Phát hiện nhiều hạn chế qua thanh tra, giám sát
ĐBP - Những năm qua, tỉnh Ðiện Biên chú trọng công tác thanh tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm như: Ðầu tư xây dựng, thực hiện chế độ chính sách... Qua thanh tra, giám sát đã phát hiện những sai phạm, tồn tại, hạn chế từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả đầu tư các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 47 cuộc thanh tra hành chính và 335 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 3,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 2 tỷ đồng, kiến nghị khác về kinh tế gần 1,5 tỷ đồng. Ðồng thời yêu cầu đơn vị chủ đầu tư khắc phục những sai sót trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án.
Cuối tháng 4/2023, Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra công tác quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Mường Nhé. Theo đó, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra 19 dự án với tổng mức đầu tư 216,7 tỷ đồng, giá trị nghiệm thu đến thời điểm thanh tra là 141,164 tỷ đồng; giá trị thanh toán 138,959 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra gồm: Ban QLDA các công trình huyện được giao quản lý 15 dự án với tổng mức đầu tư 151,65 tỷ đồng; Phòng Giáo dục và Ðào tạo 4 dự án với tổng mức đầu tư 65,051 tỷ đồng. Nội dung thanh tra gồm: Công tác chuẩn bị đầu tư; quá trình triển khai dự án của chủ đầu tư; việc công khai minh bạch trong công tác đấu thầu; công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư.
Qua thanh tra thực tế 17/19 công trình, dự án đã phát hiện một số hạn chế, khuyết điểm như: Trình tự thủ tục triển khai thực hiện một số dự án còn chưa tổ chức thẩm định dự toán, chưa phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát, chưa đóng dấu phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công triển khai sau thiết kế cơ sở. Việc xác định chi phí tư vấn chưa chính xác, tính thừa thuế giá trị gia tăng (VAT) trong chi phí quản lý dự án; áp sai đơn giá khoan khảo sát địa chất, chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, chi phí tư vấn thiết kế bản vẽ thi công. Lập dự toán gói thầu xây lắp của một số dự án tính toán sai số học, sai khối lượng tại một số hạng mục công trình. Công tác giám sát, nghiệm thu của chủ đầu tư đối với một số hạng mục công trình chưa chặt chẽ dẫn đến chấp nhận nghiệm thu, thanh toán một số nội dung chưa đúng quy định. Tiến độ thi công và công tác giải phóng mặt bằng còn chậm ở một số dự án. Ðơn cử như: Dự án Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 1 (xã Chung Chải), dự toán tính sai số học, khối lượng hạng mục công tác lắp dựng cốt thép xà, dầm, giằng mái, vách kính khung nhôm mặt tiền nhà lớp học 6 phòng; trát tường trong, sơn cột dầm, trần nhà nội trú 5 phòng với giá trị 133,035 triệu đồng. Hoặc Dự án Cải tạo, sửa chữa Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trường Tiểu học Trần Văn Thọ (xã Mường Nhé), dự toán tính sai số học, khối lượng hạng mục bê tông xà, dầm, giằng nhà lớp học xây mới, nhà số 1, số 2; sai số học khối lượng tường chắn đất xây gạch với giá trị 190,021 triệu đồng.
Ðoàn thanh tra đã kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm qua thanh tra là 302,662 triệu đồng và xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tư vấn và Ðầu tư xây dựng Việt Á. Cùng với biện pháp xử lý về kinh tế, Thanh tra tỉnh kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng tiến hành họp kiểm điểm xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác thẩm định tại 2 dự án: Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 1 và Cải tạo, sửa chữa Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trường Tiểu học Trần Văn Thọ. Ðối với UBND huyện Mường Nhé, Chủ tịch UBND huyện tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân liên quan đến các hạn chế, khuyết điểm, sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục.
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giám sát và phản biện xã hội cũng được các cơ quan dân cử tỉnh chú trọng thực hiện. Từ đầu năm đến nay, HÐND tỉnh, Thường trực và các ban HÐND tỉnh đã tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề về các nội dung: Ban hành, thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản; giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo về lĩnh vực đất đai; công tác quản lý, tuyển dụng và sử dụng biên chế trong ngành giáo dục, y tế. Thông qua hoạt động giám sát đã chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở ngành đối với những hạn chế. HÐND tỉnh đã kiến nghị đến Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh giải quyết 50 kiến nghị của đại biểu, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì giám sát 45 cuộc; thực hiện phản biện xã hội 11 cuộc, tham gia ý kiến cho các cơ quan tham mưu của cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp tham gia 228 đoàn giám sát của các cấp, ngành. Các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 59 cuộc giám sát, kiến nghị xử lý 8 vụ việc; ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện 195 cuộc giám sát, kiến nghị xử lý 37 vụ việc. Hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, qua đó phát huy dân chủ, đảm bảo lợi ích của nhân dân. Ðồng thời, kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.