Giáo dục - Y tế

Giáo dục - Y tế

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 (1 - 31/5/2024): Trách nhiệm của người lao động trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động diễn ra từ ngày 1 - 31/5/2024 với chủ đề “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng". Theo Điều 17 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, người lao động có trách nhiệm: Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao…

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.

Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13-5-2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

 

 

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong những năm qua, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bước đầu đạt được các kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này có nhiều diễn biến phức tạp, tỷ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.

Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Y tế:

a) Thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý;

b) Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

2. Bộ Tài chính: Chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

4. Bộ Công an: Chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.

5. Bộ Công Thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

7. Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng chức năng trong việc thực hiện Công điện này của Thủ tướng Chính phủ.

8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn:

a) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam;

b) Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho người dân.

9. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thực hiện vấn đề này; Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tham mưu cho Phó Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vấn đề phát sinh.

Theo Chinhphu.vn

 

Các ngày 02, 03, 07/5/2024, cơ sở giáo dục trên địa bàn các phường thuộc thành phố Điện Biên Phủ, cơ sở giáo dục thuộc huyện Điện Biên lân cận nghỉ học

Ngày 01/5/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1987/UBND-KGVX về việc cho các cơ sở giáo dục nghỉ học tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong các ngày 02, 03, 07/5/2024 tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ sẽ diễn ra hoạt động Hợp luyện, Sở duyệt, Tổng duyệt và Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó, Ban Tổ chức có phương án phân luồng, cấm nhiều tuyến đường trên địa bàn để phục vụ diễu binh, diễu hành.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Điện Biên Phủ chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn các phường thuộc thành phố Điện Biên Phủ, các cơ sở giáo dục thuộc huyện Điện Biên lân cận nghỉ học các ngày 02, 03, 07/5/2024, tổ chức học bù vào thời gian phù hợp.

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh xem truyền hình trực tiếp theo lịch phát sóng Lễ kỷ niệm, tham gia cổ vũ dọc các tuyến dường Đoàn diễu binh, diễu hành đi qua, quản lý học sinh đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia cổ vũ.

                                                                                      BBT

Kiểm tra cơ sở lưu trú phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBP - Ngày 28/4, đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Tiểu ban hậu cần, cơ sở vật chất lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra một số cơ sở lưu trú phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đoàn kiểm tra khu bếp ăn của Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên.

Các cơ sở kiểm tra gồm: Khách sạn Hà Nội - Điện Biên Phủ, Khách sạn Công Đoàn, Khách sạn Nông nghiệp, Nhà khách tỉnh Điện Biên… Các khu vực bố trí cho lực lượng diễu binh, diễu hành và địa điểm trưng dụng dự phòng bố trí nơi ở cho một số cơ quan, đơn vị khi cần, như: Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Điện Biên.

Qua kiểm tra, các cơ sở lưu trú đã chủ động sửa chữa, vệ sinh, đầu tư thêm một số trang thiết bị, tăng cường nhân lực. Về cơ bản các khách sạn tỉnh hợp đồng để đón khách đáp ứng yêu cầu, bảo đảm các điều kiện (vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cải thiện cảnh quan, an ninh an toàn, các dịch vụ cơ bản…). Đối với các cơ sở bố trí cho lực lượng tham gia nghi lễ, diễu binh, diễu hành đều đảm bảo các điều kiện, đáp ứng yêu cầu cơ bản về chỗ nghỉ, ăn uống, vệ sinh, sinh hoạt, cảnh quan sạch sẽ, an toàn.

Đối với Nhà khách tỉnh, công trình cơ bản đã hoàn thành; phần cảnh quan chưa được hoàn thiện; các hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, phòng, hội trường từ tầng 1-5 có thể đưa vào sử dụng phục vụ khách. Tổng số phòng (buồng) có thể đưa vào sử dụng là 42 phòng; trong đó 2 phòng VIP, 18 phòng đơn, 22 phòng đôi; có khả năng bố trí lưu trú cho 64 người.

Đoàn kiểm tra cơ sở lưu trú Nhà khách tỉnh.

Qua kiểm tra một số cơ sở, mặc dù đã được nhắc nhở, đề nghị từ đợt kiểm tra trước nhưng đến nay chậm được khắc phục; chưa đáp ứng điều kiện để bố trí khách theo yêu cầu. Một số cơ sở khó khăn về nước sinh hoạt tuy đã khắc phục nhưng không thể triệt để do việc sử dụng đồng thời với khối lượng lớn vượt quá khả năng đáp ứng hạ tầng cấp nước hiện tại của khu vực lưu trú. Có cơ sở có phòng nhưng không có nhà ăn; chưa có các vật dụng như chăn, gối, đệm và màn; chưa có nhân lực quản lý vận hành, lễ tân, phục vụ, bộ phận bếp…

Đoàn kiểm tra nhắc nhở, đề nghị các cơ sở lưu trú, địa điểm trưng dụng cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, bổ sung thay thế các thiết bị đã hư hỏng; vệ sinh cảnh quan, môi trường; tăng cường nhân lực để phục vụ trong đợt cao điểm đón khách. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy chỉ đạo Nhà khách Tỉnh ủy bố trí nhân lực để quản lý, vận hành tạm thời Nhà khách tỉnh để đáp ứng yêu cầu đón khách nếu đưa vào sử dụng. Xem xét bổ sung một số vật dụng cơ bản cho ký túc xá Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật để chủ động phương án bố trí lưu trú cho các cơ quan, đơn vị khi cần.

Tin, ảnh: Văn Tâm

 

Trao học bổng Vừ A Dính cho 200 học sinh tiêu biểu

ĐBP - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V - năm 2024, chiều 24/4, Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức trao tặng học bổng cho 200 đại biểu thiếu nhi tham gia Liên hoan. Dự chương trình có đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính; đại biểu Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn cùng các đơn vị đồng hành.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính trao học bổng cho học sinh tiêu biểu.

200 suất học bổng, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng đã được trao cho các em thiếu nhi tiêu biểu toàn quốc, được lựa chọn từ Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” cấp liên đội đến cấp tỉnh, thành phố. Đây là những tấm gương đội viên, thiếu nhi có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và công tác Đội; đạt giải cao trong các cuộc thi hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do các cấp bộ Đoàn, Hội đồng Đội các cấp tổ chức.

Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang trao học bổng cho các em học sinh.

Quỹ học bổng Vừ A Dính do bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch Quỹ. Quỹ Học bổng Vừ A Dính nhằm biểu dương, tôn vinh các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, học tập.

Các học sinh tiêu biểu toàn quốc nhận học bổng Vừ A Dính.

Trải qua 25 năm hoạt động, Quỹ Học bổng Vừ A Dính đã trao hàng chục nghìn suất học bổng, tổ chức hàng trăm hoạt động từ thiện hướng về các em học sinh vùng khó khăn. Các hoạt động của Quỹ Học bổng còn tiếp tục nâng bước cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành chặng đường học tập trên giảng đường đại học, chắp cánh những ước mơ bay cao, bay xa cho con em dân tộc thiểu số, hải đảo của Tổ quốc.

Tin, ảnh: Minh Thảo

Giáo dục truyền thống, lịch sử cho thiếu nhi

ĐBP - Nhằm tăng cường giáo dục cho thiếu nhi những giá trị truyền thống, lịch sử của quê hương, đất nước và ý nghĩa quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã tổ chức chương trình Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” với nhiều trải nghiệm, hoạt động ý nghĩa.

Các em học sinh tham tham gia trải nghiệm đẩy xe đạp thồ tại di tích Đồi A1.

Một hoạt động ý nghĩa trong chương trình Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là 70 đội viên, thiếu nhi được tham gia lễ viếng, dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1 và trò chuyện cùng chiến sĩ Điện Biên, nhân chứng sống đã trải qua chiến dịch Điện Biên Phủ.

Được nghe những câu chuyện cảm động từ chiến sĩ Điện Biên, em Quàng Trọng Sơn, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Na Sang (huyện Mường Chà) xúc động chia sẻ: Hôm nay em được nghe các chiến sĩ Điện Biên kể về kỷ niệm, trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Em rất tự hào khi biết thêm về lịch sử Điện Biên, biết ơn, trân trọng những hi sinh xương máu của các Anh hùng liệt sĩ, để có được hòa bình ngày hôm nay. Trải nghiệm hôm nay khơi dậy trong em lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và em tự hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt, trở thành công dân có ích cho đất nước.

Các chiến sĩ nhỏ Điện Biên hào hứng tham gia trải nghiệm gấp chăn màn theo phong cách bộ đội.

Đẩy xe đạp thồ, gấp chăn màn theo phong cách bộ đội tại di tích Đồi A1 là một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị khi các em tham gia Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”. Sau khi được thuyết minh viên giới thiệu về chiếc xe đạp thồ tiếp tế lương thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi đội chia thành 2 tiểu đội chơi tiếp sức tại 1 vị trí để tải lương thực trên chiếc xe đạp thồ từ chân lên đỉnh Đồi A1 và quay lại cho hết lượt. Những chiếc xe đạp thồ chạy qua trong sự reo hò, cổ vũ, phấn khích của đông đảo học sinh, khách tham quan du lịch.

Em Nguyễn Bảo Nam, lớp 9A1, Trường THCS thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ: Trước đây, em đã biết đến xe đạp thồ nhưng nay mới được sử dụng. Mặc dù chúng em chỉ chở trọng lượng thấp, cả tiểu đội 5 người cùng đẩy xe mà đã rất mệt. Vậy mà xưa kia, các cụ có thể chở hàng trăm cân, đi những quãng đường dài, hiểm trở, chắc chắn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ mới vận chuyển được lương thực cho chiến trường. Em còn được trải nghiệm gấp chăn màn theo phong cách bộ đội, nhìn các chú hướng dẫn em thấy dễ dàng, nhưng khi vào gấp, cả đội phải 5 người mới hoàn thành việc gấp chăn trong thời gian 5 phút. Những trải nghiệm ngày hôm nay giúp em có thêm nhiều hiểu biết về chiến dịch Điện Biên Phủ; hiểu hơn về những cực khổ, vất vả, nguy hiểm của ông cha để làm nên chiến thắng vĩ đại năm xưa.

Chiến sĩ nhỏ Điện Biên tập trung lắng nghe những kỉ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ lời kể của chiến sĩ Điện Biên.

Trong khuôn khổ chương trình, các chiến sĩ nhỏ Điện Biên được tham gia nhiều hoạt động khác như: Tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, xem phim về chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm Đờ-cát, tuyên dương chiến sĩ nhỏ Điện Biên tiêu biểu…

Chị Kháng Mai Thu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Chào mừng kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức chương trình Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” gồm nhiều hoạt động. Cụ thể như là: Giáo dục truyền thống, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, tham quan di tích lịch sử, nói chuyện với chiến sĩ Điện Biên, tuyên dương 70 đội viên tiêu biểu đại diện cho trên 124 nghìn đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Các em là những đội viên xuất sắc đạt thành tích cao trong học tập, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác Đội, luôn có ý thức phấn đấu rèn luyện trở thành đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhiều em đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, huy chương vàng, huy chương bạc trong các giải thi đấu thể dục, thể thao cấp huyện và cấp tỉnh, giải cao trong cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng. 70 em sẽ đại diện cho thiếu nhi toàn tỉnh tham gia Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 4/2024. Chúng tôi mong muốn các em trở về địa phương tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, là những tuyên truyền viên về mảnh đất Điện Biên tươi đẹp, giàu tinh thần cách mạng và càng tự hào hơn khi mình được sinh ra trên mảnh đất này.

Đại diện Tỉnh đoàn trao Bằng khen, tuyên dương đội viên, thiếu nhi là “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”.

Thông qua chương trình giáo dục cho thiếu nhi những giá trị truyền thống, lịch sử của quê hương, đất nước, đặc biệt về chiến dịch Điện Biên Phủ. Khơi dậy trong thiếu nhi niềm tin, lòng tự hào dân tộc, giúp các em phấn đấu, rèn luyện để trở thành người công dân có ích cho đất nước; tạo phong trào thi đua sôi nổi trong các liên đội, thiết thực lập thành tích chào mừng kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bài, ảnh: Thùy Trang

 

Chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

ĐBP - Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2006. Từ năm tới, cách thức tổ chức, cấu trúc, nội dung thi có thể sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với chương trình mới. Bởi vậy công tác ôn thi được các nhà trường cùng học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh dồn sức, tập trung, phấn đấu để có kết quả như ý.

Cô và trò lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng sắp tới.

“Chiến lược” ôn tập

Năm học này toàn tỉnh ta có gần 6.000 học sinh cuối cấp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp là bước ngoặt quan trọng, nhìn lại 12 năm “đèn sách”, bước đệm cho các em trong lựa chọn con đường sắp tới: Tiếp tục học đại học, cao đẳng, học nghề hay ra đi làm ngay. Đây lại là kỳ thi cuối theo chương trình giáo dục cũ, vì thế việc chuẩn bị cho kỳ thi càng được các trường và học sinh chú trọng đặc biệt, lên “chiến lược” ôn tập.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, năm học này có 3 lớp 12 với hơn 100 học sinh. Qua khảo sát, hầu hết các em phấn đấu vào học trường chuyên nghiệp. Có 30% học sinh đặt mục tiêu khối D, 35 - 40% các khối xã hội, còn lại là các tổ hợp khác. Ngay từ đầu năm lớp 12, nhà trường, giáo viên các bộ môn đã phân loại nhóm năng lực của học trò để định hướng các em trong việc lựa chọn ngành, nghề, trường phù hợp và dễ dàng xây dựng kế hoạch, chuyên đề, tổ chức ôn tập cho học sinh, giúp các em đạt điểm cao nhất trong Kỳ thi sắp tới.

Thời điểm này, hầu hết các trường đều đã tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp 1 – 2 lần, giúp các em rèn luyện, đánh giá được năng lực bản thân.

Cô Hà Thị Biên Thùy, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Sau khi phân loại học sinh theo năng lực, nguyện vọng, chúng tôi vừa ôn chắc kiến thức nền cho học sinh, để các em đảm bảo mức độ nhận biết và thông hiểu. Vừa nâng cao, tăng cường kiến thức chuyên sâu ở mức độ vận dụng thấp và cao cho các em dự định thi các khối có môn Toán. Cùng với đó luôn cập nhật về kỳ thi, vì là thi trắc nghiệm nên hướng dẫn các em giải đề kết hợp hiệu quả với máy tính cầm tay, để ra kết quả đúng và nhanh nhất...”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi năm nay về cơ bản giữ ổn định cấu trúc định dạng như năm 2023. Tuy nhiên, dự kiến trong đề thi tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, tăng dần độ phân hóa để Kỳ thi đạt được các mục tiêu đề ra. Em Trần Đăng Phúc, lớp 12S chia sẻ: “Em đăng ký nguyện vọng thi khối D vào Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Vừa qua trường tổ chức thi thử tốt nghiệp, kết quả thi môn Ngữ Văn và Tiếng Anh của em khá tốt, nhưng Toán thì thấp hơn. Vì thế em đang củng cố, phát triển những kiến thức mình đã có, vừa cải thiện phần còn thiếu, để nâng cao điểm số lần thi sau, đáp ứng làm đề thi tốt theo định hướng ra đề của Bộ”.

Trường THPT Thanh Nưa có 189 học sinh lớp 12, trong đó khoảng hơn 20% học sinh dự định dự thi cao đẳng, đại học.

Vững kiến thức và tinh thần

Các trường THPT trên địa bàn tỉnh ta đều đã tổ chức ít nhất 1 lần thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh để đánh giá lại kiến thức của các em và rèn luyện tinh thần phòng thi, giúp các em tự tin, bản lĩnh trước kỳ thi quan trọng.

Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) với 189 học sinh lớp 12 cũng đã tổ chức 2 lần thi thử. Lần gần đây nhất mới diễn ra, giáo viên đang thực hiện chấm thi. Cô Lê Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường xây dựng kế hoạch 4 lần thi thử, rèn kỹ năng làm bài, củng cố kiến thức cho học sinh. Qua kết quả thi có thể đánh giá thực chất tình hình học tập, để thầy cô phối hợp với cả phụ huynh động viên, điều chỉnh phương pháp học cho phù hợp với các em, nhất là các em có nguyện vọng thi đại học. Hiện tại các em vừa học vừa ôn tập. Nhà trường cố gắng đến tháng 5 hoàn thành sớm chương trình học chính khóa để các em tập trung ôn luyện, bước vào giai đoạn cao điểm...”

Em Lò Hoàng Hải, lớp 12C1 tâm sự: “Sau 2 lần thi thử, em đã bớt hồi hộp, lo lắng khi bước vào phòng thi, em cũng biết rõ em yếu môn nào, mảng nào để đầu tư thêm. Thời điểm này em tích cực nghe giảng, giải bài trên lớp. Khi về nhà em giành thời gian xem lại bài cũ, luyện đề và nhờ thầy cô tư vấn để tìm kiếm, nghiên cứu thêm các tài liệu, trang uy tín trên mạng để nâng cao kiến thức”.

Giáo viên Trường THPT Thanh Nưa trò chuyện động viên các em ngoài giờ lên lớp.

Với đặc thù tuyển sinh các xã vùng cao, hầu hết học sinh Trường THPT Thanh Nưa dự định con đường tương lai học nghề, đi làm sau khi tốt nghiệp, chỉ có khoảng 50 học sinh xét tuyển cao đẳng, đại học. Cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên môn Văn của trường cũng chia sẻ: “Đa phần các em chỉ thi tốt nghiệp và lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội, trong đó có môn Văn. Vì thế ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phân phối chương trình phù hợp, bám sát nhất theo khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đảm bảo vững kiến thức nền tảng cho toàn bộ học sinh và bồi dưỡng thêm cho các em dự thi đại học. Cùng với đó quan tâm, động viên tinh thần học sinh, nhất là các em ở nội trú; thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, tìm hiểu tâm tư, khuyến khích học sinh cố gắng cho giai đoạn quan trọng này”.

Với những cách làm đó, học sinh cuối cấp trên địa bàn tỉnh đang được trang bị cả kiến thức, kỹ năng, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi quyết định sắp diễn ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

 

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ dùng 1 căn cước công dân thống nhất

Toàn bộ quy trình đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sơ tuyển, xét tuyển đại học và cao đẳng, nộp lệ phí… đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến thông qua hệ thống http://thisinh.thitotnghiepthp....

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28-6. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi.

 

 

Thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tại Hà Nội.

Một trong những lưu ý đối với thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là chỉ sử dụng một căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân, hoặc mã số định danh công dân, hoặc hộ chiếu) thống nhất trong suốt quá trình từ khi đăng ký dự thi, đăng ký sơ tuyển (nếu có) và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Lưu ý trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất phát từ thực tế những năm trước có không ít thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông sử dụng căn cước công dân, nhưng khi đăng ký xét tuyển đại học lại sử dụng hộ chiếu dẫn đến hệ thống không xác định được đây là dữ liệu của cùng một thí sinh. Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần hết sức lưu ý quy định này.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý bảo đảm sử dụng một loại giấy tờ thống nhất để khai trên hệ thống tuyển sinh, tránh để xảy ra sai sót có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi dự tuyển của mình.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 24-4, các trường phổ thông sẽ giao tài khoản và mật khẩu để thí sinh chuẩn bị làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tài khoản chính là số căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân, hoặc mã số định danh cá nhân, hoặc hộ chiếu). Thí sinh có trách nhiệm bảo mật tài khoản này để đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường hướng dẫn thí sinh sử dụng tài khoản được cấp để đăng ký dự thi trực tuyến. Năm nay, toàn bộ quy trình đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sơ tuyển, xét tuyển đại học và cao đẳng, nộp lệ phí… đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến thông qua hệ thống http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.

Theo HNM

Bộ GD-ĐT hướng dẫn ghi phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cần đọc kỹ hướng dẫn để ghi phiếu đăng ký dự thi chính xác. Thí sinh chịu trách nhiệm về thông tin đã khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố mẫu phiếu và hướng dẫn thí sinh ghi phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

 

 

Mẫu phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Khi ghi phiếu đăng ký dự thi, thí sinh thực hiện theo hướng dẫn sau:

Mục SỞ GD&ĐT… MÃ SỞ: Thí sinh đăng ký tại đơn vị đăng ký dự thi thuộc sở giáo dục và đào tạo nào thì ghi tên sở giáo dục và đào tạo đó vào vị trí trống, sau đó điền 2 chữ số biểu thị mã sở giáo dục và đào tạo vào 2 ô trống tiếp theo. Mã sở giáo dục và đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Mục Số phiếu: Nơi tiếp nhận đăng ký dự thi ghi, thí sinh không ghi mục này.

Mục 1, 2: Ghi theo hướng dẫn trên phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT (sau đây gọi tắt là phiếu ĐKDT).

Mục 3:

a) Nơi sinh của thí sinh chỉ cần ghi rõ tên tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh/thành phố), nếu sinh ở nước ngoài, thí sinh chỉ cần ghi rõ tên quốc gia (theo tiếng Việt Nam).

b) Dân tộc: Ghi đúng theo giấy khai sinh.

c) Quốc tịch nước ngoài thì đánh dấu (X) vào ô bên cạnh.

Mục 4: Số căn cước công dân, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân và số hộ chiếu được viết chung là số căn cước công dân/chứng minh nhân dân tại mục này. Đối với căn cước công dân/ chứng minh nhân dân mẫu mới, ghi đủ 12 chữ số vào các ô tương ứng; đối với chứng minh nhân dân mẫu cũ, ghi 9 chữ số vào 9 ô cuối bên phải, 3 ô đầu để trống.

Mục 5: Mã tỉnh/thành phố, mã huyện/quận và mã xã/phường, chỉ đối với các xã/phường thuộc khu vực 1 sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thí sinh cần tra cứu tại nơi đăng ký dự thi để ghi đúng mã tỉnh/thành phố, mã huyện/quận, mã xã/phường nơi thí sinh có nơi thường trú hiện tại vào các ô tương ứng ở bên phải.

Thí sinh không có nơi thường trú tại xã khu vực 1 thì bỏ trống ô mã xã.

Sau khi điền đủ các mã đơn vị hành chính vào các ô, thí sinh ghi rõ tên xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố vào dòng trống.

Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên đối tượng hoặc khu vực có liên quan đến nơi thường trú, đề nghị phải khẳng định thời gian có nơi thường trú trên 18 tháng tại khu vực 1 hoặc trên 18 tháng ở xã đặc biệt khó khăn, xã có thôn đặc biệt khó khăn trong thời gian học THPT bằng cách đánh dấu vào ô tương ứng.

Mục 6: Ghi tên trường và địa chỉ đến huyện/quận, tỉnh/thành phố của trường vào dòng kẻ chấm. Ghi mã tỉnh nơi trường đóng vào 2 ô đầu, ghi mã trường vào 3 ô tiếp theo (mã trường ghi theo quy định của sở giáo dục và đào tạo; nếu mã trường có 1 chữ số thì 2 ô đầu tiên ghi số 0; nếu mã trường có 2 chữ số thì ô đầu tiên ghi số 0).

Đối với thí sinh là công an, quân nhân được cử tham gia dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm thì ghi mã tỉnh/thành phố tương ứng với tỉnh nơi đóng quân và mã trường THPT là 900.

Đối với thí sinh có thời gian học ở nước ngoài thì những năm học ở nước ngoài ghi mã tỉnh/thành phố tương ứng với tỉnh/thành phố theo nơi thường trú tại Việt Nam và mã trường THPT là 800.

Mục tên lớp: Ghi rõ tên lớp 12 nơi học sinh đang học (ví dụ 12A1, 12A2...). Đối với thí sinh tự do ghi “TDO”.

Mục 7: Ghi rõ điện thoại, email. Đối với thí sinh có yêu cầu điều chỉnh đăng ký tuyển sinh trực tuyến, cần đăng ký số điện thoại di động của mình để được cấp mật khẩu sử dụng một lần (OTP) qua tin nhắn bảo đảm bảo mật khi đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Mục 8: Thí sinh phải ghi rõ thông tin của người liên hệ: Họ tên; số điện thoại; địa chỉ xóm (số nhà), thôn (đường phố, ngõ ngách), xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố. Địa chỉ này đồng thời là địa chỉ nhận Giấy báo trúng tuyển nếu thí sinh trúng tuyển.

Mục 9: Thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả dự thi để xét tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non thì đánh dấu (X) vào ô bên cạnh.

Mục 10: Thí sinh bắt buộc phải đánh dấu (X) vào một trong 2 ô để biểu thị rõ thí sinh học theo chương trình THPT hay chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Mục 11: Đối với thí sinh tự do phải đánh dấu (X) vào một trong 2 ô để phân biệt rõ là thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT hay đã tốt nghiệp THPT (tính đến thời điểm dự thi).

Mục 12: Thí sinh đăng ký dự thi tại hội đồng thi nào thì ghi tên hội đồng thi và mã hội đồng thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định vào vị trí tương ứng.

Mục 13: Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp đăng ký dự thi tại trường đó. Các đối tượng khác nộp đăng ký dự thi tại các địa điểm do sở giáo dục và đào tạo quy định.

Mục 14: Đối với thí sinh hiện là học sinh lớp 12 (chưa tốt nghiệp THPT), phải đăng ký bài thi tại điểm a, thí sinh không được phép chọn các môn thi thành phần ở điểm b.

Đối với thí sinh tự do, tùy theo mục đích dự thi, tùy theo việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển đại học, cao đẳng, có thể chọn cả bài thi (tại điểm a) hoặc chỉ chọn một số môn thành phần (tại điểm b) cho phù hợp.

Thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Thí sinh tự do chỉ được đăng ký môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp.

Trường hợp thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT có những bài thi/môn thi (để xét công nhận tốt nghiệp THPT) năm trước đủ điều kiện bảo lưu, nếu muốn bảo lưu bài thi/môn thi nào thì phải ghi điểm bài thi/môn thi đó ở Mục 16. Tuy nhiên, thí sinh vẫn có thể chọn thi bài thi/môn thi thành phần (đã đề nghị bảo lưu) để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đối với thí sinh học theo chương trình giáo dục thường xuyên, có thể chọn bài thi ngoại ngữ nếu có nguyện vọng sử dụng môn ngoại ngữ trong tổ hợp môn xét tuyển đại học, cao đẳng.

Cách chọn bài thi/môn thi thành phần: Thí sinh đăng ký dự thi bài thi/môn thi thành phần nào thì đánh dấu (X) vào ô bài thi/môn thi thành phần tương ứng. Riêng đối với bài thi ngoại ngữ, thí sinh điền mã số tương ứng với ngôn ngữ cụ thể như sau: N1 - Tiếng Anh; N2 - Tiếng Nga; N3 - Tiếng Pháp; N4 - Tiếng Trung Quốc; N5 - Tiếng Đức; N6 - Tiếng Nhật; N7 - Tiếng Hàn. Thí sinh chỉ được chọn các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp.

Mục 15: Đối với thí sinh có nguyện vọng miễn thi môn ngoại ngữ, cần ghi rõ loại chứng chỉ đủ điều kiện miễn thi hoặc ghi rõ là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với loại chứng chỉ có ghi điểm thi (điểm toàn bài thi), thí sinh phải ghi điểm vào ô “Điểm thi”.

Mục 16: Thí sinh đã dự thi THPT năm trước, nếu có những bài thi/môn thi đủ điều kiện bảo lưu theo quy định, thí sinh muốn bảo lưu điểm của bài thi/môn thi nào thì ghi điểm bài thi/môn thi đó vào ô tương ứng.

Lưu ý: Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh được quyền bảo lưu kết quả của từng môn thi thành phần nếu đủ điều kiện. Để bảo lưu điểm toàn bài của bài thi tổ hợp nào, thí sinh phải ghi điểm của tất cả môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đó.

Đối với những bài thi/môn thi được bảo lưu, thí sinh vẫn có thể đăng ký dự thi (bài thi hoặc môn thi thành phần) ở Mục 14 chỉ trong trường hợp có nguyện vọng sử dụng kết quả thi xét tuyển đại học, cao đẳng.

Mục 24, 25, 26, 27 trên phần mềm: Thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non phải điền các thông tin vào các mục này.

Đối với Mục 24, thí sinh phải khai báo trên phần mềm đầy đủ, đúng các thông tin kèm minh chứng theo quy định và hướng dẫn tại Phụ lục XVII để hưởng ưu tiên trong xét tuyển đại học, cao đẳng.

Dưới đây là mẫu Phiếu số 1 (lưu tại nơi nhận đăng ký dự thi) và Phiếu số 2 (thí sinh lưu lại).

 

 

 

 

Theo HNM

Cẩn trọng trước "cánh cửa" đại học

Nhiều cơ sở giáo dục đại học khởi động mùa tuyển sinh bằng việc công bố đề án hoặc thông tin cơ bản về phương thức, chỉ tiêu cũng như các ngành nghề đào tạo.

Đề án tuyển sinh năm nay của các trường có sự điều chỉnh so với năm trước, trong đó có việc áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển; điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức, đồng thời bổ sung điều kiện tuyển sinh chặt chẽ. Đây là những điểm mới thí sinh cần nắm rõ để có sự chuẩn bị cẩn trọng nhằm chắc suất vào đại học.

 

 

Thí sinh làm thủ tục tại kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội tại điểm thi Trường Đại học Thái Bình (tỉnh Thái Bình).

Lưu ý khi đăng ký xét tuyển

Năm nay, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động công bố thông tin tuyển sinh sớm hơn so với cùng kỳ năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh có thêm thời gian tra cứu, tìm hiểu để lựa chọn, quyết định nguyện vọng đăng ký dự tuyển.

Theo ghi nhận sơ bộ, hầu hết các trường đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển. Ngoài phương thức chủ yếu là sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường còn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với một số tiêu chí như học lực, thành tích cá nhân...; sử dụng kết quả kỳ thi riêng do một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức.

Em Lê Trần Tuấn Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, em có nguyện vọng dự tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương nên dự định đăng ký vào trường bằng ba phương thức: Sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp theo tổ hợp xét tuyển hoặc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Liên quan đến cách thức đăng ký xét tuyển, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong một ngành thường có nhiều phương thức xét tuyển. Những năm trước, có nhiều thí sinh bị nhầm lẫn giữa các phương thức dẫn đến việc đăng ký sai, không được công nhận trúng tuyển. Vì thế, Bộ đã điều chỉnh cách thức đăng ký. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo mã ngành mình dự định học, không cần đăng ký theo phương thức; hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ sẽ giúp thí sinh lựa chọn dữ liệu tối ưu để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Tăng cơ hội trúng tuyển bằng nhiều cách

Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận sự quan tâm của thí sinh đối với các kỳ thi riêng của các cơ sở giáo dục đại học lớn. Trong đó tại Hà Nội, 3 cơ sở đào tạo lớn gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, giúp học sinh có thêm cơ hội đăng ký tham gia xét tuyển vào các đơn vị trực thuộc và nhiều cơ sở đào tạo khác trên cả nước.

Em Nguyễn Thị Khánh Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) bày tỏ sự tiếc nuối khi đăng ký hụt cả 6 đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, em hy vọng mình vẫn còn cơ hội thử sức ở đợt thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra vào ngày 11-5 tới.

Còn em Nguyễn Minh Cường, học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho biết, em tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Em dự định sử dụng cả 3 phương thức xét tuyển, gồm tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc trung học phổ thông và phỏng vấn.

Theo các chuyên gia, học sinh có xu hướng chọn trường, ngành có mức điểm trúng tuyển năm ngoái tương đương học lực của mình. Việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển với các điều kiện đi kèm vừa là thuận lợi, song cũng là thách thức đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, tránh bỏ quên tiêu chí đi kèm (ví dụ xét tuyển học bạ song phải có tổ hợp ba môn xét tuyển đạt điểm từ 8,0 trở lên) để lượng sức.

Còn thầy giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ, bên cạnh lưu ý học sinh tận dụng nhiều phương thức xét tuyển, không chủ quan với tiêu chí phụ của từng phương thức; nhà trường cũng nhắc nhở học sinh cần tập trung cao độ cho việc học tập, ôn luyện theo hướng dẫn của giáo viên và tự dành thời gian làm đề được xây dựng theo cấu trúc đề thi minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Để bảo đảm chắc suất vào đại học, nhất là với các phương thức như xét học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp với một số điều kiện khác..., Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo, thí sinh tuyệt đối tuân thủ quy trình đăng ký xét tuyển. Nhiệm vụ quan trọng đối với tất cả thí sinh hiện nay vẫn là phải tập trung chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kỹ năng để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dự kiến diễn ra vào tháng 6-2024.

Theo HNM

Tin mới

Chính thức dừng các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh

ĐBP - Ngày 16/5, UBND tỉnh đã nhất trí chủ trương đối với đề xuất của liên ngành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng các hoạt động lưu thông qua cầu Mường Thanh (thuộc quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ) đối với các phương tiện giao thông nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Khách du lịch tham quan cầu Mường Thanh.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND TP. Điện Biên Phủ thống nhất giải pháp triển khai các công việc để thiết lập hệ thống chỉ dẫn, biển báo phân luồng giao thông. Chỉ dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực đập dâng nước thuộc dự án “Quản lý thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, thiết lập hệ thống bảo vệ di tích cầu Mường Thanh theo quy định.

Trước đó, ngày 15/4, UBND TP. Điện Biên Phủ đã tạm thời cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu và các công trình thuộc dự án hành trình tham quan khu vực sông Nậm Rốm dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án chiếu sáng do Pháp tài trợ và được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia chiếu sáng đến từ thành phố Lyon (Pháp)..

Tin ảnh: Đức Kiên

 

17/05/2024 16:44 316

Bắt 2 đối tượng mua bán trái phép 5 bánh heroin

Điện Biên TV - Các lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên vừa bắt quả tang 2 đối tượng khi đang có hành vi mua bán trái phép 5 bánh heroin

Hồi 14 giờ 30 phút ngày 12/5/2024, tại khu vực bản Na Pheo, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tổ công tác do Công an huyện Điện Biên Đông và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mường Chà, Công an huyện Mường Nhé và Cục Hải quan tỉnh Điện Biên bắt quả tang đối tượng Sùng A Páo (SN 1990) và Sùng A Minh (SN 1989) cùng trú tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé khi đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy; vật chứng thu giữ 5 bánh heroin, 1 xe máy.

Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

CTV Thành Trung, Thế Anh/DIENBIENTV.VN

15/05/2024 13:45 366

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư cảm ơn cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên

Ngày 14-5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn gửi cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Báo Điện Biên Phủ điện tử trân trọng đăng toàn văn nội dung thư của Đại tướng Phan Văn Giang:

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: QĐND

Kính gửi: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Trong thời gian vừa qua, để tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn, cơ động lực lượng, phương tiện từ TP Hà Nội lên tỉnh Điện Biên và ngược lại. Trên dọc đường hành quân với cự ly gần 500km, nhiều đèo, dốc hiểm trở, trải dài qua các địa bàn thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, các đơn vị hành quân đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ chu đáo, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hiệp đồng bảo đảm an ninh, an toàn của các lực lượng chức năng; sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân các địa phương. Những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu đó, đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ, động viên các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm đúng thời gian, an toàn tuyệt đối, tham gia tổ chức thành công Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc thời đại, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi trân trọng cảm ơn tình cảm và sự giúp đỡ quý báu, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, để các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, tôi mong rằng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; thường xuyên đùm bọc, giúp đỡ và tham gia xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành vững mạnh, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúc các đồng chí và toàn thể nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn!

 

Theo QĐND

 

15/05/2024 11:15 229

Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm