt nắng tham gia luyện tập diễu binh, diễu hành. Mặc cho ánh nắng chiếu rọi, chị em miệt mài luyện tập, tiếng bước chân theo điều lệnh vẫn rầm rập, tất cả chuẩn bị chu đáo cho thời khắc đặc biệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Khối nữ du kích miền Nam tập luyện tại Đường 7 tháng 5.

Tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khối nữ du kích miền Nam có 92 chiến sĩ. Hầu hết thành viên trong khối đều ở độ tuổi đôi mươi, được tuyển chọn từ 22 quận, huyện, thành phố tại TP. Hồ Chí Minh. Các cô gái Nam Bộ trong trang phục bà ba và chiếc khăn rằn đã khắc họa hình ảnh “cô Ba dũng sĩ” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa.

Dưới thời tiết khắc nghiệt, các nữ du kích miền Nam vẫn giữ vẻ tươi tắn, phấn khởi.

Rất nhiều cô gái tuổi vừa tròn mười tám, đôi mươi đã tình nguyện gác lại việc học tập để đảm nhận nhiệm vụ “chỉ có một lần trong đời”.

Phạm Bùi Trâm Anh hiện đang là sinh viên năm thứ ba, Trường đại học Văn Hiến đã quyết định bảo lưu việc học để đăng ký vào đội nữ du kích miền Nam tham gia diễu binh, diễu hành lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phạm Bùi Trâm Anh chia sẻ: “Tham gia diễu binh, diễu hành trong một sự kiện trọng đại của đất nước là niềm tự hào của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy áp lực không nhỏ, nhưng trong quá trình luyện tập luôn được cán bộ huấn luyện quan tâm, hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ, giúp tôi ngày càng tiến bộ, tự tin trong từng động tác!”.

Nữ du kích miền Nam hăng say tập luyện dưới thời tiết nắng nóng, oi bức.

Chia sẻ với phóng viên, phần lớn thành viên khối nữ du kích miền Nam tham gia huấn luyện đều bày tỏ niềm tự hào khi được đứng trong lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nữ chiến sĩ Phan Lê Quỳnh Như cho biết: “Sau khi lên Điện Biên từ ngày 24/4, mặc dù có sự thay đổi về thời tiết nhưng chúng em dần thích nghi được ngay và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lần này”.

Phút giải lao sau giờ tập luyện của các cô gái khối nữ du kích miền Nam.

Theo sát quá trình huấn luyện của các nữ du kích từ những ngày đầu, Thượng tá Lê Thanh Hải, giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, phụ trách huấn luyện khối nữ du kích miền Nam cho biết: “Sau gần 4 tháng trải qua quá trình huấn luyện vất vả, các nữ du kích đã hoàn thành nội dung, đạt được các chỉ tiêu huấn luyện đề ra”.

Người dân Điện Biên háo hức đến xem, cổ vũ và chụp ảnh lưu niệm với nữ du kích miền Nam.

Đến thời điểm hiện tại, 100% cán bộ, chiến sĩ khối nữ du kích miền Nam đều tập trung cao độ, hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện, hợp luyện tại thành phố Điện Biên Phủ, sẵn sàng góp sức cho thành công của lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 sắp tới.

Bài, ảnh: Lan Phương

 

Tin mới

Chính thức dừng các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh

ĐBP - Ngày 16/5, UBND tỉnh đã nhất trí chủ trương đối với đề xuất của liên ngành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng các hoạt động lưu thông qua cầu Mường Thanh (thuộc quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ) đối với các phương tiện giao thông nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Khách du lịch tham quan cầu Mường Thanh.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND TP. Điện Biên Phủ thống nhất giải pháp triển khai các công việc để thiết lập hệ thống chỉ dẫn, biển báo phân luồng giao thông. Chỉ dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực đập dâng nước thuộc dự án “Quản lý thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, thiết lập hệ thống bảo vệ di tích cầu Mường Thanh theo quy định.

Trước đó, ngày 15/4, UBND TP. Điện Biên Phủ đã tạm thời cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu và các công trình thuộc dự án hành trình tham quan khu vực sông Nậm Rốm dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án chiếu sáng do Pháp tài trợ và được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia chiếu sáng đến từ thành phố Lyon (Pháp)..

Tin ảnh: Đức Kiên

 

17/05/2024 16:44 316

Bắt 2 đối tượng mua bán trái phép 5 bánh heroin

Điện Biên TV - Các lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên vừa bắt quả tang 2 đối tượng khi đang có hành vi mua bán trái phép 5 bánh heroin

Hồi 14 giờ 30 phút ngày 12/5/2024, tại khu vực bản Na Pheo, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tổ công tác do Công an huyện Điện Biên Đông và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mường Chà, Công an huyện Mường Nhé và Cục Hải quan tỉnh Điện Biên bắt quả tang đối tượng Sùng A Páo (SN 1990) và Sùng A Minh (SN 1989) cùng trú tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé khi đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy; vật chứng thu giữ 5 bánh heroin, 1 xe máy.

Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

CTV Thành Trung, Thế Anh/DIENBIENTV.VN

15/05/2024 13:45 366

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư cảm ơn cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên

Ngày 14-5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn gửi cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Báo Điện Biên Phủ điện tử trân trọng đăng toàn văn nội dung thư của Đại tướng Phan Văn Giang:

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: QĐND

Kính gửi: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Trong thời gian vừa qua, để tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn, cơ động lực lượng, phương tiện từ TP Hà Nội lên tỉnh Điện Biên và ngược lại. Trên dọc đường hành quân với cự ly gần 500km, nhiều đèo, dốc hiểm trở, trải dài qua các địa bàn thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, các đơn vị hành quân đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ chu đáo, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hiệp đồng bảo đảm an ninh, an toàn của các lực lượng chức năng; sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân các địa phương. Những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu đó, đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ, động viên các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm đúng thời gian, an toàn tuyệt đối, tham gia tổ chức thành công Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc thời đại, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi trân trọng cảm ơn tình cảm và sự giúp đỡ quý báu, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, để các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, tôi mong rằng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; thường xuyên đùm bọc, giúp đỡ và tham gia xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành vững mạnh, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúc các đồng chí và toàn thể nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn!

 

Theo QĐND

 

15/05/2024 11:15 229

Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm