Thi lại bằng lái xe khi bị trừ hết điểm, tài xế có phải khám sức khỏe?
Khi bị trừ hết điểm bằng lái xe phải thi lại, tài xế phải chuẩn bị hồ sơ gồm đơn đề nghị và giấy khám sức khoẻ.
Ban hành Thông tư số 65/2024, Bộ Công an cho biết khi văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhiều quy định mới về kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) để được phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) sẽ được áp dụng.
Theo đó, tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm các lỗi mà bị trừ hết điểm GPLX, thì sẽ được kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật về TTATGT căn cứ theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp GPLX và các bài mô phỏng những tình huống giao thông trên máy tính.
Thông tư quy định, Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT. Để được dự thi, người đăng ký kiểm tra nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tại nơi thường trú, tạm trú hay nơi ở hiện tại.
Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT theo mẫu; giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng.
Như vậy, tại thời điểm đăng ký kiểm tra lại kiến thức về TTATGT, giấy khám sức khỏe của người lái xe mà hết hạn sử dụng, người đó phải đi khám lại theo quy định.
Một nội dung đáng lưu ý, đó là tài xế có thể nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra trực tiếp, hoặc theo hình thức trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID và qua dịch vụ bưu chính.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, công dân phải kê khai đầy đủ thông tin, đính kèm hồ sơ theo mẫu và đăng ký ngày kiểm tra, lựa chọn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trước ngày kiểm tra ít nhất 2 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo cho người đã đăng ký về thời gian, địa điểm thi lại qua địa chỉ email hoặc tin nhắn điện thoại.
Khi dự thi, công dân sử dụng thẻ căn cước, căn cước công dân, GPLX, giấy chứng nhận căn cước, thẻ thường trú hay thẻ tạm trú để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối chiếu thông tin với thông tin trong đơn đề nghị.
"Trường hợp thông tin của người dự kiểm đã có trong căn cước điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia thì khai thác, sử dụng để đối chiếu với thông tin của người dự kiểm tra trong đơn đề nghị", Điều 7 Thông tư số 65/2024 nêu rõ.
Quá trình tổ chức thi lại kiến thức, cơ quan chức năng sẽ thực hiện tại nơi có hệ thống camera giám sát được toàn bộ hình ảnh phòng kiểm tra, có thiết bị lưu trữ dữ liệu. Hệ thống camera giám sát phải đảm bảo tính bảo mật, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên ngoài.
Cũng trong Thông tư số 65/2024, kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT của thí sinh sẽ được thông báo cho cơ quan của người có thẩm quyền trừ điểm GPLX và cơ quan quản lý GPLX khi chưa được kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Những dữ liệu hình ảnh camera giám sát phòng kiểm tra còn được lưu trữ trong thời hạn ít nhất 2 năm. Hồ sơ đăng ký kiểm tra, biên bản kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ cũng được lưu lại dưới hình thức giấy và dữ liệu điện tử trên phần mềm trong thời hạn ít nhất 5 năm.
Ngoài ra, kinh phí tổ chức kiểm tra kiến thức nêu trên được bố trí từ khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.