Văn hóa - Xã Hội

Văn hóa - Xã Hội

Chính thức dừng các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh

ĐBP - Ngày 16/5, UBND tỉnh đã nhất trí chủ trương đối với đề xuất của liên ngành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng các hoạt động lưu thông qua cầu Mường Thanh (thuộc quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ) đối với các phương tiện giao thông nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Khách du lịch tham quan cầu Mường Thanh.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND TP. Điện Biên Phủ thống nhất giải pháp triển khai các công việc để thiết lập hệ thống chỉ dẫn, biển báo phân luồng giao thông. Chỉ dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực đập dâng nước thuộc dự án “Quản lý thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, thiết lập hệ thống bảo vệ di tích cầu Mường Thanh theo quy định.

Trước đó, ngày 15/4, UBND TP. Điện Biên Phủ đã tạm thời cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu và các công trình thuộc dự án hành trình tham quan khu vực sông Nậm Rốm dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án chiếu sáng do Pháp tài trợ và được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia chiếu sáng đến từ thành phố Lyon (Pháp)..

Tin ảnh: Đức Kiên

 

Không đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội dù chỉ là hài hước

Chiều 13/5, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã dành thời gian trả lời các câu hỏi liên quan đến việc xử phạt nghệ sỹ, người nổi tiếng có phát ngôn lệch chuẩn; xử lý các đơn vị quảng cáo cờ bạc trái phép và việc "đu trend" (bám theo xu hướng, hiện tượng, chủ đề nổi bật được nhiều người quan tâm) "truy tìm kho báu" liệu có vi phạm pháp luật hay không?...

Thông tin về việc xử phạt các nghệ sỹ, người nổi tiếng, KOL (Người có sức ảnh hưởng), KOC (Những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trong thị trường)... phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do khẳng định: Tất cả các hành vi của công dân, trong đó có nghệ sỹ, người nổi tiếng đều đã đã có quy định pháp luật và chế tài xử lý.

 

 

Ảnh minh hoạ.

Những năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường, chủ động xử lý các trường hợp, trong đó, rất nhiều đối tượng là nghệ sỹ, người nổi tiếng, KOL, KOC kể cả các nhà báo thông tin sai sự thật đều đã bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đối với một bộ phận người dân, trong đó có các nghệ sỹ, việc xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chế tài xử lý: Hạn chế hình ảnh của các nghệ sỹ, người nổi tiếng khi để xảy ra sai phạm. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai việc này và sẽ có thông tin trong thời gian tới.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó có các quy định về hoạt động phát ngôn trên không gian mạng, việc tăng mức phạt tiền, các hình phạt bổ sung đối với các hành vi trên không gian mạng.

Trước tình trạng nhiều người dùng trên mạng xã hội "đu trend" trào lưu "rủ nhau ra khơi truy tìm kho báu 673.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan", ông Lê Quang Tự Do nêu rõ: Theo thông tin phản ánh, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã đi kiểm tra và xác định hiện tượng trên bắt nguồn từ việc cắt ghép các nội dung phát ngôn của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tại phiên tòa xét xử. Tiếp đó, các hình ảnh, dòng trạng thái liên quan đến "truy tìm kho báu" xuất hiện dày đặc. Tuy nhiên, trend này chỉ lan truyền, tồn tại trong thời gian rất ngắn, từ ngày 13-19/4.

Bà Trương Mỹ Lan hoàn toàn không nói "tiền giấu ở ngoài biển" như nội dung cắt ghép tại video trên mạng. Việc cắt ghép, tạo nội dung như video mang tính chất hài hước, chưa phải nội dung có ý đồ xấu hay mục đích lừa đảo. Tuy nhiên, đây là hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Do quá nhiều tài khoản tham gia trào lưu này, các cơ quan chức năng không thể chặn, gỡ hết được trên không gian mạng. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để truy tìm người cắt ghép, đăng tải video gốc nhưng chưa được. Cục đã yêu cầu gỡ bỏ một số tài khoản video có lượng tương tác lớn; đồng thời thông tin đến báo chí để người dùng mạng xã hội biết không nên đưa những thông tin sai sự thật dù mục đích chỉ là hài hước - ông Lê Quang Tự Do nêu rõ.

Đối với việc xử phạt hành vi quảng cáo cờ bạc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Công an xử lý các hành vi quảng cáo cá cược cờ bạc. Từ năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã gỡ 1.574 website quảng cáo cờ bạc, link quảng cáo cờ bạc trên mạng xã hội, cũng như truyền hình. Gần đây nhất, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) 50 triệu đồng và Công ty Cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) 85 triệu đồng do để xuất hiện nội dung quảng cáo cá độ trên sóng truyền hình trong khuôn khổ một trận bóng đá. Cục cũng đã có công văn cho các doanh nghiệp, đài phát thanh, truyền hình lưu ý để không tái diễn tình trạng này, hạn chế thấp nhất nội dung quảng cáo sai phạm trên sóng truyền hình. Ngoài ra, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng thực hiện chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung này.

Theo CAND

 

Viettel Điện Biên trao thưởng chương trình "Lên 4G - Lên đời"

ĐBP - Sáng nay (14/5), Viettel Điện Biên tổ chức trao thưởng cho các khách hàng may mắn trúng thưởng chương trình “Lên 4G - Lên đời”.

Khách hàng Trần Thị Phượng, huyện Điện Biên may mắn trúng thưởng điện thoại Samsung Galaxy A05 trong lần quay số đợt 3.

