Đổi thay từ những trái dứa
Hành trình phát triển mô hình trồng dứa ở Na Sang bắt đầu từ năm 2015, khi giống dứa Queen được đưa về trồng thử nghiệm trên diện tích 50ha. Tuy nhiên, những ngày đầu của hành trình trồng dứa không hề dễ dàng. Người dân phải đầu tư cao cho giống cây và phân bón. Mỗi cây giống khi đó có giá từ 500 - 700 đồng, trong khi 1.000m2 đất trung bình trồng được 5.000 cây dứa giống, tốn đến 10 bao phân cho 2 lần bón. Để hỗ trợ, địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội đã vào cuộc, giúp bà con vay vốn với lãi suất hỗ trợ, giảm bớt áp lực tài chính
Không chỉ vấn đề vốn, người dân còn gặp khó khăn về kỹ thuật trồng dứa. Ban đầu, một số gia đình tự học hỏi kinh nghiệm từ địa phương khác hoặc những người đi trước. Sau này, các đợt tập huấn trồng trọt được tổ chức, trang bị cho bà con kiến thức về cách bón phân và chăm sóc dứa.
Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt là một trở ngại đối với mở rộng diện tích trồng dứa. Những trận mưa lớn không chỉ khiến đường đồi trở nên trơn trượt, cản trở việc vận chuyển, mà còn đẩy bà con vào cảnh "chạy đua" để thu hoạch trước khi quả bị hỏng. Bằng sự kiên cường, học hỏi kinh nghiệm, người dân Na Sang dần vượt qua thử thách, từng bước biến cây dứa thành nguồn thu nhập ổn định.
Nhận thấy tiềm năng của mô hình trồng dứa, huyện Mường Chà đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của những đồi dứa trên địa bàn. Mô hình HTX trồng dứa được thành lập tại xã Na Sang và Sa Lông năm 2017. Đây chính là bước ngoặt giúp bà con tiêu thụ sản phẩm ổn định, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị từ trồng trọt đến chế biến dứa...
Năm 2018, dứa Na Sang được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Đến năm 2020, sản phẩm tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao - một minh chứng rõ nét cho giá trị của trái dứa trên đất Mường Chà.
HTX Na Sang đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn như Công ty Tấn Phát (Nam Định), Doanh nghiệp Á Châu (Lào Cai), và Công ty Đồng Giao (Ninh Bình). Những hợp đồng này không chỉ mở ra thị trường rộng lớn mà còn giúp bà con an tâm sản xuất. Ngoài việc cung cấp cho các công ty thu mua, người dân còn mang dứa ra bán ngoài trục đường lớn, mỗi quả dứa sẽ có giá dao động từ 7.000 - 20.000 đồng.
Hiện nay, diện tích trồng dứa ở Na Sang và các xã lân cận đã đạt 320ha, với năng suất trung bình 30 tấn/ha. Tổng sản lượng mỗi năm hơn 9.000 tấn, mang lại doanh thu khoảng 45 tỷ đồng. Với mức giá bán trung bình 5.000 đồng/kg, mỗi héc ta dứa mang về doanh thu 150 triệu đồng, trong đó lãi ròng khoảng 80 triệu đồng.
Anh Quàng Văn Việt, Trưởng bản Na Sang chia sẻ: Việc trồng dứa đã giúp nhiều hộ gia đình ở bản Na Sang thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Không chỉ trồng trọt, bà con còn biết kết hợp chăn nuôi, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng. Các hộ gia gia đình sau mùa vụ đã tự sản xuất cây giống, giảm bớt chi phí đầu vào, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà: Huyện đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dứa lên hơn 500ha, trong đó xã Na Sang dự kiến tăng 100ha. Bên cạnh đó, việc chế biến sâu các sản phẩm từ dứa như dứa đóng lon, nước dứa đóng chai, dứa sấy dẻo và mứt dứa cũng được đặt ra như những mục tiêu lâu dài.
Để hiện thực hóa những định hướng này, huyện Mường Chà đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: Duy trì các đối tác tiêu thụ truyền thống, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao công suất chế biến, và hỗ trợ bà con áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc cân đối sản lượng, thu hoạch rải vụ cũng được chú trọng nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúc cao điểm.
Những trái dứa ngọt trên triền núi Na Sang giờ đây không chỉ là biểu tượng của sự đổi thay mà còn là niềm tự hào của một vùng đất biên cương. Trong tương lai, với những định hướng và chiến lược rõ ràng, mô hình trồng dứa tại đây hứa hẹn phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại những mùa vàng bội thu và mở ra cơ hội mới cho người dân.
Bài, ảnh: Thu Thảo