Chương trình “Lên 4G - Lên đời” được triển khai từ ngày 11/12/2023 đến hết 31/3/2024, áp dụng cho khách hàng sử dụng thuê bao Viettel di động trả trước, trả sau đang hoạt động 2 chiều tại thời điểm tham gia chương trình khuyến mãi và thời điểm nhận thưởng. Tại tỉnh Điện Biên, chương trình “Lên 4G - Lên đời” đã thu hút hơn 7.000 khách hàng đủ điều kiện tham gia quay số, tương ứng với trên 7.000 mã dự thưởng.

Lãnh đạo Viettel Điện Biên chụp ảnh lưu niệm với các khách hàng may mắn trúng thưởng.

Chương trình chia làm 3 đợt quay thưởng. Đợt 1 diễn ra vào ngày 23/01/2024 và đã có 3 khách hàng may mắn tại các huyện: Điện Biên Đông, Tuần Giáo và Mường Chà trúng giải thưởng 3 điện thoại Samsung Galaxy A05. Đợt 2 quay thưởng vào ngày 11/03/2024 và có 3 khách hàng tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Ảng và Điện Biên trúng thưởng 3 điện thoại Samsung Galaxy A05. Ngày 11/4/2024 là đợt quay thưởng cuối cùng với 3 khách hàng may mắn quay số trúng thưởng 3 điện thoại Samsung Galaxy A05 ở các huyện: Điện Biên Đông, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Và cũng trong lần quay thưởng này, khách hàng Lò Văn Toản, trú tại huyện Điện Biên Đông đã may mắn trúng giải đặc biệt với phần thưởng là 1 xe máy Honda Vision (bản thể thao), trị giá gần 40 triệu đồng.

Ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Viettel Điện Biên trao giải thưởng đặc biệt cho gia đình khách hàng Lò Văn Toản (huyện Điện Biên Đông).

Trao thưởng tới khách hàng, lãnh đạo Viettel Điện Biên cảm ơn khách hàng đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ của Viettel trong suốt thời gian qua. Đồng thờimong muốn khách hàng thường xuyên tìm hiểu và đăng ký các gói cước khuyến mại phù hợp nhu cầu để sử dụng.

Tin, ảnh: Quang Hưng

70 năm Điện Biên "Quả ngọt" từ "trải thảm đỏ" phát triển kinh tế

Giao thông được kết nối mạnh mẽ; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đánh dấu bằng các dự án lớn, trọng điểm đã, đang và chuẩn bị hoàn thành.

70 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” tỉnh Điện Biên đang từng ngày thay đổi diện mạo. Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao so với khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và ở mức khá trong cả nước.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

- Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa X đã phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu mới và Điện Biên. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật sau hơn 20 năm thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính?

Ông Lê Thành Đô: Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới của Đảng và đặc biệt là sau 20 năm chia tách tỉnh Điện Biên và Lai Châu, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư…, tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Theo đó, về kinh tế-xã hội, nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá: GDP bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 11,6%/năm; giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 5,93%/năm; GRDP giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%/năm. Năm 2023, GRDP đạt 7,1% (cao hơn bình quân chung cả nước, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và 4/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo định hướng giai đoạn 2021-2023 là: Nông, lâm, thủy sản giảm 1,05%; công nghiệp-xây dựng tăng 1,1%; dịch vụ giảm 0,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp giảm 0,02%. GRDP bình quân ước đạt 42,98 triệu đồng/người/năm, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,68% (giảm 4,67%/năm).

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả quan trọng, việc khai thác các tiềm năng lợi thế về đất đai gắn với phát triển sản xuất bền vững cho người dân thông qua các mô hình liên kết sản xuất nhất là các mô hình trồng cây macca bước đầu đã có kết quả tích cực, nông nghiệp, nông thôn phát triển khởi sắc.

Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên.

Đáng chú ý, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện toàn diện, thực chất, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 4 xã nông thôn mới nâng cao (3 xã đang hoàn thiện hồ sơ), 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ), 28/115 cơ bản đạt nông thôn mới (trong đó 6 xã đang hoàn thiện hồ sơ) 14,12 tiêu chí/xã.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm thay đổi diện mạo đô thị và nhiều vùng nông thôn. Xác định mạng lưới giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Điện Biên chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ôtô đến trung tâm; 80 xã có đường xã đã trải nhựa, bêtông; 68 xã có đường thôn, bản được bêtông hóa.

Đặc biệt, việc Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại từ ngày 02/12/2023 sau khi hoàn thành việc nâng cấp các hạng mục, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại tàu bay hiện đại như A320, A321, đã góp phần rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội mới trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh. Đây cũng là tiền đề để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội và tạo đà để tỉnh Điện Biên bứt phá vươn lên.

Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại từ ngày 02/12/2023.

Trực thăng của Không quân Việt Nam hạ cánh tại sân bay Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Trực thăng của Không quân Việt Nam đã có mặt tại sân bay Điện Biên để chuẩn bị tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng với quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 482 cơ sở giáo dục đào tạo, với 209.841 học sinh và sinh viên.

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt trên 95%; tỉnh Điện Biên đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào tháng 12/2020; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng dần qua các năm, năm 2023 đạt (99,51%), cao nhất từ trước đến nay; tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 77,6%.

Có thể khẳng định an sinh xã hội được đảm bảo, công tác giảm nghèo được quan tâm chú trọng. Tỉnh Điện Biên đã huy động lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực xã hội hóa để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm trên 4%/năm (hiện còn 25,68%), đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện.

Cùng đó, các thiết chế văn hóa-xã hội cơ sở tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, tỉnh đã cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và tiếp tục đầu tư đưa điện sinh hoạt đến các thôn, bản chưa có điện. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

- Tại buổi làm việc mới đây với Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Điện Biên phải phát triển đột phá, nhanh, bền vững, xoá đói giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, xứng tầm thương hiệu quốc tế lớn Điện Biên Phủ và văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc… Với gợi mở trên, tỉnh Điện Biên đã xây dựng và cụ thể hóa như thế nào trong các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như triển khai vào thực tế để đạt được các mục tiêu đề ra?

Ông Lê Thành Đô: Năm 2024, tỉnh Điện Biên phấn đấu tăng trưởng GRDP trên 10,5% và cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo đà cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược; 9 nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế; 7 nhóm nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội; 03 nhóm nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, đối ngoại và các nhóm nhiệm vụ giải pháp bổ sung đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua tại sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Điện Biên tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng nông lâm sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh cũng tăng cường mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi khép kín từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ; đặc biệt là phát triển cây mắc ca, gạo, dược liệu, cây ăn quả trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ làm cơ sở để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh. Mặt khác, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai và các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại, phấn đấu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II, thị xã Mường Lay đạt tiêu chí đô thị loại IV và trung tâm thị trấn các huyện đạt tiêu chí đô thị loại V trở lên. Song song đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Vẻ đẹp những khung cảnh thiên nhiên ở Điện Biên hấp dẫn du khách:

Tỉnh chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên 03 trụ cột chính để phát triển du lịch gồm: Du lịch lịch sử, tâm linh; Du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng giúp Điện Biên vươn lên mạnh mẽ, bứt phát trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Với những tiềm năng và lợi thế to lớn, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Điện Biên cũng tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ số hóa để phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn; trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

- Hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã triển khai các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, các công trình, dự án trọng điểm như thế nào nhằm tạo điểm nhấn cho Điện Biên, thưa ông?

Ông Lê Thành Đô: Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là lễ kỷ niệm cấp Quốc gia, đây là sự kiện được tỉnh Điện Biên xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm 2024.

Chính vì vậy, các cấp chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm cho sự kiện trên như, tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; trong đó xác định một số mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vẻ đẹp hồ Pá Khoang (Điện Biên):

Tỉnh cũng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư với trọng tâm là nguồn lực đầu tư công, đảm bảo vai trò dẫn dắt, kết hợp với nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội hóa để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, có ý nghĩa thiết thực làm động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và dịch vụ du lịch như: Đường động lực, Sân bay Điện Biên Phủ, Cầu Thanh Bình.... Đến nay, các dự án này đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội nhiều mặt trên địa bàn.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ để phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm (như dự án Hệ thống chiếu sáng di tích Đồi D1, A1, các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ...).

Cùng với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ đạo để tìm ra hướng đi mới, thu hút các nguồn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để chào đón du khách đến với Điện Biên, đến với các hoạt động, sự kiện của Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện việc đầu tư các điểm dừng chân, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu của du khách khi đến với Điện Biên; thực hiện có hiệu quả việc phát triển loại hình, sản phẩm du lịch, trụ cột, trọng tâm của tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.

Chiêm ngưỡng cánh đồng Mường Thanh lớn nhất Tây Bắc:

Mùa lúa chín vàng trên cánh đồng Mường Thanh. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

(Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Khung cảnh yên bình trên cánh đồng Mường Thanh. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Giống lúa Tám thơm nổi tiếng của tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

- Nhằm phát huy tiềm năng phát triển các lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp, năng lượng, đô thị, du lịch…, nhiều địa phương trong cả nước đã có những chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút nhà đầu tư, vậy với tỉnh Điện Biên, xin ông cho biết những cơ chế, chính sách nào đã được Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, phục vụ cho phát triển các lĩnh vực này?

Ông Lê Thành Đô: Nhằm phát huy tiềm năng phát triển các lĩnh vực: Nông-lâm nghiệp, năng lượng, đô thị, du lịch..., nhiều địa phương trong cả nước đã có những chính sách “trải thảm đỏ’’ để thu hút nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, thuận tiện, thông thoáng, minh bạch và thân thiện cho nhà đầu tư đến tìm hiểu và kinh doanh; nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo…

Tỉnh cũng chỉ đạo tiến hành rà soát, lựa chọn các danh mục dự án chi tiết có trọng tâm, trọng điểm nhằm thu hút, hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu và đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Điện Biên tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà đầu tư chiến lược; tập trung kêu gọi huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư; tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, thân thiện với môi trường; ban hành các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trước mắt, tỉnh hình thành cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại; hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm (các dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững...tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị…

- Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

  

Nhiều phụ huynh, học sinh Điện Biên tìm kiếm Báo Nhân Dân số đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đã 6 ngày trôi qua kể từ Lễ khai mạc triển lãm tương tác tranh panorama chiến dịch Điện Biên Phủ, được Báo Nhân dân phối hợp Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Điện Biên Phủ phối hợp tổ chức vào chiều ngày 6/5, đến nay có rất nhiều người là phụ huynh, học sinh, du khách ở Điện Biên liên hệ tìm mua ấn phẩm đặc biệt này của Báo Nhân Dân.

Nhân dân, du khách về Điện Biên thích thú khi trải nghiệm tranh panorama tại triển lãm tương tác tranh bằng công nghệ thực tế ảo do Báo Nhân Dân thực hiện.
Nhân dân, du khách về Điện Biên thích thú khi trải nghiệm tranh panorama tại triển lãm tương tác tranh bằng công nghệ thực tế ảo do Báo Nhân Dân thực hiện.

Chiều 11/5, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên cho biết: Rất nhiều người đã gọi điện thoại, đến Bảo tàng tìm gặp tôi để hỏi địa chỉ mua ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân có in bức tranh panorama tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những người đã liên hệ Bảo tàng tìm mua ấn phẩm đặc biệt là phụ huynh, giáo viên các trường, học sinh trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và nhiều du khách đã tham quan mô hình triển lãm tranh tại khuôn viên Bảo tàng.

Cũng niềm mong mỏi có được ấn phẩm Nhân Dân số đặc biệt, chị Nguyễn Huyền (người dân thành phố Điện Biên Phủ) có hai con trai đang học tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố đã đi tìm khắp các hiệu sách tìm mua, nhưng không có. Đêm muộn 10/5, chị Nguyễn Huyền nhắn tin cho phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tỉnh Điện Biên, đề nghị mua giúp chị một tờ Báo Nhân Dân có in bức tranh panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Anh Đỗ Tuấn - người làm du lịch tại Điện Biên cũng mong mỏi mua một tờ Báo Nhân Dân số đặc biệt có bức tranh panorama để tặng cô con gái đang học tiểu học.

Trước đó, chị Hoàng Thị Hồng (trú tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) đã liên hệ phóng viên Báo Nhân Dân tại Điện Biên xin 5 tờ Báo Nhân dân số đặc biệt để tặng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, chủ nhiệm lớp 3A3 Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (là lớp con trai chị Hồng theo học).

Hai hôm sau, chị Hồng lại liên hệ xin thêm một số tờ báo để gửi tặng giáo viên các lớp khác cùng trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ.

Trao đổi với phóng viên, chị Hồng cho biết: Các cô giáo nói rằng học sinh hào hứng cắt, dán báo thành tranh tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Được các cô giáo cho xem tranh trên nền tảng công nghệ thực tế ảo bằng quét mã QR trên góc tranh, các cháu hào hứng lắm; nhiều cháu mong bố, mẹ đi tìm cho bằng được một tờ báo có tranh ấy.

Chị Đào Phương - một trong những người đã dự buổi khai mạc Triển lãm tương tác tranh Panorama bằng công nghệ thực tế ảo tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ vào chiều 6/5, được gửi tặng 2 tờ báo Nhân Dân số đặc biệt có in tranh.

Vậy mà hôm sau chị Phương lại tức tốc tìm phóng viên xin thêm vì nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa nhắn nhủ "Xin giúp vài tờ để giáo viên sử dụng làm bài giảng thêm sinh động"…

Số Báo Nhân Dân hằng ngày 7/5/2024 được tăng thêm 8 trang thông tin đặc biệt, gồm: 4 trang nội dung, 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch và 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

 

Bạn đọc có thể cắt, ghép thành bức tranh panorama dài tới 3,21m và tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR.

Công nghệ này cho phép người dùng xem một bức tranh panorama động trong chiều không gian vật lý.

Để tương tác bằng AR với phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân ngày 7/5: người dùng cần tải ứng dụng Báo Nhân Dân - Quét AR trên Appstore hoặc CH Play:

- Với hệ điều hành iOS: Quét chấm đỏ tại vị trí bếp Hoàng Cầm (bức 1)

- Với hệ điều hành Android: Quét chấm xanh tại vị trí lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” (bức 3).

Để trải nghiệm tốt nhất, khuyến nghị người dùng nên chọn không gian rộng (trên 4m), quét phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân trên một mặt phẳng. Ấn vào logo ND để đọc thêm thông tin chi tiết.

Ngoài ra, bạn đọc có thể trực tiếp trải nghiệm thực tế ảo tăng cường tại triển lãm tương tác tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (279, Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ).

Trước đó, với mong muốn nhân dân, du khách Điện Biên có thêm trải nghiệm, chiêm ngưỡng bức tranh panorama trên nền tảng công nghệ, Báo Nhân Dân đã gửi 1.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" về Điện Biên để trao tặng.

Ngay tại triển lãm tương tác tranh vào chiều 6/5, đại diện lãnh đạo Báo Nhân Dân đã trao 400 bản tranh cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Điện Biên và Báo Điện Biên Phủ để gửi tặng nhân dân, học sinh trên địa bàn.

Do nhu cầu tăng cao, ngay trong ngày 10/5, Báo Nhân Dân đã in và phát hành thêm 5.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ".

LÊ LAN

Du khách quốc tế ấn tượng về cách chuyển tải lịch sử qua triển lãm tại Báo Nhân Dân

Đến Việt Nam trong những ngày đầy ý nghĩa để du lịch và tìm hiểu lịch sử, những vị khách tới từ bên kia đại dương ghé thăm Báo Nhân Dân để chiêm ngưỡng hình ảnh của một trong những cột mốc lịch sử chói lọi của dân tộc ta trong triển lãm về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Và dù từ những quốc gia khác nhau, khoảng cách địa lý xa xôi nhưng ai nấy đều có chung những suy nghĩ sâu lắng, chứa đựng những sự tôn trọng, ngưỡng mộ cho lớp người đi trước.

Bài học lịch sử quan trọng của đất nước được thể hiện sáng tạo và phù hợp sẽ giúp lịch sử được "kéo lại" gần hơn với các thế hệ tiếp nối.

Andrés Rodríguez chia sẻ: “Điều đặc biệt của cuộc chiến tại Việt Nam đó là các bạn muốn độc lập và muốn quyết định tương lai của chính mình, đó là điều tôi thấy ấn tượng. Chính vì thế, người dân Việt Nam đấu tranh không chỉ cho tự do của chính mình mà còn cho tự do của đất nước. Suy nghĩ cao cả đó khiến họ có thể hy sinh mạng sống của mình để đấu tranh cho niềm tin. Chỉ khi đấu tranh cho một thứ gì đó lớn hơn bản thân mình, chúng ta mới có thể tạo nên những thứ to lớn như thành quả mà các bạn đã có”.

Anh Andrés Rodríguez cũng cho biết chỉ dự định ở lại Việt Nam vài ngày trước khi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, trong không khí thiêng liêng, đặc biệt của những ngày cả nước Việt Nam chung niềm vui, anh đã quyết định ở lại lâu hơn để tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử của Việt Nam, để có thể cảm nhận nhiều hơn những trang sách mà anh được đọc về nơi này từ khi còn là một cậu bé.

Khoảng cách về thế hệ khiến cho nhiều điều có thể phai nhạt đi, điều này xảy ra ở rất nhiều nơi, ngay cả ở Chile bởi những người trẻ tuổi có một môi trường sống khác so với trước kia.

Tuy nhiên, dù có khoảng cách thế hệ nhưng chúng ta phải có trách nhiệm giúp cho thế hệ trẻ ghi nhớ những gì cha ông đã hy sinh cho sự độc lập, hòa bình hiện tại.

Là một trong những du khách nước ngoài đến tham quan triển lãm, chị Natasha (du khách người Pháp) cho biết, gia đình chị vừa đến Việt Nam và ấn tượng đầu tiên khi đi dạo ở hồ Hoàn Kiếm chính là hình ảnh giới thiệu triển lãm tranh panorama về chiến thắng Điện Biên Phủ. Lần này, gia đình chị chưa có cơ hội tới Điện Biên, nên triển lãm ngay lập tức thu hút sự chú ý của gia đình.

 

Gia đình du khách Pháp cảm thấy ấn tượng với cách mà họa sĩ đã đưa được rất nhiều góc độ và chi tiết của cuộc chiến lên bức tranh.

"Mang câu chuyện chiến thắng tại chiến dịch Điện Biên Phủ ngày xưa giới thiệu với du khách là điều rất thú vị. Bởi vì, chiến thắng Điện Biên Phủ của các bạn là sự kiện cả thế giới biết đến và người Pháp chúng tôi tương đối hiểu. Tôi nghĩ triển lãm sẽ thu hút rất nhiều du khách”, chị Natasha nói.

Cùng tham dự sự kiện, nhóm du khách tới từ Canada cũng nán lại rất lâu để nghe giới thiệu và tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ qua bức tranh panorama.

July, một thành viên trong nhóm cho biết, "Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến với Việt Nam và được chiêm ngưỡng bức tranh panorama tại Hà Nội trong một dịp sự kiện như thế này. Chúng tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng và tận hưởng một tác phẩm nghệ thuật rất sáng tạo và thú vị. Chắc chắn người họa sĩ đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết và công sức để có thể đưa nhiều chi tiết lên cùng một bức tranh và khiến mọi thứ sống động như vậy”.

Thực sự chúng tôi cũng không biết nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên được xem ảnh, được nghe giới thiệu về chiến thắng của các bạn qua bức tranh này, chúng tôi thấy tôn trọng hơn những người lính đã chiến đấu và hy sinh cho đất nước, một thành viên khác của nhóm chia sẻ.

Ngắm nhìn những bức tranh và ghé thăm Việt Nam trong những ngày vô cùng ý nghĩa, những vị khách quốc tế đều chung một chia sẻ rằng được đi trên những con phố, ghé thăm những địa điểm lịch sử và trực tiếp cảm nhận hơi thở của Việt Nam, điều đó vượt xa những trang sách hay những thông tin mà họ được biết về quốc gia nhỏ bé mà mạnh mẽ này.

Đưa sự kiện đến gần người dân

ĐBP - Để phục vụ người dân theo dõi trực tiếp các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ khi khu vực tổ chức sự kiện hạn chế về sức chứa, tỉnh đã tiến hành lắp đặt 33 màn hình Led chất lượng cao với kích thước 60m2 tại TP. Điện Biên Phủ và các huyện, thị xã. Các màn hình Led đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để người dân, du khách theo dõi trực tiếp, trọn vẹn các chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dù không có mặt tại nơi tổ chức sự kiện.

Học sinh địa bàn TP. Điện Biên Phủ theo dõi Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ qua màn hình Led tại Quảng trường TP. Điện Biên Phủ.

Từ trung tuần tháng 3, Tập đoàn Truyền thông Prowtech – đơn vị tài trợ đã thực hiện triển khai lắp 33 màn hình Led chất lượng cao với kích thước 6 x 10m (60m2) tại TP. Điện Biên Phủ và trung tâm các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Riêng tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ lắp đặt 15 màn hình Led tấm lớn tại khu vực: Quảng trường 7/5, Quảng trường TP. Điện Biên Phủ; Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Sân bay Điện Biên, sân Nghĩa trang liệt sĩ A1; Công viên Hoa Ban; Công viên Noong Bua và khu vực Nhà thi đấu đa năng... Đây là vị trí những tuyến đường chính - nơi các khối diễu binh, diễu hành đi qua. Các màn hình Led cỡ lớn này cung cấp những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của quốc tế, đất nước, địa phương; tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị liên quan trực tiếp đến cơ sở; tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam nói chung, người Điện Biên nói riêng; tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, tập trung phát chương trình truyền hình trực tiếp trên toàn hệ thống màn hình Led: Cầu truyền hình trực tiếp về Chiến thắng Điện Biên Phủ lúc 20 giờ ngày 5/5; Chương trình nghệ thuật đặc biệt lúc 20 giờ ngày 6/5; Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lúc 7 giờ 45 phút ngày 7/5.

Buổi tối 6/5, Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Quảng trường 7/5 được phát trực tuyến qua màn hình Led lắp đặt trong toàn tỉnh. Trước vài tiếng đồng hồ chương trình diễn ra, người dân, du khách đã rất háo hức chờ đợi tại các điểm lắp đặt màn hình Led để thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Bởi thế, khu vực sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng, cầu Mường Thanh, Quảng trường TP. Điện Biên Phủ, Quảng trường 7/5… đều đông kín người xem.

Rất đông người dân đón xem Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tối ngày 6/5 tại khu vực gần cầu Mường Thanh.

Tại khu vực gần cầu Mường Thanh, từ 19 giờ tối 6/5 đã chật kín người. Nơi đây là địa điểm đẹp để ngắm pháo hoa tầm cao và cũng được lắp đặt một màn hình Led cỡ lớn. Thế nên khu vực này tập trung khá đông người dân, nhất là bà con các xã lân cận khu vực thành phố. Chị Phạm Thị Huyền Trang, thôn Thanh Chung, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: “Khu vực diễn ra chương trình nghệ thuật ở trung tâm lại hạn chế số lượng người. Thế nên gia đình tôi lựa chọn khu vực này để theo dõi chương trình, tránh phải chen lấn trong đám đông. Nhìn qua màn ảnh rộng thấy cũng rõ nét, âm thanh tương tự như đang có mặt trực tiếp tại Quảng trường 7/5 vậy. Đặc biệt là không khí ở đây rất đông vui, nhộn nhịp nên tôi nghĩ không nhất thiết phải chen lấn vào tận nơi tổ chức làm gì. Ở đây xem qua màn hình và chờ đến giờ bắn pháo hoa là hợp lý”.

Chị Phạm Thị Huyền Trang cho biết thêm: Nếu như tiếp tục được duy trì thì cá nhân tôi thấy việc lắp đặt màn hình như thế này rất hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu thông tin, theo dõi các sự kiện của người dân và du khách. Ngoài các hoạt động dịp lễ kỷ niệm 7/5 còn các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh, của đất nước người dân cũng được tiếp cận như này rất tốt...

Người dân, học sinh huyện Mường Nhé theo dõi trực tuyến Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ qua màn hình Led tại quảng trường trung tâm huyện.

Tại các huyện, thị trong toàn tỉnh màn hình Led được lắp đặt tại khu vực trung tâm phục vụ nhu cầu theo dõi của người dân. Tại huyện Mường Nhé - nơi cách TP. Điện Biên Phủ 200km, nhiều người dân không có điều kiện ra tỉnh lỵ tham dự các hoạt động trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhờ có màn hình Led được lắp đặt ngay khu vực quảng trường huyện, bà con có thể theo dõi các sự kiện, tạo nên không khí náo nức, phấn khởi. Chị Pờ Xí Mé người dân tộc Hà Nhì, hiện sinh sống tại xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Không thể ra TP. Điện Biên Phủ xem trực tiếp, chị và nhiều người dân rủ nhau tới khu vực trung tâm huyện xem qua màn hình Led. Chị Pờ Xí Mé tâm sự: “Ngày 7/5 thời tiết tại Mường Nhé rất đẹp nên bà con tới nhiều lắm, bà con ở các xã cũng về. Có bác ở tận xã Sín Thầu cách trung tâm hơn 60km cũng về xem. Nhiều bác bảo lần đầu tiên được xem “tivi to” nên thích lắm. Cá nhân tôi thấy màn hình Led này hiệu quả rất tốt, nhất là khi đặt tại khu trung tâm. Không chỉ các sự kiện lớn mà vào ngày thường chiếu các nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo… thì rất thiết thực với bà con vùng cao”.

Tại huyện Tủa Chùa, 2 màn hình Led được lắp đặt tại khu vực sân vận động huyện và cổng chợ đêm phát huy tác dụng tối ưu khi trở thành điểm tập trung cho người dân theo dõi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sáng ngày 7/5, chị Giàng Thị Vu, viên chức Trung tâm Văn hóa – Truyền thanh – Truyền hình huyện Tủa Chùa đã dậy từ rất sớm, chuẩn bị ra sân vận động huyện để cùng học sinh, người dân đón xem ngày lễ trọng đại của đất nước. Chị Giàng Thị Vu chia sẻ: “Dù không có mặt trực tiếp tại TP. Điện Biên Phủ để hòa mình vào không khí rộn ràng của ngày kỷ niệm nhưng được xem qua màn hình lớn như thế này cũng thấy rất hào hùng, phấn khởi. Đông người cùng tập trung đón xem, các cháu học sinh cũng mặc áo, phất cờ đỏ sao vàng khiến cho ai ai cũng cảm thấy rộn ràng. Có màn hình Led như thế này rất tiện, nhất là với các huyện xa xôi, bà con khó khăn, chưa có điều kiện để về trung tâm khi tỉnh có sự kiện lớn…”.

Người dân, học sinh huyện Tủa Chùa theo dõi trực tuyến Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ qua màn hình Led tại sân vận động huyện.

Có thể thấy rằng, việc lắp đặt hệ thống màn hình Led chất lượng cao với kích thước lớn đã giúp hàng chục nghìn người dân và du khách như được trực tiếp theo dõi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dù không có mặt tại nơi tổ chức sự kiện. Điều đó đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, đặc biệt là du khách khi đến với Điện Biên thời điểm này. Tuy vậy, theo kế hoạch của UBND tỉnh, các màn hình Led vận hành hoạt động tạm thời từ ngày 23/4 - 30/5. Hy vọng, với hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, được thể hiện rõ nét trong dịp kỷ niệm vừa qua, các màn hình Led cỡ lớn này sẽ sớm được đầu tư chính thức, vừa là một kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả nhưng cũng là sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở

(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở, trong đó nêu rõ: Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở.

Hệ thống thông tin cơ sở có vai trò là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp với người dân ở cơ sở

Nghị định giải thích rõ: Thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu được truyền tải trực tiếp đến người dân thông qua các loại hình thông tin: đài truyền thanh cấp xã; bảng tin công cộng; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở; cổng hoặc trang thông tin điện tử; mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trên Internet; tin nhắn viễn thông.

Hoạt động thông tin cơ sở là hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu; tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân thông qua các loại hình thông tin quy định nêu trên.

Cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân

Hoạt động thông tin cơ sở phải bảo đảm nguyên tắc thông tin kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân.

Tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân; tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân.

Nghị định cũng nêu rõ: Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền, kỹ năng sử dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở cho người tham gia hoạt động thông tin cơ sở.

Nghị định quy định cụ thể thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở gồm:

1. Thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương, những sự kiện quan trọng liên quan đến người dân ở địa phương.

2. Những thông tin liên quan đến người dân ở địa phương:

a) Thông tin về dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội ở địa phương;

b) Thông tin liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

c) Thông tin liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và công tác quân sự ở địa phương;

d) Thông tin về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; hỏa hoạn; cấp cứu, dịch bệnh; thảm họa xảy ra ở địa phương hoặc có ảnh hưởng đến địa phương;

đ) Thông tin về gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực;

e) Thông tin các biện pháp đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

g) Thông tin sản phẩm, dịch vụ cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống của người dân ở địa phương.

3. Những thông tin khác theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

8 loại hình hoạt động thông tin cơ sở

Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở theo 8 loại hình: 

1- Đài truyền thanh cấp xã; 

2- Bảng tin công cộng; 

3- Bản tin thông tin cơ sở; 

4- Tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; 

5- Tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở; 

6- Tuyên truyền trên cổng hoặc trang thông tin điện tử; 

7- Tuyên truyền qua mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin trên Internet; 

8- Tuyên truyền qua tin nhắn viễn thông.

Để thông tin cơ sở thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, phát huy sức mạnh ở cơ sở

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến ngày 01/6/2023, cả nước có 9.959 đài truyền thanh cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn, với trên 13.000 nhân sự kiêm nhiệm hoặc hoạt động không chuyên trách; 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với trên 7.000 nhân sự; hơn 6.500 trang thông tin điện tử (bản tin điện tử) của Ủy ban nhân dân cấp xã; hơn 1.100 bảng tin điện tử công cộng của Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; hơn 200.000 tuyên truyền viên cơ sở.

So với các loại hình truyền thông khác như báo chí in, báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình..., hệ thống thông tin cơ sở đang có số lượng đối tượng quản lý và lực lượng nhân sự làm công tác tuyên truyền đông gấp rất nhiều lần.

Hệ thống thông tin cơ sở có vai trò là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp với người dân ở cơ sở, cung cấp thông tin thiết yếu sát với nhu cầu của nhóm nhỏ người dân (khác với thông tin báo chí); với khả năng cung cấp thông tin tức thời; là phương tiện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Hệ thống thông tin cơ sở đặc biệt phát huy hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ, dịch bệnh...) và trong các chiến dịch truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị (tuyên truyền về Đại hội Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia).

Việc ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin cơ sở sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật đối với lĩnh vực thông tin cơ sở để khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn bộ hệ thống.

Đồng thời, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin cơ sở, để thông tin cơ sở thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, phát huy sức mạnh ở cơ sở.

Thanh Quang

Sửa quy định về hồ sơ cấp chứng thư số của thuê bao

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 48/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27-9-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

 

 

 

Nghị định 48/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 23. Hồ sơ cấp chứng thư số của thuê bao:

1- Đơn đề nghị cấp chứng thư số dạng bản giấy hoặc điện tử theo mẫu của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

2- Hồ sơ, tài liệu kèm theo bao gồm:

Đối với cá nhân: Thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước hoặc hộ chiếu hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Đối với tổ chức: Quyết định thành lập hoặc quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư và thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của tổ chức; hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức.

3- Cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc cung cấp dữ liệu điện tử để tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng sử dụng, khai thác theo quy định tại khoản 4.

4- Trường hợp cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức cung cấp hoặc sử dụng thông tin trong thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước hoặc thông tin trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân hoặc thông tin trong tài khoản định danh của tổ chức thì tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (đã có văn bản chấp thuận cho phép thực hiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện tử hoặc có đầy đủ phương tiện đọc dữ liệu trong chíp điện tử, dữ liệu trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2) khai thác dữ liệu trong chíp điện tử, dữ liệu của tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân, tài khoản định danh điện tử của tổ chức, không yêu cầu cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp các hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 3 nêu trên.

5- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có trách nhiệm cung cấp các tiện ích hoặc ứng dụng để thực hiện phương thức tiếp nhận điện tử.

Về chứng thư số, chữ ký số nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 46 về điều kiện cấp giấy phép sử dụng như sau:

Đối với thuê bao sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam phải có một trong các giấy tờ sau hoặc tài khoản định danh điện tử để xác thực thông tin trên chứng thư số:

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập, quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với tổ chức; chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu đối với cá nhân;

- Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với cá nhân; tài khoản định danh điện tử của tổ chức đối với tổ chức;

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với thuê bao là tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Trường hợp được ủy quyền sử dụng chứng thư số phải có ủy quyền cho phép hợp pháp sử dụng chứng thư số và thông tin thuê bao được cấp chứng thư số phải phù hợp với thông tin trong văn bản ủy quyền cho phép./.

Theo Chinhphu.vn

 

Mưa đá, lũ quét gây thiệt hại ở Mường Pồn

ĐBP - Chiều 9/5, trên địa bàn xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) bất ngờ xuất hiện mưa dông, tại một số khu vực còn xuất hiện mưa đá và lũ quét; gây thiệt hại nhiều ngôi nhà và diện tích lúa chuẩn bị đến kỳ thu hoạch của nhân dân. 

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Trận mưa bắt đầu xảy ra vào khoảng 16 giờ, kèm theo gió lốc, mưa đá dày hạt, kích thước các viên đá đường kính trung bình 1 - 2cm xuất hiện tại một số bản.

Mưa đá và gió lớn kéo dài khoảng 30 phút đã khiến cho gần 100 nhà dân ở các bản: Huổi Un, Cò Chạy 1, Cò Chạy 2 bị hư hỏng, chủ yếu bị thủng mái nhà và bay ngói, tôn... Ngoài ra, mưa lớn còn gây ra lũ quét, ảnh hưởng đến hơn 5ha lúa của người dân các bản: Cò Chạy 1, Cò Chạy 2 và Mường Pồn 1. Lúa đông xuân đang vào giai đoạn chắc hạt bị đổ rạp, ảnh hưởng năng suất.

Chính quyền các địa phương đang tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại và huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.

Người dân xã Mường Pồn khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra.
Nhiều mái nhà lợp proximang của người dân bị gió thổi bay và mưa đá làm vỡ.
Ước tính ban đầu khoảng 5ha lúa trên địa bàn xã Mường Pồn bị ảnh hưởng bởi gió lốc và mưa đá.
Nước lũ tràn về gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp.
Những hạt mưa đá kích thước lớn được người dân chụp lại.
Tin, ảnh: Quang Hưng

 

Tin mới

Chính thức dừng các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh

ĐBP - Ngày 16/5, UBND tỉnh đã nhất trí chủ trương đối với đề xuất của liên ngành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng các hoạt động lưu thông qua cầu Mường Thanh (thuộc quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ) đối với các phương tiện giao thông nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Khách du lịch tham quan cầu Mường Thanh.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND TP. Điện Biên Phủ thống nhất giải pháp triển khai các công việc để thiết lập hệ thống chỉ dẫn, biển báo phân luồng giao thông. Chỉ dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực đập dâng nước thuộc dự án “Quản lý thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, thiết lập hệ thống bảo vệ di tích cầu Mường Thanh theo quy định.

Trước đó, ngày 15/4, UBND TP. Điện Biên Phủ đã tạm thời cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu và các công trình thuộc dự án hành trình tham quan khu vực sông Nậm Rốm dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án chiếu sáng do Pháp tài trợ và được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia chiếu sáng đến từ thành phố Lyon (Pháp)..

Tin ảnh: Đức Kiên

 

17/05/2024 16:44 316

Bắt 2 đối tượng mua bán trái phép 5 bánh heroin

Điện Biên TV - Các lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên vừa bắt quả tang 2 đối tượng khi đang có hành vi mua bán trái phép 5 bánh heroin

Hồi 14 giờ 30 phút ngày 12/5/2024, tại khu vực bản Na Pheo, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tổ công tác do Công an huyện Điện Biên Đông và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mường Chà, Công an huyện Mường Nhé và Cục Hải quan tỉnh Điện Biên bắt quả tang đối tượng Sùng A Páo (SN 1990) và Sùng A Minh (SN 1989) cùng trú tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé khi đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy; vật chứng thu giữ 5 bánh heroin, 1 xe máy.

Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

CTV Thành Trung, Thế Anh/DIENBIENTV.VN

15/05/2024 13:45 366

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư cảm ơn cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên

Ngày 14-5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn gửi cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Báo Điện Biên Phủ điện tử trân trọng đăng toàn văn nội dung thư của Đại tướng Phan Văn Giang:

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: QĐND

Kính gửi: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Trong thời gian vừa qua, để tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn, cơ động lực lượng, phương tiện từ TP Hà Nội lên tỉnh Điện Biên và ngược lại. Trên dọc đường hành quân với cự ly gần 500km, nhiều đèo, dốc hiểm trở, trải dài qua các địa bàn thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, các đơn vị hành quân đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ chu đáo, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hiệp đồng bảo đảm an ninh, an toàn của các lực lượng chức năng; sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân các địa phương. Những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu đó, đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ, động viên các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm đúng thời gian, an toàn tuyệt đối, tham gia tổ chức thành công Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc thời đại, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi trân trọng cảm ơn tình cảm và sự giúp đỡ quý báu, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, để các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, tôi mong rằng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; thường xuyên đùm bọc, giúp đỡ và tham gia xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành vững mạnh, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúc các đồng chí và toàn thể nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn!

 

Theo QĐND

 

15/05/2024 11:15 229

Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm